Cần xử nghiêm vụ lọt 'đường lưỡi bò' trong giáo trình ĐH Kinh doanh và Công nghệ

Giáo trình có bản đồ “đường lưỡi bò” và nội dung vi phạm chủ quyền được sử dụng tại ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội Ảnh: Đức Anh
Giáo trình có bản đồ “đường lưỡi bò” và nội dung vi phạm chủ quyền được sử dụng tại ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội Ảnh: Đức Anh
TP - Ngoài việc bỏ lọt “đường lưỡi bò” trong nhiều giáo trình, Đại học (ĐH) Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đang bộc lộ nhiều bất cập. Trong đó, nhiều thành viên Ban Giám hiệu không đủ bằng cấp, quá tuổi theo quy định…

Bài học đắt giá

Như Tiền Phong phản ánh, không chỉ cuốn giáo trình Đọc sơ cấp 1 có in bản đồ “đường lưỡi bò”, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội còn có hai 2 cuốn giáo trình “nhập khẩu” khác cũng có những sai sót về chủ quyền biển đảo. Về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, nói rằng, theo quy định của Luật Xuất bản, sách nhập khẩu phải do các đơn vị có giấy phép nhập khẩu chịu trách nhiệm; sách không qua các công ty nhập khẩu, phải qua hải quan kiểm kê.

“Trong trường hợp này, đơn vị sử dụng sách phải được hội đồng thẩm định thông qua, họ phải chịu trách nhiệm chứ không thể đổ lỗi cho cơ quan quản lý nhà nước. Ở đây, nếu không qua các đơn vị nhập khẩu thì là sách lậu, con đường phổ biến sách là trái với Luật Xuất bản. Muốn cho sinh viên sử dụng số lượng lớn phải thông qua hội đồng thẩm định nghiêm túc. Việc photo cho sinh viên cũng vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ. Bộ Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) cần kiểm tra, xem xét biện pháp xử lý nghiêm khắc và Cục Xuất bản, Bộ Thông tin và truyền thông (TT&TT) là đơn vị quản lý cũng cần xử phạt về hành vi nhập sách lậu”, GS.TS Thuyết nói.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội, cho biết, việc lưu hành cuốn giáo trình này là ý đồ tính toán của Trung Quốc để tuyên truyền thực hiện ý đồ lấn chiếm Biển Đông. Đây là việc cần có đối sách lâu dài. Các cơ quan, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động xuất bản… cần có trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề này để bảo vệ chủ quyền. Các trường hợp vi phạm là cá nhân và tổ chức cần xử lý kiên quyết, triệt để.

“Sách giáo khoa dù dùng bất cứ nguồn nào phải được kiểm duyệt và trách nhiệm thuộc nhà xuất bản, đơn vị thẩm định. Trường hợp này, Bộ GD&ĐT và Bộ TT&TT cần phối hợp xử lý. Nhân việc này, các cơ quan quản lý nhà nước cần rà soát, đánh giá lại quy trình thẩm định, phê duyệt sách, tăng cường đấu tranh, xử lý các trường hợp in ấn, sao chép lậu sách giáo khoa để tránh để xảy ra những sai sót như vừa qua. Ngoài ra, các thầy cô giáo trong quá trình giảng dạy cần có ý thức phát hiện sai phạm, xâm phạm bản quyền…”, Thiếu tướng Hồng nói.

Ban Giám hiệu quá tuổi, nội bộ lục đục

Ngoài những sai sót về giáo trình như trên, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đang có nhiều bất cập. Trong đơn phản ánh đến Tiền Phong mới đây, ông Lại Việt Hùng, Ủy viên Hội đồng quản trị (HĐQT), nguyên Trưởng phòng Quản trị A của ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, phản ánh, nhiều lãnh đạo trường vượt quá tuổi cho phép. Cụ thể, trong Điều lệ Trường ĐH (được Thủ tướng ban hành tại quyết định 70/2014/QĐ-TTg), độ tuổi giữ chức vụ hiệu trưởng, hiệu phó đối với trường ĐH tư thục là không quá 75 đối với nam và không quá 70 đối với nữ. Tuy nhiên, hiện nay, Ban giám hiệu nhà trường có 4 người vượt quá 75 tuổi; có thành viên không đủ tiêu chuẩn (chỉ mới là trình độ cử nhân, trong khi theo quy định hiện hành, trình độ tối thiểu phải là thạc sỹ - PV).

Liên quan đến Chủ nhiệm khoa Tiếng Trung và tiếng Nhật - nơi xảy ra sự cố giáo trình để lọt bản đồ “lưỡi bò”, TS Đỗ Quế Lượng, Phó Hiệu trưởng thường trực ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cho biết, ông Bùi Văn Thanh là chủ nhiệm khoa này có chuyên môn là tiếng Nhật, có biết tiếng Trung nhưng không trực tiếp giảng dạy. Trong khi đó, Điều lệ Trường ĐH hiện hành quy định, trưởng khoa phải có trình độ tiến sĩ phù hợp với ngành, chuyên ngành đào tạo tại khoa.

Ông Hùng còn tố cáo ông Hà Đức Trụ, Phó Hiệu trưởng nhà trường, ký hợp đồng cho cựu phi công Mai Trọng Tuấn vay 6 tỷ đồng để kinh doanh bột sắn dây nhưng không có tài sản bảo đảm đang trở thành nợ xấu (đại diện nhà trường đã xác nhận có việc này - PV).

Ông Hùng còn phản ánh, các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản của nhà trường hầu hết không đấu thầu, không thông qua Đại hội cổ đông. Đơn cử, hợp đồng cải tạo sửa chữa các phòng thực hành Y - dược của trường, hợp đồng cải tạo Khoa Răng hàm mặt và hợp đồng cơi nới phòng học tại Nhà C có giá trị khoảng 25 tỷ đồng nhưng không đấu thầu.

Trả lời PV Tiền Phong, ông Nguyễn Thế Nhị, Chánh Văn phòng nhà trường, nói rằng nhà trường hoạt động theo mô hình trường ĐH tư thục nên không bắt buộc đấu thầu. Tuy nhiên, luật sư Phạm Hồng Sơn, Trưởng Văn phòng luật sư Phạm Sơn (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), nói rằng, Luật Đấu thầu không bắt buộc, tuy nhiên, hoạt động đầu tư xây dựng, mua sắm hết sức phức tạp, vì vậy, để quản lý cần có quy định, quy chế cụ thể. Việc quản lý hoạt động đầu tư xây dựng, mua sắm của nhà trường nên tuân theo Luật Đấu thầu để bảo đảm công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế. 

Liên quan sự việc giáo trình có bản đồ, thông tin vi phạm chủ quyền, ngày 4/11, Bộ GD&ĐT có văn bản yêu cầu ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội khẩn trương thu hồi các giáo trình, tài liệu vi phạm, rà soát lại toàn bộ quy định lựa chọn, thẩm định. Đặc biệt, Bộ yêu cầu nhà trường khẩn trương làm rõ sai phạm của các cá nhân, đơn vị có liên quan và có hình thức xử lý, kỷ luật nghiêm minh. Công an TP Hà Nội đã làm việc với nhà trường để điều tra sự việc.

MỚI - NÓNG