Cần thanh tra ngay - Bài 2

Cần thanh tra ngay - Bài 2
TP - Theo nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, nếu chấp nhận hiện trạng hàng loạt dự án lỡ giao đất thì đã xóa bỏ mục tiêu, chiến lược mở rộng Hà Nội và lãng phí sẽ rất lớn.

Ông có nghĩ rằng, việc phê duyệt các dự án đô thị như vậy ảnh hưởng tới quy hoạch của Hà Nội mở rộng?

Chắc chắn ảnh hưởng lớn giải pháp đất đai cho phát triển Hà Nội mở rộng. Hà Nội mới có dãy núi kéo từ Ba Vì xuống Chùa Hương song song sông Hồng. Giữa Sơn và Thủy đó là vùng đồi giáp núi và đồng bằng giáp sông. Hà Nội mới phải có bài trí về không gian sử dụng đất khác hẳn Hà Nội, Hà Tây cũ. Đất đã giao rồi phải giao lại thì tốn kém, phức tạp lắm.

Từ năm 2006 đến 2008, Hà Tây phê duyệt cả trăm dự án đô thị và cấp hàng chục ngàn hécta đất, trong khi Hà Nội giai đoạn 1997-2008 chỉ quy hoạch 25.000 hécta và mới dùng nửa số đó?

Như tôi đã nói, con số đó không phù hợp chỉ tiêu Quốc hội duyệt cho cả nước từ năm 2006 đến 2010. Vậy Hà Tây không nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, chỉ trong hơn một năm mà cấp hàng chục ngàn hécta thì khó phù hợp. Hơn nữa, lực lượng đầu tư ở đâu mà triển khai nổi ngần ấy dự án, ngần ấy đất đai. Cần kiểm tra, thanh tra lại tình trạng này để có số liệu chính xác.

Quy mô chuyển đổi như vậy sẽ gây khó khăn cho Hà Nội mới bởi muốn quy hoạch lại cũng không thể chạy trốn hiện trạng. Không thể không đề cập việc các cấp chính quyền ở Hà Tây giao đất cho dự án này, dự án kia trước khi tính toán để quyết định phương án quy hoạch. Hiện trạng không hợp lý thì giá phải trả đắt hơn, khó xử lý hơn, nhất là khi người ta đã nộp tiền sử dụng đất hay đầu tư chút ít rồi.

Trả lại tiền cho chủ đầu tư, lấy lại đất đâu có dễ, lãi ngân hàng ai sẽ trả. Với những dự án đã bày đặt, san nền, xây tường rào rồi xử lý còn khó hơn. Ai định giá phần đã đầu tư và lấy tiền đâu để trả lại. Bề bộn giao đất cho nhiều dự án sẽ gây khó khăn rất lớn cho quy hoạch Hà Nội mới. Đây sẽ là việc trọng điểm của cả nước và Hà Nội.

Theo các chuyên gia, bản quy hoạch của các địa phương trước khi sáp nhập đã bị băm nát bởi các dự án, Hà Nội dường như phải chấp nhận?

Hoàn toàn đúng. Quy hoạch không thể trốn thống kê hiện trạng và tìm giải pháp khắc phục hiện trạng. Hiện trạng mà khớp quy hoạch mới thì tốt. Nếu không sẽ tốn kém cực kỳ lớn. 

Tôi cho rằng, phải thay đổi, còn thay thế nào phải chờ tư vấn. Quy hoạch Hà Nội mới sẽ trả lời thực trạng giao đất ồ ạt gây tốn kém, làm quy hoạch Hà Nội mới phức tạp, thực hiện khó khăn và tốn kém hơn rất nhiều. Quy hoạch là sự sắp xếp không gian sử dụng đất tạo thế mạnh từ địa kinh tế đến địa chính trị. Mọi sự bất hợp lý trên giấy phải loại bỏ. Trong quy hoạch chỉ giữ nguyên yếu tố có giá trị cao hay vô giá về tự nhiên, lịch sử, văn hóa, tâm linh, nhân văn; còn lại, cần nghiên cứu chỉnh đốn cho phù hợp.

