Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật Trần Thế Vượng:                 

Cần giảm bớt số tội danh có hình phạt tử hình

Cần giảm bớt số tội danh có hình phạt tử hình
TP - Theo Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội Trần Thế Vượng, các cơ quan tư pháp đã tuyên nhiều án tử hình nhưng tác dụng trong phòng ngừa và răn đe tội phạm nói chung chưa cao.          

Trong báo cáo giám sát về việc chấp hành pháp luật trong thi hành án hình sự trình bày hôm qua trước Quốc hội có đề nghị bên cạnh việc thay đổi cách thi hành án tử hình, cần sớm sửa đổi Bộ luật hình sự theo hướng giảm bớt các tội danh có hình phạt tử hình.

Báo giới đã có cuộc trao đổi với ông Trần Thế Vượng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về vấn đề này. Ông Vượng nói: Các cơ quan tư pháp đã tuyên nhiều án tử hình, thế nhưng tác dụng của nó trong phòng ngừa và răn đe tội phạm nói chung chưa cao.

Đặc biệt, hình thức thi hành bằng cách bắn trực tiếp khiến những người được giao nhiệm vụ này có tâm lý rất nặng nề. Chính vì thế mà Ủy ban Pháp luật và còn nhiều ý kiến khác nữa đều mong muốn xem xét giảm bớt những tội danh có hình phạt tử hình.

Không chỉ vậy, ngay với cả các tội mà xét thấy chưa thể bỏ được hình phạt tử hình thì việc quy định các tình tiết để áp dụng hình phạt tử hình cũng phải chặt chẽ hơn. Tóm lại, mong muốn chung là tìm mọi cách có thể được để hạn chế những trường hợp phải tuyên án tử hình.

Theo ông, nên bỏ áp dụng án tử hình với những tội danh nào?

Việc này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng tuy nó không phải là vấn đề mới đặt ra. Năm 1999 khi tiến hành sửa đổi cơ bản Bộ luật hình sự chúng ta đã giảm từ 42 tội danh có hình phạt tử hình xuống còn 29 tội danh. Bây giờ lại phải tiếp tục nghiên cứu để giảm hơn nữa.

Còn giảm tội nào thì phải tính toán, cân nhắc đến tác dụng và yêu cầu của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.  Vì thế, tôi không thể nói ngay là nên sửa đổi tội nào, điều luật nào nhưng trọng tâm cần đi sâu nghiên cứu là những tội phạm về ma tuý như sản xuất, tàng trữ, vận chuyển ma tuý...

Còn việc tìm cách thức thi hành án tử hình khác thay cho cách bắn trực tiếp hiện nay cũng là vấn đề đã được đặt ra từ lâu, vậy hiện các cơ quan chức năng đã tính đến cách thức nào?

Việc này mới dừng lại ở việc nghiên cứu, phát biểu ý kiến tham khảo trong các cuộc hội thảo, chứ chưa có ý kiến chính thức đề xuất với Quốc hội của một cơ quan có trách nhiệm nào. Thực ra, cũng đã đặt  ra nhiều hình thức khác để bàn bạc nhưng với hình thức nào thì cũng có mặt được và không được.

Chẳng hạn hình thức được nhắc đến nhiều  là tiêm thuốc độc. Với hình thức bắn trực tiếp thì người bắn có tâm lý căng thẳng thì với cách tiêm thuốc tâm lý người tiêm sẽ như thế nào...

Qua những nghiên cứu đó rồi sẽ trình ra nhiều phương án để cơ quan có thẩm quyền quyết định. Về việc này, tôi nghĩ,  chúng ta sẽ tìm ra phương án tối ưu chứ còn phương án nào thì cũng có mặt được và mặt hạn chế.

Hữu Khôi ghi

MỚI - NÓNG