Ngập lụt đô thị: 

Càng chống, điểm ngập càng tăng

Càng chống, điểm ngập càng tăng
TP - Theo tiến sĩ Trần Minh Quang - Đại học Kỹ thuật Công nghệ TPHCM, những năm 80 của thế kỷ trước, toàn TPHCM chỉ có 10 điểm ngập, sau khi đầu tư xây dựng các hệ thống chống ngập đến nay thành phố đã có... 100 điểm ngập.
Càng chống, điểm ngập càng tăng ảnh 1
Hệ thống chống ngập vẫn chưa phát huy hiệu quả. Ảnh: Lê Nguyễn

Ông Hồ Long Phi cho biết, thành phố triển khai nhiều dự án chống ngập dài hạn nhưng chưa có dự án nào đi vào hoạt động, trong khi mức độ phát triển đô thị tăng nhanh hơn dự án đầu tư.

Mặt khác, do thiếu tầm nhìn, toàn bộ hệ thống cống thoát nước hiện hữu, thậm chí bao gồm cả một số công trình đang trong quá trình triển khai xây dựng (như dự án vệ sinh môi trường (lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè) đều chọn cao độ (hay còn gọi là cốt nền) 1,30m.

Trong khi đó, đỉnh triều cường xuất hiện cuối năm 2008 dao động trong nhiều ngày liên tục ở mức trên 1,50m làm hơn 720 ha bị ngập sâu trong nước, dù nhiều nơi có hệ thống thoát nước.

Nếu nhiệt độ trên trái đất tăng thêm hai độ C, 22 triệu người VN sẽ mất nhà và 45 phần trăm diện tích đất nông nghiệp ở vùng đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa lớn nhất cả nước sẽ chìm trong nước biển” - ông Christopher George - Giám đốc Điều hành Hội Thủy lực Quốc tế cảnh báo tại Hội thảo Biến đổi khí hậu đối với ngập lụt đô thị khai mạc tại TPHCM ngày 24/6.

Thay vì chọn những nơi cao ráo, 20 năm qua, các khu vực dân cư mới ở TPHCM hình thành và phát triển tập trung hầu hết ở những khu vực nguy hiểm, có cao độ rất thấp như khu nam có cao độ 0,5m so với mực nước biển. Với tốc độ đô thị hóa như hiện nay, dự báo đến năm 2020, toàn bộ khu vực nguy hiểm sẽ bị lấp đầy.

GS TSKH Dương Ngọc Hải – Phó Chủ tịch Viện Khoa học & Công nghệ nhận định, tình trạng ngập úng trầm trọng vừa qua tại nhiều nơi là do các biện pháp chống ngập chưa hiệu quả, thậm chí sai lầm.

Đó là nâng đường, phá hủy và làm lại hàng loạt cống thoát nước, vừa không hiệu quả, vừa lãng phí nên thành phố cần xem xét lại các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng.

Ông Nguyễn Phước Thảo – Giám đốc Trung tâm Chống ngập TPHCM thừa nhận, TPHCM đã chi gần một tỷ USD cho các công trình chống ngập nhưng, đến thời điểm này, các công trình chống ngập chưa hiệu quả, năng lực của hệ thống thoát nước và công nghệ chống ngập của các công trình này có nguy cơ lạc hậu.

Khắp nơi bị động

Càng chống, điểm ngập càng tăng ảnh 2
Ngập lụt đô thị ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống. Ảnh: Lê Nguyễn

Không chỉ tình trạng ngập lụt đô thị diễn ra trầm trọng ở TPHCM, mà nghiên cứu mới đây của các chuyên gia khí tượng thủy văn và môi trường thì  Hải Phòng,  Bến Tre, Cần Thơ và Cà Mau cũng đang nằm trong danh sách báo động về ngập lụt.

Ông Nguyễn Phước Thảo cho biết, tại TPHCM mực nước sông - kênh - rạch đo tại trạm Phú An tăng 1,5 cm/năm, trong khi những cơn mưa lớn có vũ lượng tăng năm sau cao hơn năm trước.

Theo ông Nguyễn Phước Thảo, số liệu quan trắc của các cơ quan khí tượng thủy văn cho thấy tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) đối với thời tiết của TPHCM nói riêng và vùng TPHCM nói chung đang ngày một rõ nét.

Ông Thảo dẫn chứng: “Mực nước biển đo được ở Vũng Tàu đã tăng khoảng 0,8cm/năm, còn mực nước các sông, kênh của TPHCM đo được ở Phú An tăng đến 1,5cm/năm”. Vì vậy, TPHCM đang nằm trong danh sách 10 thành phố bị đe dọa nhiều nhất bởi BĐKH.

Cuối năm 2008, TP Cần Thơ cũng có trên nửa diện tích bị ngập lụt mỗi khi mưa lớn, TP Hà Nội cũng có đợt ngập lụt mang tính lịch sử vào năm 2008. Đây là hậu quả của biến đổi dị thường của khí hậu gây ra.

Tại bờ biển Nam Bộ, từ những năm 1940 trở về trước, không hề có đoạn xói lở. Nhưng, từ năm 1960 đến nay, xói lở bờ biển diễn ra hầu khắp các tỉnh ven biển. Tỉnh Kiên Giang cũng không ngoại lệ.

“Với mức độ ngập lụt như hiện nay hằng năm cả nước bị thiệt hại 1-1,5 phần trăm GDP và đứng trước nguy cơ thiếu thốn về lương thực”- ông Đào Xuân Học - Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cảnh báo.

"Nếu không sớm triển khai dự án kiểm soát triều để hỗ trợ, hầu hết hệ thống thoát nước đã và đang triển khai tại TPHCM sẽ bị tê liệt. Mực nước triều chỉ cần tăng thêm 0,5m, toàn bộ diện tích khu vực thấp trũng sẽ ngập trắng và TPHCM sẽ bị chia cắt thành hai đảo lớn. Ngập úng trầm trọng vừa qua là do con người nhiều hơn là biến đổi khí hậu."

Ông Hồ Long Phi

MỚI - NÓNG