Từ <A href="http://www.tienphongonline.com.vn/Tianyon/Index.aspx?TopicID=114" location="yes" statusbar="yes" menubar="yes" scrollbars="yes" titlebar="yes" toolbar="yes" resizable="yes">bài thơ gây chấn động dư luận và “đêm trước đổi mới</A>”:

Cần hiền tài để chọn hiền tài

Cần hiền tài để chọn hiền tài
TP - Cách dùng người bao giờ cũng mang tính chất quyết định sự sống còn đối với một chính quyền, một chế độ. Do đó, vai trò của những người lựa chọn và sử dụng cán bộ là rất lớn.

Có thể nói vấn đề cán bộ và công tác cán bộ là vấn đề hệ trọng bậc nhất của mọi chế độ xã hội. Lịch sử phát triển của xã hội từ khi có Nhà nước đến nay cho thấy không một chế độ chính trị nào không chú ý quan tâm vấn đề cán bộ và công tác cán bộ.

Sự hưng thịnh hoặc suy tàn của một chính quyền, thậm chí một chế độ chính trị đều có nguồn gốc sâu xa từ cán bộ và công tác cán bộ.

Ở Trung Quốc vào đời Đường, thời Đường Thái Tông nắm quyền do biết tìm kiếm và trọng dụng các Hiền tướng như Phòng Huyền Linh, Đỗ Như Mai… nên thịnh trị, xã hội yên bình, ấm no, đêm không phải cài cửa, nhưng đến thời Đường Huyền Tông nắm quyền thì do chọn dùng bọn gian thần như Dương Quốc Trung, Lý Lâm Phổ… nên dẫn đến tai họa, gây ra đại loạn xã hội.

Hiền nhân đã cảnh báo rằng: Đối với một chế độ chính trị, thảm họa thật lớn là không biết người hiền tài, thảm họa khôn lường là biết người hiền tài mà không sử dụng, thảm họa khôn kể là dùng người hiền tài mà không tin cậy giao giữ nhưng chức vụ, những công việc thích hợp để họ phát huy tài năng và đức độ cống hiến hiệu quả cho xã hội.

Lời cảnh báo trên đây cho thấy rằng việc chọn cho được người hiền tài, sử dụng đúng người hiền tài trong xã hội là một vấn đề hết sức công phu nhiều khó khăn, phức tạp, không phải dễ dàng. ấy bởi vì:

Thứ nhất, xã hội ta là xã hội đang phát triển, về mặt tâm lý xã hội, trong mỗi con người làm công tác cán bộ cái tôi vẫn còn, đòi hỏi phải được gác lại để vì lợi ích chung mà chiến thắng các chi phối của những lợi ích đơn thuần.

Thứ hai, để chọn được người hiền tài bố trí vào bộ máy lãnh đạo, quản lý, điều hành xã hội thì trước hết đầu tiên người làm công tác cán bộ (mọi thành viên cấp ủy các cấp và những người trong cơ quan nghiệp vụ công tác cán bộ các cấp) phải là hiền tài.

Chỉ có hiền tài mới vì đại sự quốc gia, mới công tâm, khách quan, không ẩn ý riêng tư, dám đặt lợi ích riêng nhỏ của mình trong hoặc sau lợi ích chung lớn của quốc gia, dân tộc. Do đó mới biết, hiểu người hiền tài, mới quý trọng người hiền tài, mới dám tìm người hiền tài và tiến cử và bố trí họ vào các vị trí thích hợp trong bộ máy lãnh đạo, quản lý Nhà nước để phụng sự quốc gia, dân tộc.

Thứ ba, người hiền tài là những người cương trực, ngay thẳng, trung thành, trung thực luôn vì nghĩa lớn, không màng danh lợi. Lời của người hiền tài là lời trung, rất tâm huyết, nhưng thường hay nghịch nhĩ cấp trên, đây là một đặc điểm cố hữu của các hiền nhân.

Đòi hỏi dùng người hiền tài thì phải thật sự tin tưởng họ, biết nghe những lời khẳng khái chính trực, trung thực, tâm huyết của họ, phát huy hết tài năng và tâm đức của họ cho sự nghiệp của quốc gia, dân tộc.