Mở rộng địa giới nhằm mang lại vị thế, tầm vóc mới cho Hà Nội nhưng dường như mục tiêu đó không đạt được?

Quy hoạch Hà Nội mới sẽ được vẽ lại phù hợp tương lai Hà Nội, không thể chấp nhận hiện trạng để vẽ thêm chút ít. Nếu chấp nhận loạt dự án lỡ giao đất thì đã xóa bỏ mục tiêu, chiến lược mở rộng Hà Nội. Tôi tin tư vấn quy hoạch luôn khách quan và hướng tới sự hợp lý cho tương lai.

Chờ quy hoạch Hà Nội mới được duyệt, có thể đếm được tổn thất do vội vã bày đặt gây ra. Lúc đó những người quyết định việc này phải chịu trách nhiệm. Câu hỏi này sẽ được trả lời đích đáng khi có quy hoạch Hà Nội mới được duyệt.

Cần thanh tra toàn diện

Theo ông, có nên thanh tra toàn diện về sự đã rồi như vậy?

Việc giao đất ồ ạt trong thời điểm nhạy cảm cần được làm rõ. Đó cũng là trách nhiệm của cơ quan quản lý với nhân dân. Thanh tra cần thực hiện toàn diện từ trình tự xét duyệt các dự án, có áp dụng cơ chế nhà nước thu hồi đất hay không, dự án có phù hợp quy hoạch, cho tới chủ đầu tư có phù hợp hay không, đó là việc thường ngày trong quản lý hay có liên quan gì tới thời điểm mở rộng địa giới Thủ đô, liên quan đó là do đâu…

Người ta nói, cận kề thời điểm Hà Nội mở rộng, diễn ra cuộc chạy đua lobby (vận động hành lang) các dự án. Ông nghĩ sao?

Căn cứ thông tin từ nhân dân, từ báo chí, và quan sát hiện tượng thực tế, thì thấy có sự vội vã. Còn ai lobby, lobby ai thì phải chờ kết luận thanh tra mới rõ.

Trên một nửa số dự án, đồ án ở địa bàn Hà Tây cũ là đầu tư bất động sản. Theo ông, có bao nhiêu doanh nghiệp đủ năng lực triển khai dự án?

Hiện cả nước có khoảng vài chục nghìn doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, những doanh nghiệp có năng lực tài chính, chuyên môn, kinh nghiệm trong lĩnh vực này không nhiều.

Cần thanh tra ngay - Bài 2 ảnh 1Theo kinh nghiệm của tôi, có ba thời điểm dễ dẫn đến tình trạng tháo khoán phân bổ các nguồn lực, nhất là liên quan đến đất đai. Một là chuyển giao giữa luật cũ và luật mới; Hai là chuyển giao lãnh đạo ở các địa phương; Ba là thời điểm trước khi điều chỉnh địa giới hành chínhCần thanh tra ngay - Bài 2 ảnh 2

Ông Đặng Hùng Võ

Thứ nhất, từng ấy đất để đầu tư, xây dựng nhà ở được phê duyệt dựa trên cơ sở quy hoạch nào? Riêng Hà Tây xây nhiều đô thị như vậy thì ai đến ở và bán cho ai? Đất ở phải được quy hoạch phù hợp nhu cầu ở tương ứng hiện trạng dân số, tốc độ tăng dân số, đồng bộ quy hoạch phát triển công nghiệp và dịch vụ.

Thứ hai, tôi biết trong số doanh nghiệp vào Hà Tây đầu tư có nhiều doanh nghiệp thiếu năng lực, ít kinh nghiệm. Để có kết luận cụ thể, cần rà soát danh sách dự án và nhà đầu tư.

Cực chẳng đã mới lấy đất nông nghiệp

Quan điểm của ông thế nào về việc nhiều dự án phi nông nghiệp thu hồi đất khi nông dân ở đó không có việc làm?

