Cần thống nhất số điện thoại cứu nạn khẩn cấp

Cần thống nhất số điện thoại cứu nạn khẩn cấp
TP - Sáng 27/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa, một trong nhiều nội dung được các đại biểu quan tâm là công tác cứu hộ cứu nạn.

> Giao thông đường thủy: Nhiều bất cập phơi bày
> Bộ trưởng Thăng: Quy trách nhiệm người thấy tai nạn chìm tàu nhưng không cứu

 Vấn đề an toàn giao thông đường thủy được các ĐBQH đặc biệt quan tâm. Ảnh: Như ý
Vấn đề an toàn giao thông đường thủy được các ĐBQH đặc biệt quan tâm. Ảnh: Như ý.

Người có điều kiện phải cứu nạn

Từ thực tế xảy ra trong vụ tai nạn chìm tàu tại Cần Giờ cho thấy vấn đề thông tin liên lạc cũng như trách nhiệm xử lý thông tin không rõ ràng đã ảnh hưởng đến hiệu quả công tác cứu hộ, ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) cho rằng, cần có số điện thoại cứu nạn khẩn cấp tai nạn đường thủy.

ĐB Thường đề nghị cần quy định cụ thể trách nhiệm chính trong việc chủ trì tổ chức cứu hộ, cứu nạn theo từng khu vực cho một lực lượng chức năng có thể là trung tâm tìm kiếm cứu nạn, cảnh sát đường thủy, cảng vụ đường thủy hoặc chính quyền địa phương. Quy định tất cả mọi lực lượng, phương tiện đều có trách nhiệm tham gia cứu người khi xảy ra tai nạn. Không nhất thiết phải ký hợp đồng cứu hộ, cứu nạn trước khi tiến hành cứu nạn.

Đồng ý với quan điểm này, ĐB Huỳnh Minh Thiện (TP Hồ Chí Minh), cho rằng Dự thảo Luật cần bổ sung một số điều về cứu nạn cụ thể như: Nguyên tắc hoạt động, các lực lượng tham gia, cứu hộ, cơ quan thường trực cứu nạn, cứu hộ và vấn đề thông tin về tai nạn, sự cố, yêu cầu, cứu nạn, cứu hộ, cần kịp thời chính xác cho cơ quan thường trực cứu nạn, cứu hộ theo số điện thoại thống nhất trong cả nước. Như vậy mới tăng trách nhiệm của cơ quan quản lý và nghĩa vụ của người dân khi tham gia giao thông đường thủy.

ĐB Hoàng đề nghị: Luật Giao thông đường thủy nội địa sửa đổi nên quy định cụ thể, nếu thấy người bị nạn, người có điều kiện phải cứu nạn. Khi cứu nạn được vinh danh, bù đắp thiệt hại, nếu có. Điều này sẽ góp phần giảm và chấm dứt thái độ vô cảm của một bộ phận người tham gia giao thông đường thủy. Ban soạn thảo nên đưa vào để góp phần tuyên truyền, đánh thức lòng nghĩa hiệp, thương người trong hoạn nạn, trong tai nạn giao thông đường thủy.

ĐB Trần Xuân Hùng (Hà Nam) đề cập tình trạng hoạt động của các bến đò ngang và phương tiện đường thủy tại đây, mà theo ông là “rất phức tạp”. Nhiều tai nạn giao thông đường thủy đã xảy ra do tàu thuyền thiếu đăng ký, người điều khiển không giấy phép... từ đó đại biểu đề nghị cần có sự quản lý thống nhất khía cạnh này. Còn ĐB Trần Văn Minh (Quảng Ninh) cho rằng muốn giảm thiểu tai nạn giao thông đường thủy, cần xem xét không mở rộng diện phương tiện được miễn đăng ký.

Phân định trách nhiệm quản lý

Theo ĐB Huỳnh Minh Thiện (TP Hồ Chí Minh), qua tám năm thực hiện, việc tổ chức thực hiện Luật Giao thông đường thủy nội địa vẫn chưa đồng bộ, hiệu lực chưa cao. Phân cấp quản lý giao thông đường thủy nội địa trên một địa bàn có quá nhiều cơ quan quản lý gây chồng chéo, khó khăn cho công tác quản lý và xử lý hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa.

Từ thực tế tổng cộng khoảng 81 nghìn km đường thủy nhưng mới chỉ sử dụng được 45% tiềm năng, việc quy hoạch tổng thể còn nhiều bất cập, từ hạ tầng, bảo vệ môi trường đến khai thác... ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) đề nghị Chính phủ giao cho một đầu mối lập quy hoạch tổng thể, sau đó mới phân lại cho từng bộ ngành để tránh sự chồng chéo, thiếu gắn kết.

Về lâu dài, ĐB Nguyễn Phi Thường đề nghị nên điều chỉnh theo hướng thống nhất một cơ quan quản lý chuyên ngành là Bộ Giao thông Vận tải quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật đăng kiểm phương tiện tàu bè nói chung. Riêng chức năng quản lý đăng ký tàu cá vẫn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện như hiện nay.

ĐB Hồ Trọng Ngũ (Vĩnh Long) nêu ý kiến, để bảo đảm tính khả thi của Luật Giao thông đường thủy nội địa sửa đổi, cơ quan soạn thảo cần tính kỹ đến điều kiện vùng miền do điều kiện đường thủy nội địa nước ta ở các miền rất khác nhau. Phương tiện giao thông thủy ở các tỉnh Tây Bắc, miền Trung, Tây Nguyên chủ yếu là thuyền bè, trong khi ở Tây Nam bộ là phương tiện sinh hoạt gia đình, là tiện tích sinh hoạt, không thể áp dụng chung các quy tắc sử dụng.

Một số vụ tai nạn đường thủy

* Tối 2/8, Công ty Cổ phần công nghệ Việt - Séc và Công ty Cổ phần Vũng Tàu Marina điều tàu H29 BP chở 30 công nhân, chuyên gia của Công ty sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam từ Gò Công Đông, Tiền Giang về Vũng Tàu. Khi đi qua sông Soài Rạp, Cần Giờ, TPHCM, tàu gặp sóng lớn và bị chìm làm 9 người thiệt mạng.

* Ngày 16/9/2013, tại vùng biển cách Vũng Tàu 50 hải lý, cú va chạm mạnh giữa tàu cá TG 92819TS với tàu chở container Sima Sapphire đã khiến 16 thuyền viên trên tàu cá TG 92819TS bị văng ra khỏi tàu trong đó có 8 người thiệt mạng và 8 người được cứu sống. Tàu cá TG 92819TS bị đâm gãy làm đôi…

* Chiều 23/10/2013, vụ lật xuồng xảy ra trên khúc sông Măng thuộc địa bàn ấp 8, xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước), giáp biên giới Campuchia. Vụ tai nạn làm 7 người chết.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG