Dự án Luật đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài:

Cần giảm bớt gánh nặng cho người lao động

Cần giảm bớt gánh nặng cho người lao động
TP - Việc người lao động nước ta đi làm việc ở nước ngoài đang phải chịu những chi phí quá cao đã được nhiều vị ĐBQH lên tiếng khi Quốc hội thảo luận về dự án Luật đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài hôm qua (27/10).

“Thời gian qua, người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài còn bỏ trốn nhiều (làm một thời gian bỏ trốn ra ngoài, phá vỡ hợp đồng hoặc hết thời gian lao động bỏ trốn ở lại không về nước) gây ảnh hưởng đến  lòng tin của nước nhận lao động và truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Tình trạng trên có nguyên nhân là do tiền ký quỹ, tiền môi giới quá cao”- Ông Trần Văn Kiệt (ĐBQH Vĩnh Long) lên tiếng.

Ông Kiệt còn nói rằng môi giới thường thu vô tội vạ. “Theo tôi biết mỗi nơi thu mỗi khác, có nơi 2.000, 3.000, 4.000, 5.000USD/người. Điều đó khiến người lao động quá thiệt thòi”- Ông phản ánh. 

Có cùng quan điểm, bà Đỗ Phương Thảo (ĐBQH Hải Phòng) bổ sung: “Chi phí của một lao động Việt Nam bỏ ra để được đi làm việc ở nước ngoài hiện cao hơn rất nhiều so với các nước khác như Thái Lan, Philippines, Indonesia, Mông Cổ, hay Trung Quốc. Nguyên nhân là do nạn “cò” lao động xuất khẩu tràn lan, dù tuyển trực tiếp hay gián tiếp thì người lao động Việt Nam vẫn phải trả những khoản chi phí ngầm cao hơn rất nhiều so với quy định”.

Bà Phương Thảo cũng phản ánh một cách cụ thể hơn:  Muốn được đi lao động tại Hàn Quốc, chi phí ban đầu đặt ra chỉ là 699 USD, có người phải trả đến hàng chục ngàn đô thì mới đi được hoặc đi lao động ở Đài Loan quy định là 60.000 Đài tệ (khoảng 28 triệu đồng) nhưng  có nhiều người đã phải trả gấp đôi số tiền đó “Rõ ràng đó là một chi phí lớn, một gánh nặng đối với người lao động”- Bà Phương Thảo quả quyết. 

Cũng vì lý do này mà bà Phương Thảo cho rằng việc bắt buộc người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải ký quỹ là chất thêm gánh nặng cho họ.

Bà Phương Thảo kiến nghị nên xem xét, sử dụng quy định ở dự thảo trình Quốc hội kỳ họp thứ 9. Đó là quy định doanh nghiệp có quyền yêu cầu người lao động ký quỹ chứ không phải luật pháp quy định bắt buộc phải ký quỹ như hiện nay. 

“Quy định này hợp lý hơn cả, bởi vì nó vừa cho phép doanh nghiệp được chủ động trong việc tuyển chọn lao động, ràng buộc trách nhiệm của người lao động với doanh nghiệp, vừa tạo nên một môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp. Bởi vì, nếu có nhiều doanh nghiệp cùng tuyển lao động ở một thị trường, nếu mức chi phí ngang nhau, doanh nghiệp nào không đòi hỏi tiền ký quỹ có thể sẽ có lợi thế hơn”- Bà Phương Thảo nhận định. 

Mở rộng vấn đề này, bà Dương Kim Anh (ĐBQH Trà Vinh) đề nghị luật cần quy định rõ ràng, cụ thể về từng khoản mà người lao động phải đóng góp. “Đề nghị là phải cụ thể, tiền dịch vụ bao gồm khoản gì để cho người lao động yên tâm, biết là mình phải đóng  những khoản dịch vụ gì. Còn khoản nào luật không quy định thì doanh nghiệp không được quyền thu”- Bà Kim Anh đề xuất.

Công đoàn không đứng ra thì sao?

Đa số ý kiến của các ĐBQH tán thành với quy định trong dự thảo Bộ Luật lao động sửa đổi phần liên quan đến đình công rằng, nên phân biệt khái niệm “tranh chấp lao động tập thể về quyền và về lợi ích” để có cách giải quyết phù hợp.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Đặng Ngọc Tùng nói rằng, qua thực tế 1.300 vụ đình công xảy ra thời gian qua cho thấy trên 90% là do tranh chấp lao động về quyền (tức là quyền lợi của người lao động đã được pháp luật quy định nhưng không được người sử dụng lao động thực hiện).

Trường hợp này, dự thảo luật quy định rằng, sau khi hoà giải không thành,  thì tập thể người lao động có quyền đình công là phù hợp. Nếu như ở doanh nghiệp đã có công đoàn cơ sở thì công đoàn là người lãnh đạo đình công, nếu chưa có thì đại diện người lao động sẽ lãnh đạo đình công sau khi thông báo với công đoàn cấp trên.

“Vậy nếu như quyền của người lao động bị xâm phạm mà công đoàn không đứng ra bảo vệ thì sao?”- Ông Trần Văn Nam (ĐBQH Bình Dương) nêu vấn đề.

Theo ông Nam, cần  bổ sung thêm vào luật rằng, trong trường hợp như vậy thì tập thể người lao động cũng có quyền được lãnh đạo đình công thì quyền lợi người lao động mới được bảo đảm.

Cũng chính ông Nam đề xuất cần quy định cụ thể hơn nội dung những người tuy không tham gia đình công mà phải nghỉ việc do đình công bởi vì quy định như vậy sẽ rất khó thực hiện.

“Nếu như đó là doanh nghiệp cung ứng thức ăn cho doanh nghiệp khác mà do đình công, không cung cấp thức ăn khiến công nhân doanh nghiệp khác phải nghỉ việc thì công nhân doanh nghiệp này có được hưởng lương không?”- Ông Nam nói.

Luật nghiêng về bảo vệ lợi ích cho chủ doanh nghiệp?

Dự thảo đầu tiên quy định là “doanh nghiệp có quyền yêu cầu người lao động ký quỹ”. Tới dự thảo lần hai trình trong ĐBQH chuyên trách thì nội dung trên  đã được chỉnh sửa thành  “người lao động có nghĩa vụ ký quỹ theo yêu cầu của doanh nghiệp”.

Đến dự thảo lần này, quy định đó đã trở thành là “người lao động có nghĩa vụ ký quỹ theo quy định của Nhà nước”. Như vậy, ban đầu doanh nghiệp có quyền yêu cầu, sau đó là người lao động có nghĩa vụ ký quỹ theo yêu cầu của doanh nghiệp và cuối cùng đến thời điểm này, theo quy định của dự thảo luật thì người lao động phải có nghĩa vụ ký quỹ theo quy định của Nhà nước.

Tôi bình luận rằng quy định của luật mỗi lúc một nghiêng về việc bảo vệ quyền lợi cho chủ doanh nghiệp hơn là quyền lợi cho người lao động.

(Bà Đỗ Phương Thảo, ĐBQH Hải Phòng)

MỚI - NÓNG