Với Hà Nội mới, việc phân bố các khu dân cư được xác định là lấy đô thị Hà Nội cũ làm trọng tâm, quanh đó là đô thị vệ tinh. Đô thị vệ tinh cần lựa chọn vị trí ít phải sử dụng đất có khả năng canh tác cao, như Hòa Lạc, Sơn Tây, v.v.  Vùng công nghiệp cũng phải tính toán đưa lên quanh các dải từ Ba Vì xuống Hương Tích hay Sóc Sơn, Đông Anh. Xen lẫn là các vùng xanh của nông nghiệp, rừng, đất mặt nước. Giao thông bảo đảm nối liền các đô thị, các điểm du lịch, trung tâm công nghiệp, công nghệ cao. Đất nông nghiệp cần bảo vệ tối đa. 

Hai huyện Quốc Oai và Hoài Đức dày dự án nhất, mỗi huyện có 10 xã cơ bản hết đất nông nghiệp. Ông bình luận gì về việc này?

Không ổn, cần tính toán lại. Cần tận dụng cao nhất vùng đồi núi để làm công nghiệp, đô thị. Cố gắng đầu tư giao thông, điện, nước cho tốt để đô thị và công nghiệp phát triển ở vùng này.

Vùng thuần nông phải hy sinh một phần diện tích nông nghiệp cho phi nông nghiệp, thì cũng phải tìm đất úng ngập, đất xấu để chuyển đổi. Một huyện có tới 10 xã bị thu hồi gần hết đất nông nghiệp là việc cần xem lại. Đây không còn là vấn đề đất đai, mà còn là đời sống của cộng đồng dân cư không được chuyển đổi nghề nghiệp kịp thời. 

Giữa vùng đất đẹp nhất vẫn có dự án cả trăm hécta làm sân golf?

Khá nhiều bài báo phản ánh về những bất lợi của tình trạng làm sân golf tràn lan, tốn đất, hiệu quả sử dụng đất không cao, hại cho môi trường, không hợp tình trạng nghèo đói còn nhiều.

Cần thanh tra ngay - Bài 2 ảnh 3
Ông Đặng Hùng Võ

Nước ta bình quân diện tích đất trên đầu người thấp, cần tiết kiệm để sử dụng vào sản xuất kinh doanh. Hà Nội mới và quanh Hà Nội có khá nhiều sân golf rồi. Cải tạo vùng đồi núi, vùng khô cằn để làm sân golf là phù hợp. Đưa đất bờ xôi ruộng mật vào làm khu ăn chơi thì không ổn chút nào. 

Nếu Hà Nội mở rộng chấp nhận sự đã rồi, sẽ có khoảng trên hai phần ba đất nông nghiệp thành đất phi nông nghiệp từ nay đến 2020. Vậy có hợp lý?

Ngay một vùng đô thị tập trung, cũng không thể chấp nhận cảnh quan toàn bê tông, sắt, thép. Những khu phi nông nghiệp tập trung cần được đặt trên nền nông nghiệp xanh để bảo đảm cảnh quan, môi trường và giữ đất nông nghiệp.

Nhưng trong lúc tư vấn đang nghiên cứu thì hàng loạt dự án vẫn đang được xúc tiến?

Theo tôi, khi đang chờ quy hoạch mới của Hà Nội, không nên xúc tiến các dự án chưa có căn cứ quy hoạch, trừ những dự án thực sự cần và phù hợp, cần triển khai gấp. Đây là lúc các cơ quan quản lý cần có thái độ thật nghiêm túc với trách nhiệm cao trước quy hoạch của Hà Nội mới.

Thưa ông, thay đổi hiện trạng các dự án hiện nay cũng khiến Hà Nội rất lúng túng vì dường như có phần nào nằm ngoài tầm kiểm soát của họ?

Lúc này cần cơ chế chặt chẽ kiểm soát dự án đã được giao đất và việc triển khai các dự án đó. Tốt nhất là dừng các dự án chưa hay mới triển khai để chờ quy hoạch Hà Nội mới. Cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch Hà Nội mới.

Một dự án phải triển khai gấp trong lúc chưa có quy hoạch phải thông qua HĐND Thành phố với ý kiến thẩm định của các bộ liên quan. Tiếp tục buông lỏng kiểm soát dự án sẽ gây khó khăn, tốn kém cho thực hiện sau này.

Cảm ơn ông.

Vương Hạnh - Phùng Sưởng
Thực hiện

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.