Cần giải pháp có tầm

Chất tải dân cư vào các nhà cao tầng đang khiến nhiều tuyến đường Hà Nội ùn tắc không lối thoát. Ảnh: Chụp tại Ngã Tư Sở. Ảnh: T.Đảng.
Chất tải dân cư vào các nhà cao tầng đang khiến nhiều tuyến đường Hà Nội ùn tắc không lối thoát. Ảnh: Chụp tại Ngã Tư Sở. Ảnh: T.Đảng.
TP - Cắt nghĩa về ùn tắc trên nhiều tuyến đường những ngày qua, các cơ quan chức năng Hà Nội cho rằng, do bước vào năm học mới và mưa gây úng ngập cục bộ… Tuy nhiên trao đổi với Tiền Phong, KTS Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội lại cho rằng, đây là hệ quả của việc thực hiện, quản lý quy hoạch chưa tốt.

Vỡ trận quy hoạch

Những ngày qua, nhiều tuyến đường Thủ đô rơi vào ùn tắc kéo dài, theo ông đâu là nguyên nhân?

Sau khi Hà Nội triển khai một số giải pháp như đổi giờ học, giờ làm; phân làn, phân luồng; đưa vào sử dụng nhiều cầu vượt nhẹ… giao thông Thủ đô đã có chuyển biến tích cực. Trong hai năm qua, Hà Nội không phát sinh những điểm ùn tắc mới. Tuy nhiên, nhìn rộng ra, các giải pháp trên chỉ là tình thế không còn hiệu quả khi lượng phương tiện tham gia giao thông tăng cao, nhất là vào dịp lễ tết, đầu năm học mới. Do vậy, để giải quyết được bài toán ùn tắc, Hà Nội phải có một giải pháp tổng thể, có tầm hơn.

Vậy, giải pháp tổng thể và có tầm ở đây là gì, thưa ông?

“Phải vất vả lắm Hà Nội mới xây được cầu vượt tại nút Ngã Tư Sở để xóa điểm đen ùn tắc. Tuy nhiên Hà Nội lại vừa đưa vào sử dụng các nhà cao tầng tại đây, khiến nút giao thông Ngã Tư Sở thời gian này trở lại tắc như nêm. Ùn tắc từ đây mà ra chứ chưa vội đổ hết cho hạ tầng quá tải, năm học mới hay ý thức người dân…”.

KTS Trần Trọng Hanh

Nội đô Hà Nội là phố cổ, đường sá xây dựng chủ yếu từ xưa, khi phương tiện đi lại còn thưa thớt, nay đô thị phát triển, dân số và phương tiện tăng lên gấp nhiều lần. Thực tế này đòi hỏi cơ quan quản lý cần phải có quy hoạch, điều chỉnh lại hệ thống hạ tầng phù hợp. Quy hoạch chung, trong đó có hạ tầng giao thông đã được Chính phủ phê duyệt từ nhiều năm qua, cơ quan quản lý địa phương phải triển khai nghiêm túc. 

Với lĩnh vực giao thông, đô thị, quy hoạch của Chính phủ nêu rõ, để đảm bảo kiến trúc và tránh quá tải cho nội đô, khu vực trung tâm không cho phép xây nhà cao từ 10 tầng trở lên. Vậy nhưng hiện nay các khu đô thị, trung tâm thương mại cao tầng… vẫn mọc lên nhan nhản tại các tuyến đường lớn, nút giao thông quan trọng ngay trong nội đô. Cùng với đó, Chính phủ yêu cầu phát triển các đô thị vệ tinh để trao quyền phát triển công nghiệp, dịch vụ cho các đô thị này. Lõi nội đô chỉ đảm nhiệm chức năng là Trung tâm hành chính của Thủ đô và cả nước, nhưng đến nay thành phố Hà Nội vẫn chưa làm được gì nhiều.

Cần giải pháp có tầm ảnh 1

KTS Trần Trọng Hanh.

Ai chịu trách nhiệm?

Mật độ dân số có tác động gì trong các giải pháp trên, thưa ông?

Dân số chính là nguyên nhân chủ yếu gây ùn tắc giao thông. Có thể hiểu là, dân số đông sẽ dẫn đến phương tiện tăng nhanh. Trong bối cảnh đường sá không thể mở rộng, hạ tầng giao thông khai thác ở mức vượt ngưỡng, bài toán dân số, cụ thể là phân bố lại dân cư phải được tính đến. Tuy nhiên, sau 30 năm đổi mới, phát triển, thành phố Hà Nội đã chưa làm được điều này. Tại Quy hoạch Thủ đô Chính phủ cũng nêu rõ, số lượng sinh viên các trường đại học tại trung tâm Hà Nội từ nay đến năm 2020 chỉ giới hạn khoảng 30 vạn, nhưng hiện tại dù chưa đến năm 2020 mà số lượng sinh viên tại nội đô Hà Nội đã là 66 vạn (tăng hơn gấp đôi), đó là chưa nói đến học sinh tại hơn 2.400 trường học trên địa bàn. Dân số Hà Nội trong 5 năm qua tăng thêm 1,3 triệu người, riêng khu vực nội thành tăng 1,2 triệu người (đa số là nhập cư và chưa tính dân số vãng lai). Dự kiến đến năm 2020 dân số Hà Nội sẽ tiếp tục tăng lên, vậy lúc đó giao thông Hà Nội sẽ đi về đâu, nhất là khi hạ tầng không thể cải tạo, mở rộng.

Hà Nội đang quản lý đô thị và thực hiện quy hoạch theo kiểu “thả phanh”, điều đó sẽ dẫn đến hậu quả vỡ trận. Dễ nhận thấy cứ ai xin được đất thì gần như thoải mái xây dựng, đầu tư các khu chung cư, đô thị có dân số lớn. Chính phủ và thành phố Hà Nội có quy định, trong khu vực nội đô không xây dựng nhà cao từ 10 tầng trở lên, vậy nhưng không tính các tòa nhà đã hoàn thành, hiện thành phố đang có gần 20 dự án có các tòa nhà cao trên 10 tầng, nhiều dự án chuẩn bị khánh thành như 56 Nguyễn Chí Thanh, 89 Láng Hạ, 131 Thái Hà… Vậy các dự án này ai cho phép, ai ký quyết định? Phải vất vả lắm Hà Nội mới xây được cầu vượt tại nút Ngã Tư Sở để xóa điểm đen ùn tắc. Tuy nhiên Hà Nội lại vừa đưa vào sử dụng các nhà cao tầng tại đây, khiến nút giao thông Ngã Tư Sở thời gian này trở lại tắc như nêm. Ùn tắc từ đây mà ra chứ chưa vội đổ hết cho hạ tầng quá tải, năm học mới hay ý thức người dân…

Cảm ơn ông!

Hà Nội  hiện có 7 triệu dân; số phương tiện cá nhân tham gia giao thông hàng ngày trên đường là 5,5 triệu xe, trong đó 74% là xe máy. Trung bình mỗi tháng Hà Nội có thêm 19 nghìn phương tiện được đăng ký mới. Lưu lượng phương tiện tham gia giao thông đang vượt quá thiết kế của mặt đường.

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.