Cần sớm chấm dứt xuất khẩu than

Cần sớm chấm dứt xuất khẩu than
TP - Theo tính toán, tiền thu được do xuất khẩu một tấn than vừa qua của Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV), trong tương lai, chỉ có thể nhập được khoảng 200 kg than. Việc TKV xuất khẩu than hại nhiều hơn lợi.

>> Kỳ 1 - Được ít, mất nhiều

Cần sớm chấm dứt xuất khẩu than ảnh 1
Một lò than trái phép ở Quảng Ninh vừa bị triệt phá. Ảnh: Thành Duy

Về chủ trương, Chính phủ chỉ cho phép xuất khẩu những chủng loại than trong nước không có nhu cầu. Nhu cầu than trong nước chủ yếu là than có chất lượng thuộc loại trung bình (cám 4, 5, 6).

Thực tế, ngành than đã tạo ra quá nhiều loại than trong nước chưa có nhu cầu để xuất khẩu, như việc đầu tư vào khâu tuyển than để có than chất lượng cao, và tích cực khai thác các than lộ vỉa có chất lượng thấp.

Trong đó, việc sản xuất ra than có chất lượng cao vừa tốn kém, vừa dẫn tới lãng phí tài nguyên; còn việc khai thác than lộ vỉa chất lượng thấp vừa vi phạm kỹ thuật cơ bản, vừa tạo ra tiền đề cho việc khai thác than trái phép.

Để có than xuất khẩu chất lượng cao, ngoài khâu tuyển than, phải đầu tư thêm cho khâu nạo vét cảng, chuyển tải than (làm tăng giá thành thêm 150-200 nghìn đồng/tấn) và chấp nhận tỷ lệ tổn thất than cao hơn (khoảng 20-25 phần trăm) so với để có than cấp cho nhiệt điện trong nước.

Để có than xuất khẩu chất lượng thấp, nhiều mỏ hầm lò phải khai thác lộ thiên cả các phần của vỉa than nằm gần (hay lộ ra) trên mặt đất.

Việc vi phạm kỹ thuật cơ bản này đã, đang và sẽ làm tăng thêm nguy cơ dẫn tới tình trạng bục nước, đổ lò trong khai thác than, là một trong những yếu tố gây nên những tai nạn chết người hàng loạt như vừa qua và góp phần làm cho môi trường vùng than bị xấu đi như hiện nay.

Nếu tính đúng, tính đủ các chi phí tăng thêm có liên quan đến tai nạn chết người và để bảo vệ môi trường, và nếu hạch toán theo nhiệt năng, thì việc xuất khẩu than không có hiệu quả.

Trong thời gian tới, nhu cầu than cho điện của VN tăng nhanh. Nhiều dự án nhiệt điện được triển khai nhưng chưa cân đối được nguồn cung cấp than. Việc VN sớm phải nhập khẩu than là hiện thực.

Tuy nhiên, câu hỏi có thể nhập khẩu được than hay không vẫn còn bỏ ngỏ. Theo đánh giá của các chuyên gia, sau năm 2013, giá dầu mỏ sẽ bắt đầu chu kỳ tăng mới, than trên thế giới đang ngày càng lên giá. Giá trị bằng tiền thu được do xuất khẩu một tấn than vừa qua của TKV chỉ có thể nhập khẩu được khoảng 200 kg than trong tương lai.

Nhập khẩu than: Không đơn giản

Gần đây, các tập đoàn được phân công tham gia làm điện (TKV, EVN, PVN) đều đã và đang tích cực cử nhiều đoàn công tác ra nước ngoài tìm nguồn than nhập khẩu cho các dự án điện. Việc tìm kiếm nguồn than nước ngoài để nhập khẩu về VN chưa có kết quả, và ngày càng khó khăn.

TKV đang tích cực vận động theo hướng tham gia đầu tư thăm dò khai thác than ở Lào để tạo nguồn cung cho Việt Nam. Nhưng định hướng chiến lược này rất thiếu thực tế và không khả thi.

