Cần thiết xử lý hình sự hành vi sử dụng súng tự chế

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an. Ảnh Như Ý
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an. Ảnh Như Ý
TPO - Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng, các loại vũ khí tự chế có tính sát thương cao, cũng không loại trừ trường hợp sử dụng để khủng bố.

Chiều 29/10, sau khi cơ quan soạn thảo trình, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung điều 3 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, các loại tội phạm nghiêm trọng đa phần là người có hành vi chế tạo, mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí tự chế, như súng ổ xoay, súng bút, súng tự chế bắn đạn hoa cải.

Theo ông, các loại vũ khí này có tính sát thương cao, cũng không loại trừ trường hợp sử dụng để khủng bố. Hành vi này nếu không bị khởi tố, điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ làm gia tăng tình hình tội phạm, ảnh hưởng xấu tới trật tự an toàn xã hội.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, theo báo cáo của Công an các đơn vị, địa phương, từ khi Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có hiệu lực đến nay, đã phát hiện, bắt giữ 230 vụ, 321 đối tượng liên quan đến hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Điều 3 nhằm bảo đảm phù hợp với Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 về xử lý hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng là rất quan trọng và cần thiết.

Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An phản ánh, địa phương đã phát hiện nhiều vụ giết người, cố ý gây thương tích bằng súng tự chế, như súng bắn đạn hoa cải, súng săn, súng bút... Theo ông Cầu, hành vi này dứt khoát phải xử lý hình sự để răn đe, tuy nhiên, pháp luật hiện hành không có quy định hành vi chế tạo, mua bán, sử dụng "vũ khí có tính năng tương tự như vũ khí quân dụng" sẽ bị truy tố, điều tra. Đây là khoảng trống pháp lý.

Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng, Phó chính uỷ Quân khu 7 đề nghị quy định rõ thế nào là "vũ khí tương tự vũ khí quân dụng" để tạo sự đồng bộ, khả thi trong áp dụng pháp luật. Nếu chỉ sửa quy định trong Luật Quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì Bộ trưởng Quốc phòng phải ban hành lại danh mục vũ khí, gồm cả vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng mới đủ căn cứ xử lý hình sự các vi phạm.

Đại biểu Ngô Thanh Danh (Đắk Nông) cũng thống nhất cao sự cần thiết sửa đổi theo tờ trình của Chính phủ. Ông kể năm 10/2016, tại Đắk Nông xảy ra vụ việc sử dụng vũ khí thô sơ, chế tạo vật liệu nổ làm chết 3 người, 16 người bị thương, trong đó có 4 người nhập viện. Tòa cấp sơ thẩm đã tuyên 1 án tử hình, 1 án 20 năm, 1 án 18 năm… Sau đó tòa phúc thẩm đã tuyên y án 1 đối tượng tử hình, còn các bị cáo sau được giảm án, một số đối tượng liên quan bị xử phạt hành chính.

“Từ câu chuyện này cho thấy việc quản lý vật liệu nổ, súng tự chế còn sơ hở. Nếu không quản lý chặt chẽ, không có chế tài xử lý nghiêm thì sẽ gây ra nhiều hệ lụy”, đại biểu Ngô Thanh Danh nêu.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.