Bài học xương máu của công tác cán bộ mà lịch sử đã đúc kết là biết hiền tài mà không dùng, biết xấu mà không phế truất tất sẽ gây họa. Xã hội ta từ nay trở về sau bất luận thế nào cũng không được để xảy ra việc các hiền tài trả ấn từ quan như trước đây đã từng có Chu Văn An, Trần Nguyên Đán, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm… không được để xảy ra những án oan sai, bi thảm như đã từng có trong lịch sử như vụ Lê Văn Thịnh ở thế kỷ 11…

Lịch sử xã hội từ cổ chí kim đã cho thấy bất kể chế độ xã hội nào muốn có nhiều hiền tài thì phải có Hiền nhân tiến cử. Đã có nhiều gương sáng về Hiền nhân tiến cử hiền tài và trọng dụng hiền tài, mà nhờ đó xã tắc an vui, quốc gia hưng thịnh.

Ví như chuyện trong lịch sử Trung Quốc thời Xuân Thu có Công Tôn Chi tiến cử Bách Lý Hề và nhường vị cho Bách Lý Hề, Kỳ Khê tiến cử Giải Hồ (mặc dù Giải Hồ có tư thù với Kỳ Khê), khi Giải Hồ lâm bệnh chết thì Kỳ Khê tiến cử Kỳ Ngọ, hoặc trong lịch sử nước nhà thời tiền Lê có Tô Hiến Thành tiến cử Trần Trung Tá…

Đến thế kỷ 20 trong toàn bộ sự nghiệp lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng xã hội chủ nghĩa, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã kế thừa, phát huy rất tốt truyền thống trọng dụng Hiền tài của dân tộc, luôn luôn coi trọng, đặt lên vị trí hàng đầu vấn đề cán bộ và công tác cán bộ, xác định cán bộ là gốc của mọi công việc và công tác cán bộ là mặt công tác đặc biệt quan trọng quyết định sự phát triển xã hội và thành công của sự nghiệp cách mạng.

Minh chứng hùng hồn là Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ ra đời trong điều kiện lịch sử xã hội lúc này có muôn vàn khó khăn, thử thách bởi họa giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, nhưng nhờ có Bác Hồ là người biết chọn, trọng dụng nhiều người hiền tài cùng Người giúp dân, giúp nước mà chính quyền non trẻ của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã đứng vững, từng bước trưởng thành, quy tụ đoàn kết được toàn dân tộc tạo thành một sức mạnh vô song…

Hiện nay, đa số cán bộ của Đảng và Nhà nước ta vẫn giữ vững bản lĩnh, ý chí và phẩm chất đạo đức cách mạng, phát huy cao độ tài năng và đức độ cống hiến cho Tổ quốc. Song cũng không ít cán bộ kể cả cán bộ chủ chốt các cấp đã bị sức cám dỗ của đồng tiền, bị danh vọng và quyền lực chi phối, tha hóa làm suy giảm lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước. Đây là nguy cơ mang tính chất thảm họa cho chế độ xã hội.

Trong các nhiệm kỳ Đại hội Đảng toàn quốc khóa VIII và khóa IX, Đảng ta đã nhận rõ vấn đề nguy hại này và đến nay dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc khóa X, Ban chấp hành Trung ương Đảng vẫn khẳng định:

“Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống, bệnh cơ hội, thực dụng, thiếu trung thực và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu dân trong một bộ phận không nhỏ cán bộ diễn ra rất nghiêm trọng”.

“Một bộ phận không nhỏ cán bộ kể cả một số cán bộ chủ chốt các cấp yếu kém cả về phẩm chất và năng lực, vừa thiếu tính tiền phong, gương mẫu, vừa không đủ trình độ, năng lực hoàn thành nhiệm vụ”. Điển hình cho nhận định trên là PMU 18, Bộ GTVT.

Vì sao có tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, kể cả một số cán bộ chủ chốt các cấp yếu kém kéo dài như vậy? Nguyên nhân có nhiều, song tôi cho rằng nguyên nhân cốt yếu của tình trạng này là:

Thứ nhất, trong công tác cán bộ, có nơi, có chỗ đã đánh giá, chọn người bố trí vào các cơ quan Đảng và Nhà nước không chặt chẽ, buông lỏng nguyên tắc tổ chức, không khách quan, không trung thực, bị vấn nạn chạy, vấn nạn thân, quen, tình cảm riêng tư và tệ nạn quyền lực cá nhân xen lấn.

Các chuẩn mực tiêu chuẩn chất lượng thật về tâm đức, trí tuệ làm việc và kết quả làm việc của người được lựa chọn vào đội ngũ cán bộ đã bị xem nhẹ, làm ngơ, khiến cho trong cơ quan công quyền Nhà nước, có nơi tồn tại những sự thật đau lòng về cán bộ và công tác cán bộ.

