Cạn nước mắt sau siêu bão

Cạn nước mắt sau siêu bão
TP - Khóc cạn nước mắt, kiệt sức, bất lực, buông xuôi... là tâm trạng của người dân nhiều vùng quê từ miền rừng đến miền biển của Quảng Bình sau cơn cuồng phong của siêu bão số 10.

> Thanh Hóa: Nhiều nơi vẫn ngập trong nước

Trắng tay “vàng trắng”

Một ngày sau cơn bão, chúng tôi gặp ông Phạm Tiến Cảm, Giám đốc Công ty Cao su Việt Trung thất thểu bước giữa bạt ngàn rừng cao su gãy đổ như sau trận bom B52 rải thảm. Ông chào khách mà như độc thoại với chính mình: “Trắng tay, trắng tay rồi không còn gì nữa!”.

Công ty Cao su Việt Trung là con chim đầu đàn của cây cao su trên đất Bố Trạch, Quảng Bình với bề dày 54 năm, là điển hình làm hiệu quả của tỉnh Quảng Bình.

Ông Đoan thề là không đắm đuối với cây cao su nữa vì nó làm gia đình ông kiệt quệ, đau yếu. Ảnh: H.N
Ông Đoan thề là không đắm đuối với cây cao su nữa vì nó làm gia đình ông kiệt quệ, đau yếu. Ảnh: H.N.

Thiệt hại tại Quảng Bình lên tới 5.600 tỷ đồng

Đã 3 ngày sau cơn bão số 10, chỉ một số phường ở trung tâm TP Đồng Hới được đóng điện trở lại. Trên toàn tỉnh Quảng Bình hàng ngàn hộ vẫn cảnh màn trời chiếu đất. Tổng thiệt hại tạm tính đến 17 giờ ngày 2/10 tại Quảng Bình đã lên đến 5.600 tỷ đồng.

Giữa ngổn ngang, hoang tàn, ông Cảm kể: Nghe tin bão vào mà ông không ăn không ngủ. Bởi ông hiểu quá rõ sự “khắc kị” của cây cao su đối với gió bão. Mặc dù đã triển khai kế hoạch phòng chống đến hơn 1.600 công nhân của công ty, nhưng tất cả đều bất lực trước sự tàn phá của thiên nhiên. Nhìn qua tấm kính mờ từ cửa sổ của công ty, ông như xé từng khúc ruột khi từng cây cao su bị gió bão quật ngã. Sau 5 giờ đồng hồ quăng quật với bão, hơn 3.000 ha cao su của Công ty Cao su Việt Trung bị gãy đổ trên 80%.

Ông Cảm cho biết, ông về Công ty này từ năm 1979, đây là lần thứ hai ông chứng kiến sự tàn phá gây thiệt hại nặng nề của gió bão đối với cây cao su. Cách đây đúng 30 năm, ngày 26/10/1983 một cơn bão mạnh càn qua khiến những cánh rừng cao su hơn 800ha của nông trường ngày đó tan hoang. “Đúng là lịch sử lặp lại. Nhưng cơn bão lần này kèm theo mưa to, thời gian kéo dài đến 5 giờ đồng hồ nên thiệt hại nặng hơn nhiều. Tôi mới họp toàn thể công ty xong. Trước mắt, công ty tập trung dọn dẹp rừng, cây nào còn sót lại thì tranh thủ cạo mủ để kiếm lương cho công nhân sống qua ngày đã”- ông Cảm nói.

Theo ông Cảm thiệt hại của công ty ông sau cơn bão số 10 lên đến hơn 300 tỷ đồng, nhưng chưa có ai về kiểm tra, thăm hỏi. Chúng tôi là những người có mặt đầu tiên sau bão để chia sẻ những mất mát với công ty.

Liền kề với rừng cao su của Công ty Cao su Việt Trung, kéo dài hơn chục cây số dọc đường Hồ Chí Minh ra hướng Bắc là bạt ngàn cao su tiểu điền của các xã Nam Trạch, Tây Trạch, Phú Định của huyện Bố Trạch cũng tan hoang không kém. Chủ tịch xã Phú Định Nguyễn Văn Hội ngao ngán: “Hơn 800ha cao su của người dân trong xã giờ trơ gốc cả rồi chú ơi. Tui mới đi một vòng mà không thể tưởng tượng nổi. Gặp dân ai cũng khóc, não ruột lắm nhưng giờ không biết làm sao”.

