Cần quy định công trình thuỷ lợi trong hệ thống phòng thủ

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ
TPO - “Cần quy định công trình thủy lợi nằm trong hệ thống phòng thủ của các cấp, nếu công trình không gắn với quốc phòng thì rất gay cả trong thời bình và thời chiến”, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Thủy lợi sáng nay (12/9).

Trưởng Ban công tác đại biểu Trần Văn Túy cho rằng, vấn đề bức xúc nhất hiện nay là việc quản lý công trình thủy lợi. Việc phân cấp quản lý về vấn đề này giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chưa rõ. Trong tương lai gần Việt Nam sẽ rơi vào tình cảnh thiếu nước ngọt nhưng "chưa có bộ nào đặt ra vấn đề quản lý nguồn nước tái tạo ra sao".

“Các bộ phải có sự kết hợp khai thác công trình thủy lợi chứ không phải chỉ có Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn”, ông Túy nói.

Cùng đề cập đến vấn đề trách nhiệm, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đặt vấn đề tư nhân bán nước cho người dân thì người dân sẽ phải trả tiền như thế nào, trách nhiệm bên cung cấp dịch vụ ra sao. “Cần quy định rõ trách nhiệm khi xảy ra hạn hán, lũ lụt để tránh đổ tại trời hết”, ông Phúc nêu.

Đề cập đến mối liên quan giữa thủy lợi và thủy điện, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho hay, việc xả lũ gây ảnh hưởng lớn đến người dân: "Dự thảo luật Thuỷ lợi có giải quyết được những bất cập liên quan đến thủy lợi, thủy điện, đặc biệt là mức độ ảnh hưởng của thủy điện đến đời sống của bà con không?"

Nhấn mạnh công trình thủy lợi đặc biệt quan trọng đến an ninh quốc phòng, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, việc mất an toàn các công trình thủy điện sẽ là một thảm họa. Ông ví dụ, thủy điện Hòa Bình vỡ, không biết hậu quả sẽ đến đâu và đề nghị phải quy định rõ trách nhiệm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, và chính quyền địa phương, tránh đùn đẩy trách nhiệm khi xảy ra sự cố. Sự cố từ thủy điện sông Tranh là một bài học, làm rõ trách nhiệm đã khó, quy trách nhiệm còn khó hơn.

“Cần quy định công trình thủy lợi nằm trong hệ thống phòng thủ của các cấp, nếu công trình không gắn với quốc phòng thì rất gay cả trong thời bình và thời chiến”, ông Tỵ đề nghị quy định rõ điều này trong luật. Một số ý kiến lưu ý đến vấn đề hợp tác quan hệ quốc tế về nguồn nước sông Mê Kông và sông Hồng giữa Việt Nam và các nước, trong đó có Trung Quốc.

Giải trình về những băn khoăn của đại biểu, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết, bộ đã có quy định rõ về việc xả lũ, xả nước hồ thủy điện, đặc biệt các công trình thủy điện lớn, có sự phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT để đảm bảo cả hai lợi ích. Theo ông Tú, việc điều phối giữa nguồn nước thủy điện và thủy lợi, Luật Tài nguyên nước đã quy định rõ điều này.

MỚI - NÓNG