Cần 'tổng tư lệnh' điều phối xả lũ

Cần 'tổng tư lệnh' điều phối xả lũ
TP - Thủy điện từng được nhắc tới nhiều như một nguyên nhân gây lũ chồng lũ ở miền Trung. Liệu mùa bão lũ năm nay, vấn nạn này có tiếp diễn, đâu là giải pháp để khắc phục?

>> Bài 5: Ám ảnh đất lở sông Gianh

PV Tiền Phong có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Đức Liễn - chuyên gia tư vấn quản lý thủy lợi và thủy điện, nguyên thành viên Ủy hội quốc tế lưu vực sông Mekong xung quanh vấn đề này.

Tiễn sĩ Nguyễn Đức Liễn
Tiễn sĩ Nguyễn Đức Liễn . Ảnh: Nguyễn Huy

TS Liễn nói: Ở miền Trung thiên tai, bão lũ xảy ra nhiều lần hằng năm. Bão và lũ như hai anh em sinh đôi. Chúng ta không thể chống lại được thiên tai, nhưng có thể phòng tránh và giảm thiểu thiệt hại bằng biện pháp “phi công trình” và “công trình”. Vấn đề là làm thế nào để đạt được mục tiêu ấy.

Thưa ông, sau những trận lũ dữ người ta lại lo ngại về tình trạng thủy điện xả lũ có thể tiếp tục trong mùa mưa bão năm nay, quan điểm của ông ra sao?

Hồ thủy điện chứa nước để phát điện, cung cấp nước, và cắt lũ nếu được. Nhiệm vụ chính của hồ là tích trữ nước mùa mưa và xả nhiều vào mùa khô. Có thể thủy điện gây ảnh hưởng xấu một số mặt về môi trường, trong đó có việc xả lũ. Nhưng chúng ta không nên vội quy kết rằng các đập thủy điện là nguyên nhân chính gây ngập lụt.

Hồ chứa có dung tích hữu dụng nhỏ như sông Ba Hạ chẳng hạn, khó có thể phục vụ mục tiêu giảm lũ. Nguyên nhân gây ngập úng ở hạ lưu sông Thu Bồn - Vu Gia năm 2009 có thể một phần do xả lũ của thủy điện A Vương. Nhưng phần chính là do phá rừng. Đáng nói là các quy trình vận hành phải được luật hóa.

Ngoài ra, cần có thêm “quy trình khẩn cấp” để vận hành các thủy điện, khi đối mặt với lũ lớn đặc biệt. Ở đây cần sự có mặt của Tổng tư lệnh để trực tiếp quyết định và chịu trách nhiệm về hành động. Tổng tư lệnh phải là lãnh đạo cấp tỉnh đối với các sông thuộc tỉnh; là cấp liên bộ đối với các dòng sông chạy qua nhiều tỉnh thành. Nếu vận hành hay chỉ huy không tốt, hoặc chỉ vì lợi ích cục bộ của các nhà máy thủy điện thì chẳng khác nào tiếp tay cho giặc lũ.

Theo ông đâu là vấn đề của công tác quy hoạch, vận hành thủy điện miền Trung hiện nay?

Ta từng có quy hoạch các hồ chứa thủy lợi - thủy điện ở miền Nam Việt Nam do Ủy hội sông Mekong giúp lập năm 1973. Nhưng đó chỉ là quy hoạch tổng thể mà chưa có một dự án thủy lợi hay thủy điện nào được triển khai.

Mật độ các dự án thủy điện ngày càng dày đặc, tuy nhiên, cần phân loại các thủy điện lớn, nhỏ và trung, các thủy điện có hồ chứa và không có hồ chứa. Thực chất các thủy điện nhỏ không gây ra nguy hại bao nhiêu vì dung tích hồ chứa nhỏ.

Cần chú ý đến các hồ có dung tích lớn; phải xem xét lại vai trò hồ chứa của mỗi dự án. Nếu dự án này có khả năng cắt lũ được thì nên đưa ra quy chế vận hành liên hồ để tham gia điều tiết cho suốt dòng sông, chứ không phải áp dụng riêng rẽ cho từng dự án.

Thực tế việc quy hoạch, phê duyệt các dự án thủy điện xem ra còn khá dễ dãi. Thủy điện mọc lên chi chít, nhiều dự án chồng lấn lên nhau, trong khi đó, chúng ta chưa có nhạc trưởng để hợp tác về quy hoạch, phát triển và vận hành đồng bộ trên mỗi dòng sông. Đây chính là vấn đề mấu chốt quyết định việc có thể giảm đỉnh lũ ở hạ lưu.

Chống lũ cần phối hợp các nhà đầu tư, chủ công trình, các tỉnh thành, chính quyền địa phương và nhân dân vùng bị ảnh hưởng lũ lụt. Dự báo dòng chảy, mưa lũ trong lưu vực từ thượng nguồn đến hạ du và thông báo kịp thời cho các thành viên trong cộng đồng lưu vực biết mà hành động thích ứng.

Để hạn chế những thiệt hại do nhà máy thủy điện xả lũ, theo ông cần có giải pháp gì?

Việc xả lũ nếu không có cách làm đồng nhất và hữu hiệu thì sẽ rất nguy hiểm, gây tác hại cho chính các nhà máy thủy điện và gây ngập lụt nghiêm trọng ở hạ lưu. Do đó, điều cần làm ngay là cần lập Ủy ban lưu vực để điều phối việc khai thác và vận hành, gồm xả lũ cho các hệ thống thủy điện và thủy lợi trong trường hợp khẩn cấp.

Khi các nhà máy thủy điện ở gần thượng nguồn sông chuẩn bị xả lũ, thì phải thông báo cho các nhà máy thủy điện ở các bậc dưới, đặc biệt là dân cư các vùng trũng ở hạ lưu biết, chủ động ứng phó phòng tránh lũ lụt.

Ủy ban phối hợp quyết định xả lũ hồ đập cho các dòng sông chảy qua nhiều tỉnh nên ở cấp liên bộ gồm: Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT cùng UBND các tỉnh, thành, huyện, các nhà khoa học, nhân dân có liên quan và bị ảnh hưởng về sự phát triển và vận hành của các dự án nằm trên các lưu vực sông.

Cảm ơn ông!

Nguyễn Huy
Thực hiện

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.