Chẳng hạn như trường hợp “Anh – xét xử, Em – Công tố, Bố – Phúc thẩm” ở tỉnh Yên Bái đã được đăng trên báo Pháp luật Việt Nam; hoặc như việc cả loạt cán bộ chủ chốt của PMU 18, mặc dù đã có nhiều sai phạm mang tính hệ thống (lặp đi lặp lại) trong nhiều năm, nhưng vẫn được đề bạt vào các cương vị quản lý lãnh đạo trọng yếu cao hơn, để gây ra vụ án Bùi Tiến Dũng và những bài học đắt giá nguy hại như hiện nay.

Thứ hai, trong quản lý cán bộ, về mặt chủ quan mà nói, rõ ràng đã có những yếu kém, trong đó yếu kém cơ bản chủ yếu nhất chỉ có thể là do chủ thể trực tiếp quản lý cán bộ và lãnh đạo công tác cán bộ (cấp ủy Đảng) không đủ năng lực quản lý hoặc là do người làm tham mưu (cơ quan nghiệp vụ công tác tổ chức, cán bộ) cho các cấp ủy Đảng về quản lý cán bộ và công tác cán bộ không trung thực, không đủ năng lực thực hiện chức năng.

Chính những yếu kém đó trong quản lý  cán bộ và công tác cán bộ đã tạo kẽ hở để cho người xấu có cơ hội phát triển thành “Một bộ phận không nhỏ cán bộ” mà Dự thảo Báo cáo chính trị đã nói đến.

Thứ ba, trong xử lý các cán bộ yếu kém và có sai phạm, chắc chắn là còn né tránh, hữu khuynh và bị “bệnh thành tích” chi phối. Cho nên, mặc dù đã biết và kết luận rằng trong đội ngũ cán bộ của Đảng và Nhà nước ta có “Một bộ phận không nhỏ cán bộ kể cả một số cán bộ chủ chốt các cấp yếu kém cả về phẩm chất và năng lực, vừa thiếu tính tiền phong, gương mẫu vừa không đủ trình độ, năng lực hoàn thành nhiệm vụ” nhưng vẫn để kéo dài tình trạng đó từ nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ khác, mà không thể có biện pháp hữu hiệu cụ thể thiết thực để đưa những người có đức tài khác vào thay thế cái “bộ phận không nhỏ cán bộ” đó.

Quan tâm các vấn đề lớn của đất nước, hẳn chúng ta không thể không nhận thấy cái “bộ phận không nhỏ cán bộ kể cả một số cán bộ chủ chốt các cấp yếu kém cả về phẩm chất và năng lực, vừa thiếu tính tiền phong, gương mẫu, vừa không đủ trình độ, năng lực hoàn thành nhiệm vụ” đang ngày một lớn dần, lan tỏa vào các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.

Nếu chỉ rõ ra cái “bộ phận không nhỏ cán bộ kể cả một số cán bộ chủ chốt…” mà không kiên quyết dứt khoát loại bỏ các thành phần của cái “bộ phận không nhỏ” ấy sẽ là cái nguy hại nhất từ bên trong để các thế lực xấu khác ở bên ngoài làm chỗ dựa thực hiện những điều không còn chỉ là gây nhức nhối bức xúc nhiều mặt cho xã hội chúng ta, mà sẽ làm những điều khác nguy hại hơn thế.

Với niềm tin tưởng tuyệt đối vào Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, chắc chắn rằng trong thời gian tới đây công tác cán bộ sẽ được chú trọng hơn, để mỗi cán bộ, đảng viên trong bộ máy của Đảng và Nhà nước ta đều sẽ là một hiền tài, rất trung hiếu, nỗ lực cống hiến tâm đức, trí tuệ tài năng của mình cho quốc gia, dân tộc.

Để trong xã hội ta không còn tệ Đồng chí không bằng đồng tiền – Bằng lòng vẫn hơn bằng cấp, không còn những kẻ Có mắt giả mù, có tai giả điếc – Thích nghe nịnh hót, ghét bỏ lời trung – Trấn áp đấu tranh, dập vùi khốn khổ – Với đồng chí vẫn bày mưu chia rẽ – Tham quyền cố vị, sợ trẻ hơn già… đã gây ra Những thói đời làm dân oán trách.

Để trong văn kiện của Đảng ta sẽ không còn những dòng chữ xót xa “Một bộ phận không nhỏ cán bộ kể cả một số cán bộ chủ chốt các cấp yếu kém cả về phẩm chất và năng lực, vừa thiếu tính tiền phong, gương mẫu vừa không đủ trình độ, năng lực hoàn thành nhiệm vụ”.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.