Cùng với việc phải nhập khẩu than, nền kinh tế của VN chuyển từ xuất khẩu năng lượng sang phải nhập khẩu năng lượng. Sự chuyển đổi này không đơn giản.

Các hộ tiêu dùng than của VN vốn có truyền thống sử dụng than rất kém hiệu quả (các nhà máy nhiệt điện chạy than, xi măng, phân bón, hóa chất, giấy, vật liệu xây dựng, v.v. nhìn chung có mức tiêu hao than trên một đơn vị sản phẩm còn cao) đã quen dùng than giá rẻ trong nước, rất khó có thể chấp nhận giá than năng lượng (loại 6.000-7.000kcal/kg) nhập khẩu từ nước ngoài gần nhất về để dùng với giá gấp ba lần giá hiện nay.

Theo tính toán của các chuyên gia thuộc công ty Credit Suisse, nếu giá dầu ở mức 50 USD/thùng, thì giá than năng lượng trên thị trường thế giới sẽ ở mức 80 USD/tấn.

Các hộ dùng than này có thể đủ tiền nhập than, tiếp tục sản xuất để đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động. Nhưng, sản phẩm phụ thuộc vào giá than cao liệu có được thị trường chấp nhận, có nâng cao được tính cạnh tranh vốn đang rất thấp hiện nay?

Để chuyển sang sử dụng than nhập khẩu, đòi hỏi các ngành kinh tế của Việt Nam phải có sự cải tổ cơ bản về công nghệ, kỹ thuật, quản lý, tổ chức (gần như phải thay máu) và phải nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Để nhập khẩu được than, ngoài sự cố gắng của các doanh nghiệp, Nhà nước sẽ phải hỗ trợ rất đáng kể trong việc đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng (cảng biển), chấp nhận tăng vốn, tăng chi phí sản xuất (giảm các khoản nộp ngân sách).

Ví dụ, để nhập được 10 triệu tấn/năm cấp cho các dự án điện với giá 100 USD/tấn, Nhà nước phải đưa vào cân đối thêm nguồn thu ngoại tệ ít nhất một tỷ USD/năm (vì các dự án điện không có nguồn thu ngoại tệ); chấp nhận tăng vốn lưu động ít nhất 300 triệu USD/năm (vì phải đảm bảo cấp than liên tục); phải đầu tư không ít hơn 200 triệu USD cho khâu tiếp nhận (các kho, bãi chứa và cảng bốc than lên).

Ngoài ra, còn phải giải những bài toán khác như: mua/đóng mới hay thuê tầu chở than, cảng nông (sông) hay cảng sâu (biển), khả năng kết hợp hàng hai chiều để giảm cước phí vận tải, mở các chi nhánh văn phòng đại diện ở nước ngoài để nhập khẩu than v.v.

Vấn đề đơn giản là xuất-nhập khẩu than như trên cho thấy, để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, trước hết cần khách quan nhìn nhận và xử lý những mâu thuẫn mang tính chiến lược, những vướng mắc trong công tác quản lý điều hành, và những bất cập trong tổ chức thực hiện của ngành than.

Cuối cùng, tuy muộn còn hơn không, với những kiến giải hạn hẹp như trên, chúng tôi xin kiến nghị với các cơ quan quản lý cân nhắc để hạn chế và tiến tới sớm chấm dứt việc xuất khẩu than như hiện nay.

Xin nêu lại ý kiến chỉ đạo gần đây (tại lễ kỷ niệm năm năm thành lập Ban Chỉ đạo Tây Bắc) của đồng chí Trương Tấn Sang - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, khi đề cập về tài nguyên khoáng sản, đại ý, không nên bán thô, nếu bán thô, có tạo ra bao nhiêu GDP đi nữa, không biết mấy triệu năm mới tái tạo được mỏ, con cháu sau này sẽ trách móc, chê bai chúng ta.

(Còn nữa)

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG