Cần Thơ sẽ được hưởng cơ chế đặc thù như Đà Nẵng, Hải Phòng

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Cần Thơ Nguyễn Thanh Dũng phát biểu tại phiên họp thẩm tra
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Cần Thơ Nguyễn Thanh Dũng phát biểu tại phiên họp thẩm tra
TPO - Bộ Chính trị yêu cầu Thành phố Cần Thơ chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù ở mức như đối với Thành phố Đà Nẵng và Hải Phòng.

Nhiều chính sách ưu đãi về tài chính, ngân sách

Tại phiên họp thứ 25 tới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với Thành phố Cần Thơ. Trước đó, Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội cũng đã thẩm tra dự thảo Nghị định này.

Tại Kết luận số 07-KL/TW, Bộ Chính trị yêu cầu Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Cần Thơ cần tiếp tục thực hiện Nghị quyết 45 một cách tích cực, chủ động, sáng tạo, quyết liệt và đạt hiệu quả cao hơn, xây dựng Cần Thơ trở thành đô thị hạt nhân, có vai trò trung tâm động lực phát triển của vùng.

Bộ Chính trị yêu cầu Thành phố Cần Thơ chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù ở mức như đối với Thành phố Đà Nẵng và Hải Phòng; chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, đề xuất việc tổ chức thực hiện danh mục dự án trong Quyết định số 366/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng phương án trình Chính phủ phê duyệt cho phép thực hiện thí điểm một số cơ chế mới, vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn đặt ra.

Nhằm tạo điều kiện, tăng tính đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của Thành phố Cần Thơ, Chính phủ nhận thấy cần ban hành Nghị định quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với Thành phố Cần Thơ và giao Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo dự thảo Nghị định.

Mục tiêu của việc xây dựng Nghị định được Chính phủ xác định là nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước, ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù với Thành phố Cần Thơ tương tự các thành phố mang tính chất trung tâm kinh tế vùng như Đà Nẵng và Hải Phòng.

Qua đó, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững kinh tế- xã hội của Cần Thơ, tạo điều kiện để thành phố phát huy được những lợi thế trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế- xã hội lớn, trung tâm công nghiệp, thương mại và dịch vụ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2020, tạo động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của các tỉnh vùng đồng bằng song Cửu Long.

Với mục tiêu đó, dự thảo Nghị định quy định về huy động vốn đầu tư trong nước, huy động vốn hỗ trợ phát triển chính thức và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; các chính sách ưu đãi về tài chính, ngân sách và ủy quyền cho UBND thành phố quyết định chấp thuận đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới có quy mô từ 100 ha đến dưới 200 ha phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Tại phiên họp thẩm tra, các đại biểu Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị định, đồng nhất nhấn mạnh điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách, tạo thêm nguồn lực và động lực mới để thành phố phát triển nhanh, bền vững hơn.

Quá nhiều ưu đãi đặc thù thì không còn đặc thù nữa

Để tạo điều kiện cho Cần Thơ huy động thêm nguồn vốn đầu tư phát triển và đảm bảo tương quan với cơ chế đặc thù đối với Đà Nẵng và Hải Phòng, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nâng mức dư nợ vay của ngân sách Thành phố Cần Thơ không vượt quá 40% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp và nằm trong mức bội chi ngân sách nhà nước hàng năm được Quốc hội quyết định.

Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung quy định ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho thành phố không quá 70% số tăng thu so với dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương (sau khi thực hiện thưởng vượt thu theo quy định của Luật ngân sách nhà nước) và các khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100%.

Chính phủ cũng cho rằng, Cần Thơ hiện cần nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình quan trọng, cần thiết nhằm sớm đưa vào sử dụng, vì vậy cần đa dạng hóa nguồn vốn huy động, trong đó có nguồn dự trữ tài chính. Do đó, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung quy định UBND Thành phố Cần Thơ được phép tạm ứng từ quỹ dữ trữ tài chính thành phố để đầu tư cho các dự án cơ hạ tầng quan trọng thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách thành phố nhưng chưa bố trí vốn trong phạm vi kế hoạch đầu tư công trung hạn. Thời gian tạm ứng không quá 36 tháng kể từ ngày tạm ứng.

Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội cơ bản tán thành với đề nghị của Chính phủ về mức dư nợ vay của ngân sách Thành phố Cần Thơ cũng như bổ sung có mục tiêu từ nguồn tăng thu so với dự toán.

Về việc sử dụng quỹ dự trữ tài chính, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Đinh Văn Nhã cho biết, việc bổ sung thẩm quyền này cho UBND Thành phố Cần Thơ là tương đương với thẩm quyền đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định cho UBND Thành phố Hồ Chí Minh nhưng vượt trội hơn so với Hải Phòng và Đà Nẵng.

Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng cần cân nhắc không bổ sung quy định này để bảo đảm việc chấp hành ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật, tránh khó khăn trong quá trình thu hồi tạm ứng về sau, dành nguồn cho quỹ để xử lý những nhiệm vụ cấp bách trong quá trình điều hành ngân sách theo quy định.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai đề nghị cần cân nhắc cơ chế đặc thù ở mức hợp lý, nếu quá nhiều ưu đãi đặc thù thì không còn là đặc thù nữa, đồng thời cũng cần lưu ý đến tính công bằng với các địa phương khác, tránh tình trạng địa phương nào cũng muốn có cơ chế đặc thù.

MỚI - NÓNG