Cân nhắc thời điểm tăng giá điện

Cân nhắc thời điểm tăng giá điện
TP - Tăng giá điện từ ngày 14/1/2009 theo phương án của Bộ Công Thương có phải là yêu cầu cấp thiết, và thời điểm nào thì nên tăng giá điện? PV Tiền Phong trao đổi với một số chuyên gia doanh nghiệp.

Ông Trương Đình Tuyển-thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tiền tệ Quốc gia:

Chính phủ nên trợ giá cho nông thôn

Cân nhắc thời điểm tăng giá điện ảnh 1

Việc tăng giá điện là một yêu cầu. Thực tế ở ta giá điện từ nguồn thủy điện rẻ, nhiệt điện đắt, cộng thêm việc phải mua điện từ nước ngoài đắt nên bình quân giá bán đang thấp hơn giá thành. Đưa giá điện lên cũng để chí ít không bị lỗ. Nhưng thời gian nào tăng, Chính phủ phải cân nhắc...

Có ý kiến cho rằng, trong thời điểm hiện nay, chưa nên tăng giá điện. Thực ra cũng chỉ có hai cách để lựa chọn.

Một là tăng giá để giảm lỗ. Hai là tạm thời chấp nhận lỗ thêm một thời gian. Về e ngại không chỉ giá điện sản xuất mà giá điện sinh hoạt ở thành phố cũng bị tăng, theo tôi, điện sinh hoạt ở thành phố phải tăng rồi; còn ở nông thôn thì Chính phủ vẫn nên trợ giá.

Có thắc mắc tại sao Chính phủ cứ giữ thế độc quyền của Tập đoàn Điện lực Việt Nam? Thực ra tạo thị trường điện bán lẻ trong khâu phân phối đến tiêu thụ rất khó, không như viễn thông (nhiều nước cũng muốn mà chưa làm được).

Tạo thị trường điện cạnh tranh trong khâu phát điện là hoàn toàn có thể. Cái này Chính phủ có đề án rồi. Bộ Công Thương cũng gửi đề án. Ở đây cần phải có vai trò của Chính phủ.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Cục trưởng Cục quản lý giá Bộ Tài chính:

Công khai tác động tăng giá điện tới từng nhóm hàng

Cân nhắc thời điểm tăng giá điện ảnh 2

Giá tăng 9,8% được tính trên cơ sở giá các nhiên liệu cấu thành giá điện với các mức giá dầu thô tương ứng 70 USD/thùng; giá khí để làm nhiên liệu cho nhiệt điện là 5,25 USD/ triệu BTU (một đơn vị năng lượng sử dụng) và giá than tăng khoảng 20%.

Phương án tính toán mới nhất của Cục Quản lý giá đã tính với giá dầu thô 50 USD/thùng; giá khí 4,08 USD/ triệu BTU; giá than tăng 53% để bằng giá thành khai thác. Từ các thông số đầu vào đó, mức tăng bình quân giá điện là 941 đồng/KWh điện (tương đương 8,3%) sẽ hợp lý hơn.

Về việc này, trong cuộc họp với Bộ Công Thương, tôi đã đề nghị xem lại giá than và dầu. Tới đây, khi họp với Chính phủ, chúng tôi cũng sẽ có ý kiến.

Hiện, biểu giá bán lẻ cụ thể Bộ Công Thương chưa đưa ra mà mới chỉ trình giá bình quân thôi... Tuy nhiên, Bộ Tài chính đề nghị phải trình Thủ tướng cả biểu giá bán lẻ cụ thể để Thủ tướng phê duyệt theo quy định của Luật Điện lực.

Để tránh gây ảnh hưởng tâm lý nhân dân lúc này, Bộ Công Thương cần công khai và nên cụ thể tác động của việc tăng giá điện tới các nhóm hàng, Bộ Tài chính cũng sẽ có tính toán.

Bà Trần Thu Huyền -Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sơn Á Châu:

Doanh nghiệp đành chịu giảm lãi

Cân nhắc thời điểm tăng giá điện ảnh 3

Nhà máy của tôi sản xuất sơn với công suất 300 tấn/năm, bình quân  chi phí cho tiêu dùng điện khoảng 20 triệu đồng/tháng; giả dụ giá điện sản xuất tăng  8% như vậy, tôi sẽ phải chi thêm khoảng gần hai triệu đồng/tháng.

Cùng đó, văn phòng Cty mỗi tháng cũng ngốn hết hai triệu đồng tiền điện; giờ cứ tính bình quân giá điện tăng 15%, chúng tôi sẽ mất thêm 300 nghìn đồng/tháng.

Nói chung sẽ tốn một khoản đáng kể. Nếu Nhà nước không thể không tăng giá điện thì phải có lý do rõ ràng tăng vì cái gì.

Với phương án tăng khoảng 8,3-9,8% dự kiến,  toàn bộ nền kinh tế sẽ phải gánh thêm số tiền phát sinh xấp xỉ 7.000 tỷ đồng; trong đó các ngành sản xuất tốn thêm gần 2.700 tỷ đồng từ giá điện tăng năm 2009.

Theo tính toán của các chuyên gia, giá điện tăng dù theo phương án tối thiểu, vẫn có thể làm GDP năm 2009 giảm tới 0,07%. Đồng thời, nâng chỉ số giá tiêu dùng thêm xấp xỉ 0,3%. 

MỚI - NÓNG