"Cần tìm giải pháp đột phá nền kinh tế"

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân
TPO - Ngày 20/10, trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp, Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TPHCM) nói: “Chúng ta cần lắng nghe, tìm giải pháp, hiến kế đột phá nền kinh tế”.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân nói: Đất nước đã trải qua một giai đoạn đổi mới trên 30 năm rồi. Lần này, Quốc hội họp trong hội trường mới, đặc biệt phòng họp mang tên Diên Hồng.

Tôi nghĩ, kinh tế Việt Nam trong gần 4 năm qua ở mức đáy và đã đến lúc phải chấp cánh bay lên. Vì chúng ta có một thời gian dài tăng trưởng từ năm 1991 đến 2010, bình quân 7,3%/năm, nhưng 4 năm qua, chúng ta chỉ đạt 5,6%.

Như vậy, vấn đề bây giờ là phải hiến kế thế nào để có giải pháp giúp nền kinh tế Việt Nam chấp cánh bay cao trở lại.

Nói đến Hội nghị Diên Hồng là hội nghị hiến kế, đưa ra những giải pháp mới. Tôi có niềm tin là trong kỳ họp quốc hội này, chúng ta sẽ nghe nhiều hơn những sáng kiến, ý kiến, giải pháp mang tính đột phá nhất cho đất nước phát triển, hơn là nghe những phàn nàn trước đây về quá khứ, nói nhiều về tật xấu, lãng phí, tham nhũng.

Mỗi đại biểu đều thể hiện tâm huyết của mình vì trước khi đến cuộc họp này, đại biểu quốc hội tiếp xúc cử tri và cử tri gửi gắm vào đó nhiều, nhất là việc làm sao để nâng cao đời sống, phúc lợi của người dân, cũng như chăm sóc tốt hơn cuộc sống người dân hiện nay, đảm bảo chữ “AN”: an toàn giao thông, an bình, yên tâm trong sinh hoạt hàng ngày và làm sao đời sống người dân ngày càng phát triển.

Năm 1991, GDP đầu người của Việt Nam là 143 USD/năm và chúng ta đứng ở vị trí 184, thấp nhất thế giới. Đến năm 2012, GDP đạt khoảng 1.600 USD/người/năm, chúng ta đứng ở vị trí thứ 155. Như vậy có sự cải thiện về thứ hạng. Và năm 2013, GDP đạt bình quân 1.911 USD/người và đứng thứ 132. Vấn đề là làm sao mức sống của người dân phải cao hơn nữa.

Theo ông, Quốc hội nên thảo luận vấn đề gì để đột phá nền kinh tế?

Kỳ họp này cần tìm giải pháp đột phá để làm sao kinh tế tăng trưởng trở lại. Chúng ta đã tăng trưởng từ 7,5% trở lên, có những giai đoạn như 1995 - 1996, chúng ta tăng trưởng 9,5%, rồi giai đoạn 2005 - 2006, tăng trưởng 8,5%. Nhưng 4 năm nay, chúng ta chỉ tăng trưởng 5,6%.

Như vậy, đã đến lúc phải có sự đột phá. Nhưng muốn tăng trưởng bền vững phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Nếu 4 năm qua, chúng ta đã tập trung ổn định kinh tế vĩ mô thì đã đến lúc phải tăng trưởng. Giải pháp nào đạt tăng trưởng chính là mục tiêu các đại biểu quốc hội cần phải đưa ra trong kỳ họp này.

Theo tôi, một trong những giải pháp quan trọng của quốc hội là phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, đưa ra được những luật đi vào thực tiễn, phù hợp nhu cầu đòi hỏi của nền kinh tế đang phát sinh.

Ví dụ, chúng ta nói cần phải nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, Luật Đầu tư công phải thể chế hóa; rồi Luật quản lý vốn doanh nghiệp nhà nước, vì doanh nghiệp là nơi sử dụng nhiều tài sản của quốc gia. Luật này phải làm sao gắn trách nhiệm của doanh nghiệp đóng góp vào sự tăng trưởng, nguồn thu của ngân sách.

Kinh tế phải chắp cánh trên cơ sở thế mạnh của Việt Nam. Thế mạnh của Việt Nam là ở nền nông nghiệp hiện đại và ngành du lịch phát triển trên cơ sở danh lam, thắng cảnh của Việt Nam, nhiều di sản thế giới, di tích lịch sử, bờ biển dài và đẹp… Không có lý do gì Việt Nam không phát triển ngành du lịch để thu hút ngoại tệ, góp phần vào tăng trưởng.

Tại kỳ họp này, quốc hội sẽ thảo luận dự án xây dựng sân bay Long Thành, đây có phải là một điểm nhấn đầu tư?

Tôi nghĩ dự án này phải được nghiên cứu và tôi đang trong thời gian nghiên cứu cẩn thận. Vì nợ công của chúng ta đang ở ngưỡng rất cao và chỉ nhích một chút, giống như chúng ta đang chạy ở tốc độ cao, mỗi lần nhích lên một chút thì phải hết sức thận trọng. Do đó, cần phải có thời gian khi chúng ta quyết định.

MỚI - NÓNG