Cận Tết ồ ạt hàng lậu ở Lạng Sơn - bài 2

Cận Tết ồ ạt hàng lậu ở Lạng Sơn - bài 2
TP - Ở biên giới, dân buôn chở hàng lậu vào sâu nội địa từ hai ngả chính: Đồng Đăng - Song Giáp; Quốc lộ 1A đổ về tập kết vùng ven thành phố xứ Lạng. Vì thế, Lạng Sơn trở thành “thiên đường” mua sắm.

>> Bài I: Vào các “kho” hàng lậu

Cận Tết ồ ạt hàng lậu ở Lạng Sơn - bài 2 ảnh 1
Rau, củ Trung Quốc cũng nhập ồ ạt

Những nẻo đường luồn lách

Song Giáp (thuộc huyện Văn Quan) là tuyến đường độc đạo nối thị trấn Đồng Đăng (huyện Cao Lộc) với thành phố (TP) Lạng Sơn. Con đường men theo dòng sông Kỳ Cùng, bên kia là núi, đồi nên khá vắng vẻ nên dân buôn chọn để “hành nghề”.

Hằng ngày có hàng chục tấn hàng được vận chuyển theo đường này. “Giờ vàng” mà dân buôn lậu thường đi là từ 4 giờ đến 6 giờ sáng, buổi tối từ 20 giờ đến đêm khuya. Một người dân bản địa ghi chép khá tỉ mỉ: Mỗi ngày, có 30-40 tấn hàng qua Song Giáp, chủ yếu là vải và đồ may mặc sẵn. Loại xe chở, chủ yếu là ô tô.

Hàng ngày có gần chục chiếc chở hàng đến khối 9 Mỹ Sơn (Vĩnh Trại, TP Lạng Sơn). Tại đây, hàng lại được bốc lên xe ô tô trọng tải lớn, dán kính đen chở sâu vào nội địa.

Ông Hoàng Văn Tuấn, Đội trưởng Đội kiểm tra liên ngành huyện Cao Lộc cho biết, lượng hàng lậu qua tuyến Song Giáp khá lớn. Mỗi tháng, Đội kiểm tra bắt hàng chục vụ buôn lậu, trị giá không dưới 500 triệu đồng.

Đội trưởng Đội Kiểm soát chống buôn lậu thành phố Lạng Sơn Đinh Văn Hùng nói: “Chúng tôi vừa ra khỏi cổng, ngay lập tức đã bị lộ”.  Ông Hùng cho biết, lực lượng chống buôn lậu đã xây dựng cơ sở và tính toán kỹ để tập kích vào những tụ điểm tập kết hàng lậu lớn. Thành phố Lạng Sơn có gần chục tụ điểm như vậy.

Trên tuyến đường quốc lộ 1A mới từ Đồng Đăng về thành phố Lạng Sơn, hàng lậu chủ yếu được xé lẻ, găm cắm trong xe ô tô; xe máy, xe đạp đi từng tốp trên đường bộ lẫn đường sắt. Bên cạnh đó, lượng hàng Trung Quốc nhập lậu từ hướng Chi Ma theo tuyến đường 4B đến thành phố Lạng Sơn cũng không nhỏ.

Hiện nay, nổi lên các tụ điểm “găm” hàng ở những khu vực giáp ranh giữa thành phố Lạng Sơn với huyện Cao Lộc, Lộc Bình, Văn Quan. Năm 2008, các ngành đã bắt giữ trên 6.000 vụ buôn lậu.

Mua sắm ở xứ Lạng

Lạng Sơn trở thành “điểm đến” của nhiều du khách, bởi ở đây có tới 4 khu chợ bán hàng Trung Quốc. Có một thói quen đã hình thành ở khách khi đến Lạng Sơn mua sắm là: Hầu hết trong số họ lên biên giới Tân Thanh, Đồng Đăng là để thoả tính hiếu kỳ, để xem.

Còn mua hàng thì họ về chợ Đông Kinh, Kỳ Lừa, Chợ Đêm, chợ Lạng Sơn mới khánh thành. Ở đây họ thoải mái lựa chọn, giá cả không “mắc”, không mặc cả. Các chợ này có tới trên 2000 ô, quầy chuyên bán hàng Trung Quốc, mỗi ngày có hàng nghìn du khách cùng hàng trăm ô tô lớn, nhỏ nối đuôi nhau đến mua hàng.

Phóng viên Tiền Phong đã ghi nhận được trên 30 chiếc xe ô tô lèn chật hàng từ các chợ. Trong số này, không ít người mỗi ngày mua vài ba triệu tiền hàng lậu về Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Thái Nguyên tiêu thụ. Các ngành chức năng đã mở các đợt cao điểm để thanh, kiểm tra một số mặt hàng thiết yếu.

Kết quả, đã kiểm tra 3.545 vụ, xử phạt 798 vụ. Còn hàng hóa thiết yếu xuất xứ từ Trung Quốc không có giấy tờ hợp lệ vẫn chưa “chạm” vào được. Hàng nhập lậu được các chủ đầu nậu thu gom, sau khi về đến chợ thì bỗng có... hóa đơn.

Một lãnh đạo đội kiểm soát chống buôn lậu ở Lạng Sơn cho biết, nhiều khi biết chắc là hàng lậu “cải trang” bằng hóa đơn bán hàng thông thường nhưng đành chịu.

MỚI - NÓNG