Cần rõ trách nhiệm cá nhân

Cần rõ trách nhiệm cá nhân
TP - Sáng 4/11, thảo luận về dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi), các đại biểu cho rằng, cần làm rõ trách nhiệm cá nhân người đứng đầu khi ra quyết định gây lãng phí bởi lãng phí nguy hiểm không kém tham nhũng nhưng chúng ta dường như để hổng mặt trận này.

> Bớt lễ lạt để lo cho dân
> Thất thu lớn vẫn rình rang, lãng phí!

Để hổng mặt trận

“Có thể nói chúng ta đang dốc sức vào cuộc chiến chống tham nhũng mà đang để hổng mặt trận chống lãng phí. Nhưng chưa chắc mặt trận này đã thua mặt trận kia về mức độ nguy hiểm” - ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (TP Đà Nẵng) nhận xét.

Theo đại biểu này, nếu so sánh một người tham nhũng 1 tỷ đồng với một người ra quyết định làm lãng phí năm bảy chục tỷ đồng thì sẽ thấy ai là người gây thiệt hại nhiều hơn? Vì vậy, sửa luật lần này phải tìm lỗ hổng của cơ chế để bịt lại. Trường hợp chưa thể bít được thì chí ít cũng làm cho nó nhỏ đi.

 “Ví như xây cảng biển sẽ không hiệu quả, các chuyên gia cũng đã cảnh báo trước nhưng vẫn quyết định đầu tư. Vậy có phải là không biết trước được những bất cập đó không? Có phải là không đủ chuyên gia để đánh giá cái được, cái mất của mỗi quyết định trước khi ban hành không? Quả thật đây là một sự lãng phí vô cùng”. 

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy

Tuy nhiên, ĐB Thúy cho rằng, dù dự thảo trình Quốc hội (QH) thông qua nhưng việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chỉ mới chạm tới phần ngọn mà bỏ qua cái gốc. Đó là do ban hành chính sách không phù hợp, quyết định thiếu chính xác dẫn đến lãng phí hàng nghìn tỷ đồng mà người ra quyết định cùng lắm chỉ bị khiển trách. Một quyết định sử dụng ngân sách nhà nước sai ngay từ lúc ban hành nên lãng phí đã hình thành ngay từ khi ra quyết định.

Thực tế có nhiều công trình, dự án như: Nhà máy mía đường, xi măng lò đứng, sân bay, cảng... hằng ngày xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng là thiếu vốn, công trình không được sử dụng, sản xuất bị lỗ, hoạt động cầm chừng theo kiểu “bỏ thì thương, vương thì tội”. Nguyên nhân là các quyết định đầu tư sai.

“Dù hậu quả thấy rất rõ nhưng cuối cùng không ai phải chịu trách nhiệm và cũng chưa thấy một văn bản nào chỉ ra cụ thể trách nhiệm của người ra quyết định đó là gì”- ĐB Thúy nói.

ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) cũng cho rằng, tình trạng đầu tư dàn trải, hiệu quả thấp, nhiều công trình xây dựng dở dang không thể đưa vào sử dụng, nhiều dự án bất động sản phơi nắng, phơi mưa đang diễn ra ở nhiều địa phương, trong đó có cả dự án bất động sản dành cho cán bộ cao cấp. Ngoài ra, dự thảo luật cũng chưa quy định cụ thể trách nhiệm của các bộ, ngành khi để xảy ra tình trạng lãng phí.

Làm rõ trách nhiệm cá nhân

“Vẫn biết rằng nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách là bất di bất dịch nhưng đồng hành với nguyên tắc này phải là những quy định chặt chẽ về trách nhiệm đối với người phụ trách, người đứng đầu của từng mắt xích công việc và đòi hỏi những người này khi quyết định đầu tư, sử dụng ngân sách nhà nước phải thực sự công tâm không vì lợi ích nhóm hoặc tư lợi cá nhân”- ĐB Ngô Thị Minh kiến nghị.

Theo ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy, ở nhiều nước họ xác lập trách nhiệm cá nhân của người ra quyết định rất rõ ràng, cho nên mọi quyết định được ban hành không phải dễ dàng.

“Ở ta dường như quyết định do cá nhân nhưng hình thức là tập thể để rồi khi xảy ra chuyện thì tập thể chịu trách nhiệm, tức là không ai phải chịu trách nhiệm cả. Cơ quan này đổ lỗi cho cơ quan kia. Có người cho là lỗ hổng của hệ thống, của cơ chế nhưng suy cho cùng hệ thống cơ chế đó cũng do con người đặt ra. Trong không ít trường hợp quy về một nguyên nhân muôn thuở là do năng lực cán bộ hạn chế. Giả sử điều này là đúng thì lỗi hệ thống đó nằm ở công tác và quy trình đề bạt cán bộ”- bà Thúy bày tỏ.

Đồng tình với ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy, ĐB Minh cho rằng, dự thảo luật cần bổ sung quy định: Người đứng đầu ra quyết định đầu tư thiếu căn cứ khoa học, không đảm bảo theo quy hoạch đã được phê duyệt hoặc đầu tư thiếu đồng bộ gây thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thất thoát lãng phí do quyết định của mình gây ra.

ĐB Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) cho rằng, hiện nay chúng ta sử dụng quá nhiều xe công. “Tôi không biết trên thế giới có nước nào nhiều xe công như chúng ta không, ngoài kinh phí mua xe, hằng năm còn phải chi một khoản không nhỏ theo xe như mua bảo hiểm, bảo dưỡng, sửa chữa, xăng xe, biên chế và chi phí cho lái xe”.

Bà Huệ đề nghị quy định thành 2 phương thức: Một là chức danh có chế độ được sử dụng xe công như hiện nay. Hai là chức danh có chế độ sử dụng xe công nhưng bắt buộc phải nhận khoán kinh phí. “Tránh trường hợp như hiện nay, chúng ta có quy định nhưng người này nhìn người kia và cuối cùng là không ai thực hiện”- bà Huệ nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG