Cần gấp rút chuẩn bị cho giai đoạn hậu WTO

Cần gấp rút chuẩn bị cho giai đoạn hậu WTO
Đó là nhận định của ông Đàm Xuân Hưng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế, Bộ Ngoại giao, bên lề Hội nghị ngoại giao lần thứ 25 đang diễn ra tại Hà Nội.
Cần gấp rút chuẩn bị cho giai đoạn hậu WTO ảnh 1
Ảnh : TTXVN

Theo ông Hưng, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước ta đã được triển khai từng bước vững chắc trong nhiều năm qua, từ gia nhập các tổ chức hợp tác khu vực như ASEAN, các diễn đàn liên khu vực như ASEM, APEC và mới đây là hoàn tất đàm phán gia nhập WTO - tổ chức thương mại mang tính toàn cầu. Gia nhập WTO, như vậy, là bước hội nhập sâu rộng và toàn diện nhất vào nền kinh tế thế giới.

Việc ta tham gia WTO sắp tới sẽ mở ra các cơ hội to lớn đồng thời cũng đem lại những thách thức không nhỏ đối với ta là một nước đang phát triển, quy mô kinh tế còn nhỏ, thu nhập thấp, đa số lao động còn làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp v.v.

Do vậy, bên cạnh việc tiếp tục tham gia và phát huy vai trò tích cực tại các diễn đàn khu vực và liên khu vực, chúng ta cần gấp rút chuẩn bị cho giai đoạn hội nhập sâu rộng sắp tới, như tiếp tục cải cách hành chính, sửa đổi bổ sung hệ thống luật pháp, tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ, tuyên truyền phổ biến về WTO v.v.

Thực hiện các cam kết để bảo vệ lợi ích của mình

Theo ông Ngô Quang Xuân, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Geneve: Sau khi gia nhập WTO chúng ta đã chuyển hẳn sang một giai đoạn mới, trước mình là quan sát viên tại WTO, bây giờ là thành viên chính thức.

Nhiệm vụ của Phái đoàn một nước quan sát viên cũng rất khác với nhiệm vụ của Phái đoàn một nước thành viên chính thức.

Bây giờ mình phải tham gia bàn thương lượng, trước mắt là vòng Doha. Mà theo dự tính vòng Doha chưa thể kết thúc, đang cam go trên nhiều vấn đề, các nhóm nước lợi ích, các nước lớn đang đàm phán quyết liệt với nhau, các nước lớn đang đàm phán quyết liệt với nhau. Chúng ta là một thành viên mới, chúng ta phải lựa chọn chỗ đứng của mình.

Đương nhiên, Chính phủ sẽ chỉ đạo, nhưng Phái đoàn là cơ quan tham gia trực tiếp tất cả các bàn đàm phán. Chúng ta phải lựa chọn ưu tiên, xác định cái gì thiết thực cho giai đoạn trước mắt, trung hạn và dài hạn. WTO có cơ chế theo dõi, giám sát việc thực thi các cam kết của các thành viên.

Trước mắt, chúng ta phải bám sát các cam kết của chúng ta để bảo vệ lợi ích của đất nước, tức là chúng ta phải giữ vững thực hiện theo cam kết của mình, mà những cam kết ấy đã được đàm phán theo lợi của mình rồi. Đương nhiên trong quá trình thực hiện các cam kết, có thể có sự vận động, có điều chỉnh, nhưng phải bám sát cam kết để bảo vệ lợi ích của mình.

Cần dự báo để tránh các tranh chấp thương mại

Ông Ngô Quang Xuân cho rằng, tới đây, chúng ta phải xem xem lĩnh vực nào có thể có đụng chạm, tranh chấp, tôi nghĩ đó là vấn đề chống phá giá, bởi vì hầu hết hàng hóa Việt Nam xuất ra các thị trường, nhất là thị trường WTO, thì đều đụng với hàng hóa của nhiều nước. Ngoài các tranh chấp trên thị trường nội địa vì hàng hóa nước ngoài sẽ vào, thì chúng ta sẽ gặp đụng chạm, tranh chấp tại thị trường các thành viên WTO.

Vì vậy chúng ta sẽ theo dõi để tránh các tranh chấp thương mại, vì tranh chấp thương mại có thể dẫn đến bóp méo thương mại. WTO có cơ quan xử lý tranh chấp thương mại và bây giờ chúng ta có lợi rồi. Trước đây mình chưa phải là thành viên WTO, con cá, con tôm của mình, những hàng hóa của mình đụng chạm đến Mỹ, bị họ kiện, nhưng chúng ta dựa vào luật của Mỹ, lại phải thuê luật sư của Mỹ để kiện, thế thì nhắm mắt cũng có thể nói được kết quả thế nào... chắc chắn là khó rồi... Chúng ta đừng hy vọng thắng trong các vụ kiện đó. Nhưng bây giờ chúng ta đã có cơ sở.

Theo ông Ngô Quang Xuân: Để bảo vệ quyền lợi của mình trước các vụ kiện chống phá giá, trước hết chúng ta phải xem xem thị trường quốc tế đang vận chuyển như thế nào, những lĩnh vực nào các nước đang đụng chạm nhau và hàng hóa Việt Nam xâm nhập thị trường các nước có thể đụng chạm ở chỗ nào.

Không chỉ nghiên cứu thị trường các nước, mà chúng ta còn phải nghiên cứu thị trường chung của khu vực và thế giới, đồng thời phải nghiên cứu luật, nếu đụng chạm thì xử lý như thế nào, để vừa bảo vệ được lợi ích, nhưng không được sai luật.

Cũng theo ông Ngô Quang Xuân, bây giờ chúng ta cũng phải làm quen với tranh chấp thương mại, coi nó là hoạt động bình thường trong quan hệ thương mại, nhưng trong làm quen chúng ta phải hiểu nó để mà tránh. Tôi nghĩ trước hết là phải có dự báo và dự báo phải chính xác để giúp các doanh nghiệp họ tránh.

Tất cả phải vào cuộc ngay từ đầu

Về cơ chế kiểm soát tác động của WTO đối với Việt Nam, ông Ngô Quang Xuân cho rằng nếu không có một cơ chế chung, thì các ngành kinh tế, các ngành liên quan thương mại, các doanh nghiệp lớn, cơ quan đại diện của ta ở Geneve về ngoại giao, thương mại... tất cả mọi người cùng phải làm, bởi vì nó liên quan sát sườn đến lợi ích của mình.

Cứ hình dung từ 1/1/2007 chúng ta bắt đầu thực hiện cam kết thì sau 3 tháng, sẽ khác ngay trong thị trường nội địa và trong việc thâm nhập thị trường nước ngoài.

Là người trực tiếp tham gia đàm phán và hiểu rất rõ về WTO, ông Ngô Quang Xuân rất quan tâm đến việc tư vấn, giúp đỡ, cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp trong nước.

Nhưng theo ông, về tổng thể phải có cơ chế, trong nước thì có cơ quan chỉ đạo, cơ quan đại diện ở nước ngoài thì cố vấn cho chính phủ, doanh nghiệp, nên thiết lập quan hệ càng trực tiếp càng tốt giữa cơ quan đại diện ở nước ngoài với các doanh nghiệp trong nước.

Mặt khác, các doanh nghiệp, các hiệp hội nên cử người đi đào tạo, sang Geneve xem họ xử lý tranh chấp như thế nào, đến xem các nước người ta làm ăn như thế nào. Bây giờ đàm phán song rồi, đến lúc phải thực thi các cam kết và tất cả mọi người quan tâm đến chuyện này phải lập tức vào cuộc ngay từ đầu.

Với chủ đề “Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại trong giai đoạn mới, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X”, ngày 25/11, Hội nghị ngoại giao lần thứ 25 đã khai mạc tại Hà Nội.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nhận định rằng cùng với những thành tựu nổi bật của đất nước về kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, an ninh quốc phòng, những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới, những thành tựu trong công tác đối ngoại đã tạo thành những nhân tố quan trọng làm cho vị thế, uy tín của Việt Nam được khẳng định và nâng cao trên trường quốc tế.

Tổng Bí thư yêu cầu công tác đối ngoại phải làm tốt ngay từ trong nước, phải làm cho người nước ngoài đến Việt Nam hiểu đầy đủ, đúng đắn về đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, về đất nước, con người Việt Nam.

Ngoại giao phải giúp các nhà doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư và gặp thuận lợi khi sang làm ăn ở Việt Nam. Hoạt động ngoại giao ở trong nước phải hỗ trợ hoạt động ngoại giao ở nước ngoài và ngược lại; hai mặt đó phải phối hợp để tạo thành sức mạnh tổng hợp.

Trong thời gian 7 ngày (25/11-1/12), hội nghị sẽ đi sâu thảo luận về tình hình quốc tế và khu vực, dự báo xu hướng phát triển trong 10-15 năm tới, phân tích tác động của những thay đổi đó tới môi trường an ninh và phát triển của Việt Nam; từ đó đề ra những biện pháp cụ thể nhằm phát huy hiệu quả của hoạt động ngoại giao trong bôi cảnh tình hình mới.

MỚI - NÓNG