Cần tẩy chay các nhà xe trục lợi bất chính

Cước taxi vẫn không giảm dù giá xăng đã giảm nhiều lần. Ảnh: Như Ý
Cước taxi vẫn không giảm dù giá xăng đã giảm nhiều lần. Ảnh: Như Ý
TP - Chiều 8/9, tại buổi tọa đàm “Giá cước vận tải và quyền lợi của người tiêu dùng” do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) tổ chức tại TPHCM, các chuyên gia đã lên án, bóc trần thủ đoạn găm giá cước hòng thu lợi bất chính của nhiều đơn vị vận tải.

Bắt tay làm giá?

Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Vinastas Nguyễn Mạnh Hùng, khi giá xăng dầu tăng, giá cước tăng theo rất nhanh nhưng giá xăng dầu giảm thì giá cước không giảm hoặc giảm rất chậm. Đây là hiện tượng không bình thường.

Ông Hùng dẫn chứng: Theo thông báo của Bộ Công Thương gửi Vinastas ngày 3/9, giá xăng RON 92 giảm 1.198 đồng/lít, xuống còn 17.338 đồng/lít, xăng E5 giảm còn 16.843 đồng/lít… Trong năm nay, kể từ khi lập đỉnh 20.711 đồng/lít vào ngày 19/6, sau 5 lần giá xăng dầu giảm liên tiếp, giá cước vận tải hầu như không nhúc nhích. Nhiều hãng taxi vẫn giữ nguyên giá cước đối với các dòng xe Getz, Gian i10, Kia Morning là 6.000 đồng với km đầu tiên, từ km thứ hai đến km thứ 30 là 11.000 đồng, từ km thứ 31 là 9.000 đồng.

Theo ông Hùng, đại diện các doanh nghiệp biện minh cài lại đồng hồ phức tạp, tốn kém, bổ sung dịch vụ để bù vào, chờ đúng quy trình, thời gian..., để trì hoãn giảm giá cước là thiếu thuyết phục. Tại sao khi giá cước tăng theo giá xăng, việc cài đặt lại đồng hồ lại kịp thời mà không ngại phức tạp, tốn kém?

“Lợi ích cục bộ có phải là nguyên nhân chính khiến tình trạng này lặp đi, lặp lại? Có lúc giá xăng đã giảm đến 16%-20%, thậm chí giá xăng đã giảm gần 39% nhưng cước vận tải không giảm hoặc chỉ giảm nhỏ giọt - ông Hùng nói.

Theo bà Phạm Quế Anh, Giám đốc Tổ chức Tín thác và đoàn kết vì người tiêu dùng, do mất cân bằng cung - cầu, sức mạnh thị trường đang nằm trong tay nhà cung cấp dịch vụ. Một số DN nắm thị phần lớn trong phân khúc thị trường nhỏ đã lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, độc quyền nhóm.

“Có hay không việc các nhà cung cấp dịch vụ đang bắt tay nhau làm giá, nhìn nhau giữ giá? Tại TPHCM, tổng số taxi là 12.000 xe thì Vinasun đã chiếm 45% thị phần, còn Mai Linh là 30%” - bà Anh băn khoăn.     

Cần xử lý mạnh tay

Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Thẩm định giá Việt Nam Nguyễn Tiến Thỏa, so với mức giá trước ngày 4/7 thì dầu diesel đã giảm đến 17,21%. Khi các yếu tố khác như khấu hao, tiền lương, chi phí khác… không tăng thì giá cước vận tải đối với loại xe chạy bằng xăng và chạy dầu đều có thể giảm. Cụ thể: Xe chạy bằng xăng, chi phí nhiên liệu chiếm 25%-35%, giá cước sẽ giảm được 4,1 -5,7% tùy loại xe. Nếu giá cước taxi khoảng 11.000-12.000 đồng/km (tại TP Hà Nội) thì giảm được 448 - 685 đồng/km và nếu giá cước taxi là 14.500 đồng - 15.500 đồng/km (tại TPHCM) thì giảm được từ 591  đến 884 đồng/km. Đối với xe chạy dầu, chi phí nhiên liệu chiếm 35%-45% tổng chi phí, giá cước sẽ giảm được 6%-7,75%.

“Giá cước vận tải hành khách hiện nay khoảng 550 đồng/km. Tuyến đường cự ly 150 km, giá vé 82.500 đồng thì sẽ giảm được 4.975 - 6.397 đồng/vé” - ông Thỏa nói.

Ông Thỏa nói giá cước vận tải vận hành theo cơ chế thị trường nhưng không phải DN muốn làm gì cũng được. Nhà nước không điều tiết giá cước bằng mệnh lệnh hành chính nhưng một khi DN không tuân thủ cơ chế, nguyên tắc cạnh tranh thì nhà nước có quyền can thiệp để bình ổn thị trường theo quy định tại Luật Giá và Nghị định 109 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí…

“Trước mắt, nhà nước có thể xử phạt hành chính các DN không thực hiện yêu cầu kê khai lại giá theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước, kiểm tra yếu tố hình thành giá và tiến hành xử phạt, buộc nộp vào ngân sách số tiền thu lợi nhờ lợi dụng cơ chế giá thị trường để định giá bất hợp lý” - ông Thỏa đề nghị.

Theo bà Phạm Quế Anh, cơ quan quản lý nhà nước có thể sử dụng Luật Cạnh tranh để xử lý các DN có hành vi lạm dụng vị trí thống trị hay thỏa thuận ấn định giá.

Cước nhúc nhắc giảm, Thanh tra Bộ vào cuộc

Liên quan đến vấn đề giảm cước vận tải, đại diện Taxi Mai Linh cho biết, lãnh đạo hãng này quyết định giảm 300 - 500 - 800 đồng/km tùy khu vực và loại xe. Hiện Mai Linh đã thông báo giá mới đến các cơ quan chức năng và sẽ triển khai kiểm định lại đồng hồ; sớm nhất bắt đầu giảm cước từ ngày 10 hoặc 11/9. Taxi Vinasun (hoạt động chủ yếu ở khu vực phía Nam) cũng cho biết sẽ giảm 500 đồng/km từ ngày 9/9. Trong khi đó, ông Lý Trường Sơn - Trưởng phòng Kế hoạch Cty Quản lý bến xe Hà Nội cho hay, hiện có khoảng 25 tuyến xe khách đăng ký giảm cước; mức giảm phổ biến 5-7%.

Bà Phan Thị Thu Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho hay, Bộ GTVT sẽ thành lập 3 đoàn thanh tra (mời Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính tham gia) tại các địa phương. 

Sỹ Lực

MỚI - NÓNG