Cảng cá hơn 110 tỷ bị bồi lấp, tàu thuyền 'treo' trên cát

Cảng cá hơn 110 tỷ bị bồi lấp, tàu thuyền 'treo' trên cát
TPO - Cảng cá Xuân Hội được xây dựng với số vốn hơn 110 tỷ đồng, sau nhiều năm đi vào hoạt động nay đã bị bồi lấp nghiêm trọng.

Cảng cá bồi lấp, thuyền “treo” trên cát

Năm 2010 Cảng Xuân Hội (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) được đưa vào xây dựng với tổng vốn đầu tư hơn 110 tỷ đồng. Cảng cá thu hút lượng tàu thuyền lớn trong khu vực và các địa phương lân cận, neo đậu, trao đổi hàng hóa. Tuy nhưng trong vài năm trở lại đây, luồng lạch dẫn vào cảng ngày càng bị bồi lắng.

Cảng cá hơn 110 tỷ bị bồi lấp, tàu thuyền 'treo' trên cát ảnh 1 Dưới chân cảng khi thủy triều xuống.

 Tàu, thuyền gặp khó khăn trong việc di chuyển vào cảng, đặc biệt hoạt động hậu cần buôn bán hải sản tại cảng bị ảnh hưởng. Ngư dân nơi đây cho hay, do luồn lạch bị bồi lắng nghiêm trọng nên phải nắm bắt được chu kỳ lên xuống của thủy triều để cho thuyền ra vào cảng. Bởi nếu sơ suất sẽ bị gãy chân vịt, mắc kẹt giữa lạch. Ngoài ra, nhiều tàu lớn không thể vào cảng, phải đậu ngoài cửa lạc  và thuê thuyền nhỏ vận chuyển hải sản vào trong tiêu thụ.

 “Để đưa thuyền vào cảng sau chuyến cá, mực thì phải đợi từng đợt thủy triều lên mới vào được chứ không phải cứ về đến đó là vào. Tình trạng này kéo dài khoảng hơn 2 năm nay rồi, nhiều hôm tàu gãy cả chân vịt, thậm chí tàu còn bị chìm do phần bề mặt dưới của cảng không bằng phẳng, khi thủy triều lên gây ngập nước vào bên trong thuyền”, ngư dân Lê Văn Nhâm (52 tuổi,  trú xã Xuân Hội) cho hay.

Cảng cá hơn 110 tỷ bị bồi lấp, tàu thuyền 'treo' trên cát ảnh 2 Phần luồng lạch vào cảng bị bồi lấp nghiêm trọng.

Theo ngư dân Nhâm, mỗi lần tàu về phải đậu cách cảng khoảng 500 m và bỏ tiền thuê thuyền nhỏ tăng bo đưa hải sản vừa đánh bắt được vào bờ để bán. Có những hôm không thuê được thuyền đành phải chờ thủy triều lên mới cho thuyền cập cảng được. Việc này gây ảnh hưởng đến nguồn thu vì cá, tôm bị ươn không bán được.

Cảng cá hơn 110 tỷ bị bồi lấp, tàu thuyền 'treo' trên cát ảnh 3 Nhiều tàu mắc cạn không thể ra khơi.

“Trước đây khi luồng lạch chưa bị bồi lấp, cảng cá thu hút khá đông tàu thuyền của ngư dân ngoại tỉnh đem về bán. Tuy nhiên từ ngày cảng cá bị cạn, tàu cá tỉnh bạn cũng rời đi nơi khác, dịch vụ hậu cần nghề cá mất khách, có cửa hàng phải đóng cửa”, ông Nhâm nói.

Tàu thuyền bỏ sang tỉnh khác?

Theo ghi nhận của Tiền Phong, cảng cá Xuân Hội có 5 luồng lạch thì hiện có 4 luồng bị cát biển bồi lấp, khiến tàu thuyền không thể ra vào khi thủy triều xuống thấp. Tại vị trí này có những bãi cát nhô hẳn lên khỏi mặt nước, hàng chục con tàu đang neo đậu đều nằm phơi mình trên cát không thể ra khơi.

Cảng cá hơn 110 tỷ bị bồi lấp, tàu thuyền 'treo' trên cát ảnh 4 Hiện các luồng lạch ở cảng đã bị bồi lấp nghiêm trọng, lượng tàu vào cảng cũng giảm hẳn.

Liên quan đến thực trạng này, ông Đinh Sỹ Long, Cảng trưởng cảng cá Xuân Hội cho biết, sau khi đưa vào sử dụng được 10 năm nay, hiện các luồng lạch ở cảng đã bị bồi lấp nghiêm trọng, tàu thuyền gặp khó trong qua trình di chuyển vào cảng. Tình trạng này ngày càng nghiêm trọng, nhất là trong 1 năm trở lại đây.

Theo ông Long, mỗi ngày cảng cá đón khoảng 20 - 25 lượt tàu thuyền ra vào, tuy nhiên các tàu thuyền đều phải chờ nước thủy triều lên mới vào được.

“Tình trạng này khiến cho cảng cá đìu hiu, không phát huy được hết công suất về dịch vụ hậu cần, hàng hóa vào cảng cũng hạn chế. Do cập cảng khó khăn nên hầu hết các tàu thuyền đều đưa hàng hóa về cảng bên phía Nghệ An tiêu thụ”, ông Long cho hay.

Cảng cá hơn 110 tỷ bị bồi lấp, tàu thuyền 'treo' trên cát ảnh 5 Lượng tàu thuyền mắc kẹt khi thủy triều xuống.

Còn theo ông Bùi Tuấn Sơn, Giám đốc Ban Quản lý các cảng cá Hà Tĩnh, từ ngày cảng cá Xuân Hội đi vào hoạt động cho đến nay vẫn chưa được nạo vét lần nào nên mới xảy ra tình trạng luồng lạch bị bồi lắng. Cũng vì nguyên nhân này mà cảng không thể phát huy tác dụng và chưa đáp ứng được kỳ vọng của ngư dân.

“Hiện chúng tôi đã đề xuất với UBND tỉnh cấp kinh phí để duy tu, nạo vét luồng lạch hàng năm, hoặc cho nạo vét kết hợp với tận thu sản phẩm bằng hình thức xã hội hóa. Nhưng đến nay hai phương án vẫn chưa được tỉnh chấp thuận”, ông Sơn thông tin.

MỚI - NÓNG