Cần nhanh chóng thành lập cơ quan quản lý di dân

Cần nhanh chóng thành lập cơ quan quản lý di dân
TP - Thứ trưởng NN&PTNT Hồ Xuân Hùng đã bác bỏ quan điểm:  "Quá trình đô thị hóa kéo theo dòng người từ nông thôn đổ xô lên các đô thị kiếm sống. Bấy lâu, chúng ta vẫn xem đó là một gánh nặng, là hình ảnh nhếch nhác của bộ mặt đô thị...”.

Rất nhiều nhà khoa học đã nhất trí với ý kiến của Thứ trường Hồ Xuân Hùng trong Hội thảo “Nông dân Việt Nam trong quá trình hội  nhập” tổ chức sáng qua (18/12).

Năm năm qua, cả nước đã có gần 280.000 người di cư từ nông thôn đến các đô thị, chủ yếu để tìm việc làm. Thế nhưng, hiện vẫn còn ít nhất 7 triệu lao động ở nông thôn không có đất canh tác, đang rất cần công ăn việc làm.

Đó là chưa kể đến 85 vạn người hằng năm gia nhập lực lượng lao động nông nghiệp. Trong khi đó, mỗi năm, toàn quốc có cả chục nghìn héc-ta đất nông nghiệp bị chuyển mục đích sử dụng.

“Và như thế, số lượng người nông dân thiếu việc làm, thu nhập thấp vẫn ngày càng tăng, nếu như không có một chính sách tổng thể. Vì thế, chúng ta cần có cái nhìn khác về hiện tượng nhà quê ra phố, không nên và không thể xem đó là gánh nặng cho cư dân đô thị” - PGS.TS Đặng Nguyên Anh (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) đặt vấn đề.

Ngay sau ý kiến này, nhiều nhà khoa học đã tập trung hướng cái nhìn về vai trò của hiện tượng di dân từ quê ra phố. TS Nguyễn Quang A cho rằng, người nông dân “nhạy cảm” hơn cả trăm lần nhà khoa học, ít nhất là trong việc lựa chọn cách kiếm sống.

TS Nguyễn Quang A nói: “Chân lý đơn giản với họ là ở đâu có lợi thì họ làm, ở đâu có thể kiếm miếng cơm manh áo thì họ đến, bất chấp gian khổ, nặng nhọc. Cũng chính vì thế, có nhiều cái bẫy chực chờ họ. Về phía quản lý, Nhà nước có thể khuyên họ, hướng dẫn họ làm thế này thế nọ. Dù vậy, họ là những người có quyền quyết định”.

Cũng theo TS Nguyễn Quang A, cách nhìn về người nông dân, về hiện tượng di cư ra các đô thị nên có sự thay đổi căn bản; họ không phải là mối đe dọa cho một xã hội đô thị.

Bởi, chính lực lượng này đã làm được rất nhiều việc mà người thành phố không làm hoặc không làm nổi, như những công việc lao động phổ thông (dọn dẹp nhà cửa, bốc vác, sửa nhà…).

Ở góc độ khác, để tránh những cái bẫy cho người nông dân và sử dụng hiệu quả (cũng là tạo điều kiện cho họ trong công ăn việc làm) sức lao động của họ, TS Vũ Trọng Bình (Trung tâm Phát triển nông thôn, Viện Chính sách chiến lược PTNNNT) nhấn mạnh:

Khi phân biệt người có hộ khẩu và không có hộ khẩu thì đồng thời chúng ta đã khơi rộng thêm căn nguyên của sự bất bình đẳng xã hội.

Và thử hỏi đời sống của người dân sẽ ra sao khi đến mỗi địa phương lại phải chịu đựng sự phân loại, chọn lựa, bình xét và ưu tiên dựa trên tiêu chí hộ khẩu, vốn đi ngược lại với quyền và nghĩa vụ của công dân được quy định trong Hiến pháp và pháp luật? 

PGS.TS Đặng Nguyên Anh - Viện Khoa học Xã hội Việt Nam

“Ngoài việc đào tạo, hỗ trợ người nông dân tìm việc làm, Nhà nước cần cấp chứng chỉ cho những hộ nông dân đã có mức độ chuyên môn hóa cao về nghề nghiệp; đặc biệt, cần cấp thẻ lao động và quản lý việc di chuyển của họ bằng tấm thẻ này…”.

Thứ trưởng NN&PTNT Hồ Xuân Hùng ghi nhận những ý kiến của các nhà khoa học tại hội thảo. Theo Thứ trưởng Hùng, đây là sự gợi mở rất quan trọng trong việc hoạch định chính sách cho người nông dân trong thời kỳ hội nhập.

Bởi quá trình đô thị hóa càng cao thì ngày càng có nhiều người nông dân không có đất canh tác, không có việc làm ngay tại địa phương và việc họ di cư (chủ yếu là đến các đô thị) là không thể tránh khỏi.

“Sai lầm lớn của chúng ta là bấy lâu xem hiện tượng người nông dân di cư ra thành phố là gánh nặng cho cư dân đô thị. Thực tế, họ là một phần tất yếu của đô thị nước ta” - Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, ý tưởng thành lập một cơ quan chuyên trách quản lý việc di cư cần nhanh chóng thành hiện thực. Có như thế mới góp phần giải quyết một trong những vấn đề lớn nhất, cấp bách nhất, quan trọng nhất hiện nay là “giúp người nông dân ra biển lớn”.

MỚI - NÓNG