Cần sớm có Luật Hiến máu

Cần sớm có Luật Hiến máu
TP - Luật Hiến máu ra đời sẽ là công cụ giúp nguồn máu hiến dồi dào hơn, thay vì mãi ở trong tình trạng lâu nay lượng máu từ các nguồn mới chỉ đáp ứng chưa đến một nửa nhu cầu truyền máu, theo các chuyên gia y tế.

> Tôn vinh người hiến máu nhân đạo

GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học & Truyền máu T.Ư, thành viên Ban chỉ đạo hiến máu nhân đạo quốc gia, cho biết hành lang pháp lý cho công tác tổ chức vận động hiến máu tình nguyện còn thiếu và chưa đầy đủ; hiệu quả hoạt động của các ban chỉ đạo còn hạn chế cả về cơ sở vật chất, năng lực cán bộ và kết quả hoạt động.

Đặc biệt, công tác phối hợp giữa các cơ sở tiếp nhận máu với Ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện ở một số địa phương chưa chặt chẽ thống nhất, đặc biệt là khâu tổ chức điểm hiến máu, nhu cầu về máu và quản lý hồ sơ người hiến máu.

Một số địa phương chưa thực hiện nghiêm túc các quy định trong tổ chức hiến máu như: chưa tiến hành xét nghiệm bắt buộc trước khi hiến máu về huyết sắc tố, viêm gan virus B, còn trả tiền cho người hiến máu thay quà tặng...

Theo ông Trí, Bộ Y tế đã trình Quốc hội chương trình xây dựng luật, tiến tới xây dựng Luật Hiến máu trong những năm tới.

Luật Hiến máu ra đời sẽ đặt ra chỉ tiêu đối với các đơn vị trong việc mỗi năm phải tổ chức hiến máu tình nguyện. Khi đó, dù là hiến máu tình nguyện, vẫn phải có chỉ tiêu, tức tình nguyện có định hướng thì mới thu đủ máu.

Tại Trung Quốc, khi chưa có Luật Hiến máu, 90% nguồn máu thu được từ người bán máu chuyên nghiệp. Sau khi luật được thực thi, 98% lượng máu thu được là từ người tình nguyện hiến máu.

Bác sĩ Ngô Mạnh Quân, Trưởng khoa Vận động và Tổ chức Hiến máu Tình nguyện (Viện Huyết học và Truyền máu), cho biết các cơ quan chức năng đã xây dựng xong chiến lược về hiến máu đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Phấn đấu đến năm 2020 ít nhất có 2% dân số Việt Nam cho máu tự nguyện, đảm bảo đủ lượng máu cho khám chữa bệnh.

TS.Nguyễn Anh Trí cho rằng, cần sớm có Luật Hiến máu để mọi người hiểu mình có trách nhiệm tham gia hiến máu, để mở rộng đối tượng, địa bàn tham gia hiến máu.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khi kêu gọi Việt Nam (VN) xây dựng Luật Hiến máu cũng nhận định Luật sẽ giúp VN đạt được mục tiêu 100% hiến máu tình nguyện không thù lao và khắc phục tình trạng thường xuyên thiếu hụt nguồn cung cấp máu đang xảy ra.

Theo WHO, lượng máu hằng năm của một quốc gia cần để đảm bảo an toàn truyền máu là 2% dân số hiến máu. Hiện VN mới chỉ có 0,88% dân số hiến máu.

Tổng số máu thu được từ các nguồn trong cả nước năm 2011 là hơn 677.000 đơn vị, trong đó, hơn 2/3 từ những người tình nguyện - GS.TS Nguyễn Anh Trí

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG