Cần tư duy mới, cách làm mới

Nhiều mẫu robot đang được các doanh nghiệp Việt Nam ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh.
Nhiều mẫu robot đang được các doanh nghiệp Việt Nam ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh.
TP - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định CMCN 4.0 là cuộc chơi mà mỗi quốc gia mặc định một phần trong đó. Vì vậy Việt Nam không có lựa chọn, không thể đứng ngoài mà phải nhanh chóng bước lên “con tàu” 4.0.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, Việt Nam cần huy động các nguồn lực để nắm bắt cơ hội, vượt qua thử thách. Ðể làm được điều này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến bốn vấn đề chính, từ sự thay đổi về nhận thức, những bước tiến về hành động, phát triển khoa học công nghệ, cho tới xử lý những mặt trái từ CMCN lần thứ tư.

Theo Thủ tướng, sự thay đổi của nhận thức phải được nối tiếp bằng những hành động cụ thể. Ðó là, xây dựng những hành lang pháp lý hỗ trợ cho sự phát triển của 4.0, nâng cao kỹ năng người lao động, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hay những chính sách thu hút đầu tư tại các địa phương.

Thủ tướng cho rằng cần tập trung phát triển công nghệ, đặc biệt việc xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin. Việt Nam cũng phải thay đổi triệt để về hệ thống sáng tạo quốc gia, trong đó phải lấy DN làm hạt nhân thay vì mô hình cũ.

Hệ thống sáng tạo quốc gia phải lựa chọn phát triển sản phẩm chủ lực, cạnh tranh chiến lược, tích hợp các công nghệ mới vào sản phẩm. Bên cạnh đó, cần tiếp tục có các chính sách phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, thực hiện tốt chính sách bảo hộ và phát triển thị trường.

“Tư duy mới, cách làm mới là vô cùng quan trọng, nhất là ở vùng sâu vùng xa, những bộ phận người dân còn khó khăn. Từ những hoạt động như nuôi tôm, nông nghiệp, cho tới đánh bắt ngoài khơi cũng cần có thay đổi tư duy. Thành công hay không chính là từ nhận thức và hành động của chúng ta”, Thủ tướng kết luận.

Cùng quan điểm, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam nhận định, Việt Nam phải đổi mới bằng được hệ thống sáng tạo quốc gia. “Hệ thống này trước gồm các chủ thể như Chính phủ, viện nghiên cứu và các trường đại học, còn các doanh nghiệp chưa rõ vai trò. Trong hệ thống mới thì doanh nghiệp phải là trung tâm, còn viện nghiên cứu, đại học sẽ đóng vai trò hỗ trợ”, Phó Thủ tướng nói. Ông cũng cho rằng, trước đây Việt Nam đặt mục tiêu trang bị tri thức, thì thời đại hiện nay phải xóa mù về công nghệ.

“Không chỉ kết nối thiết bị với thiết bị, mà đặc tính kết nối của thời kỳ 4.0 còn là thiết bị với con người, con người với con người. Nếu áp dụng kết nối thông minh, chúng ta sẽ huy động được sự đồng thuận của toàn xã hội. Từng người sẽ không bị bỏ lại phía sau và Việt Nam cũng không lỡ tàu 4.0”, Phó Thủ tướng nói.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, với Việt Nam, CMCN 4.0 mang lại cơ hội cho nền kinh tế số, sản xuất và dịch vụ thông minh, các loại hình nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, dịch vụ tài chính - ngân hàng, logistic thông minh, giúp tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí quản lý, chi phí sản xuất, mang lại lợi ích to lớn cho Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Nguyễn Hoài

MỚI - NÓNG