Các xã như Nam Trạch, Tây Trạch, Phú Định bắt đầu phát triển cây cao su tiểu điền từ năm 1983. Vào thời điểm giá cao su lên đỉnh điểm, cứ mỗi ha cao su, mỗi ngày thu 1 triệu đồng, các xã này được mệnh danh là “xã triệu phú”.

“Mỗi ha cao su từ khai hoang trồng mới, đến khi thu hoạch phải mất đứt gần trăm triệu đồng. Hầu hết những hộ đầu tư trồng cao su trong xã giờ vẫn còn nợ ngân hàng. Hộ nào trả hết nợ trồng cao su, vì tự tin có một khoản thu nhập ổn định nên lại vay ngân hàng làm nhà, mua sắm đồ dùng đắt tiền. Giờ thì trắng tay, muốn tái điền (kiến thiết lại rừng cao su) lại phải vay ngân hàng, nhưng sổ đỏ thì nằm ngân hàng cả rồi” - ông Hội nói.

Ông Nguyễn Chí Tình một hộ trồng cao su ở xã Phú Định kể: “Gia đình tui trồng được 5ha cao su và bắt đầu khai thác được 3 năm nay. Không ngờ bão quá mạnh, vườn cao su của gia đình tui giờ trơ gốc hết. Vợ tui khóc ngất từ sau bão tới giờ”.

Cách đó không xa, gương mặt của những người trồng cao su của xã Tây Trạch cũng thất thần không kém. Nhìn vườn cao su 8ha tan hoang sau bão, ông Đoan lớn tiếng: “Tui thề là bỏ, bỏ không trồng cao su nữa. Theo hắn chỉ có chết sớm thôi chú ạ”.

Kiệt sức làng biển

Tàu bị đánh bật lên bờ vỡ toác nằm ngổn ngang tại xã Cảnh Dương, Quảng Trạch, Quảng Bình. Ảnh: H.N
Tàu bị đánh bật lên bờ vỡ toác nằm ngổn ngang tại xã Cảnh Dương, Quảng Trạch, Quảng Bình. Ảnh: H.N.
 

Đã hai ngày cơn bão đi qua nhưng anh Đồng Thanh Hòa (45 tuổi) ở xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch vẫn bàng hoàng khi nhớ lại khoảnh khắc hàng chục chiếc tàu cá đậu trên sông Ròn bị bão đánh chìm hoặc bật lên nằm chênh vênh trên bờ.

“Không ai có thể tưởng tượng được bão lại to đến thế. Cũng như những tàu cá khác, tui và thằng cháu trực trên tàu khi bão vào. Gió bắt đầu mạnh lúc 2 giờ chiều, tui với thằng cháu thả đến 6 neo, nổ máy vù ga ngược hướng gió để trụ với bão. Đến khoảng 4 giờ chiều gió giật mạnh liên hồi, nhiều tàu bị đánh vỡ chìm xuống sông. Lúc này tui sợ lắm những vì cả gia sản nằm đây nên vẫn liều trụ lại.

Một hụt gió đi qua, nghe bựt, bựt tất cả 6 dây neo đứt phăng, tàu như một con ngựa bất kham chồm lên va đập vào các tàu bên cạnh. Rồi hàng chục chiếc tàu bị sóng cao 3-4m xô thẳng lên bờ. Hoảng quá, tui với thằng cháu chồm xuống nước bơi vào bờ” - anh Đồng kể lại.

Giờ con tàu 250CV của anh phơi xác trên bờ, phần đuôi và mũi tàu vỡ toác. Nằm phía trong còn có con tàu 400CV của anh Cao Vũ Tú vừa đóng năm ngoái. “Tui vay ngân hàng 500 triệu mua lại con tàu này 900 triệu đồng. Đi được hai năm thì cả hai năm mất mùa, nên mới chỉ trả được một phần số tiền vay mượn anh em, còn tiền của ngân hàng vẫn nguyên đó. Nếu cẩu được con tàu này ra, có muốn khôi phục lại cũng phải mất 500 triệu nữa. Chỉ còn nước đi ăn xin thôi chứ gia đình giờ kiệt sức rồi chú ơi!” - anh Đồng than thở.

Cạnh đó, là con tàu 250CV của anh Nguyễn Ngọc Phú (40 tuổi) bị sóng đánh chìm vừa được anh thuê tàu trục vớt lên. Anh Phú nói, tiếc của thì làm vậy thôi chứ ngư lưới cụ thì trôi mất, máy móc, vỏ tàu hư hỏng hết không thể khôi phục, có bán cũng không bù lại tiền thuê người trục vớt.

Trên cầu Ròn, hàng trăm phụ nữ và trẻ em cứ vịn tay vào thành cầu dõi theo những người chồng, người cha đang dầm mình dưới nước mò mẫm tìm những con tàu đắm, với hi vọng vớt vát được chút gì đó. Chị Lê Thị Vân, kể: Nhà có hai chiếc tàu thì một chiếc bị chìm, một chiếc mắc cạn, giờ chồng và người thân trong gia đình đang tìm cách trục vớt con tàu đắm và kéo con tàu mắc cạn ra.

Nhà chị nằm sát mé sông, thủy triều dâng cao trong bão, nước tràn vào nhà lút ngang cổ. Chồng thì theo hai con tàu, chị ở nhà một mình với con nhỏ, bao nhiêu của nả, vật dụng trong nhà bị sóng lôi đi hết. Giờ gia đình chị không còn gì, gạo cũng đi vay từng lon để sống qua ngày. “Nhà nước mà không hỗ trợ thì chỉ có nước chết đến nơi thôi anh ạ” - chị Vân xót xa.

Ông Trần Trung Thành, Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương cho biết: Xã có hơn 400 tàu cá xa bờ, là một điển hình của huyện về đánh bắt hải sản. Tuy nhiên, cơn bão số 10 đã đánh đắm và xô lên bờ 39 chiếc, với hơn 100 chiếc bị va đập hư hỏng nặng, thiệt hại hơn 40 tỷ đồng.

Dưới thuyền là vậy, trên bờ cũng thiệt hại không kém. Cơn bão đã làm thủy triều dâng hơn 3,5m, làm ngập 3 thôn gần sát biển. Sóng dập làm nhà cửa hư hại, vật dụng trôi theo nước. Ông Thành nói, dân ở đây giờ kiệt quệ, bất lực nên rất mong Nhà nước hỗ trợ, nếu không nhiều gia đình sẽ rơi vào cảnh khánh kiệt.

Quyên góp giúp đỡ đồng bào miền Trung

Cơn bão số 10 gây thiệt hại nặng nề cho nhân dân các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa. Hàng nghìn gia đình lâm vào cảnh tay trắng, thiếu thốn các nhu yếu phẩm tối thiểu.

Báo Tiền Phong phát động chương trình chung tay đóng góp hỗ trợ đồng bào miền Trung trong cơn hoạn nạn.

Các đơn vị, cá nhân có thể đóng góp: Tiền mặt; lương thực, thực phẩm, sữa, nước uống; đồ dùng sinh hoạt, học tập, nước tẩy trùng, bột giặt...

Thể thức thực hiện:

Báo Tiền Phong sẽ kết nối với các tỉnh bị thiên tai, xác định địa phương và đối tượng bị nạn cần cứu trợ để đại diện của đơn vị ủng hộ đến tận nơi trao quà tận tay từng người. Với những trường hợp không thể tham gia trao quà tận nơi, báo Tiền Phong sẽ thay mặt trao quà.

Mọi đóng góp có thể chuyển trực tiếp đến địa phương nơi tổ chức việc trao quà theo kết nối của Tiền Phong hoặc gửi về:

Báo Tiền Phong, 15 Hồ Xuân Hương, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Điện thoại: 04.3.9434341. Hoặc qua tài khoản: Báo Tiền Phong, Số TK: 12310.00.00.6217.5

Ngân hàng Đầu Tư và phát triển (BIDV) chi nhánh Quang Trung, Hà Nội.

Trân trọng cảm ơn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG