Càng dân chủ, minh bạch, tiếng nói của báo chí càng quan trọng

TPO - Phát biểu tại diễn đàn Báo chí với vấn đề tuyên truyền xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc 2018 sáng 16/3, ông Vi Quang Đạo, Tổng giám đốc Cổng thông tin điện tử Chính phủ cho rằng, càng dân chủ, minh bạch, tiếng nói của báo chí càng quan trọng.

Theo ông Đạo, mới đây Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều quyết định khiến cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Và tất cả những chuyển biến đó đều có dấu ấn đậm nét của báo chí. “Báo chí có tác động hai chiều, tạo sức ép và khích lệ các cơ quan chức năng phải sửa đổi, ban hành các quy định theo chiều hướng đổi mới và cải cách”, ông Đạo nói.

Ông Đạo thông tin, Chính phủ kiến tạo cũng là Chính phủ hành động, nói đi đôi với làm, đề cao trách nhiệm cá nhân, kỷ luật, kỷ cương, liêm chính, đòi hỏi công khai minh bạch trên tất cả các lĩnh vực.

“Làm được điều đó không thể thiếu vai trò của báo chí. Có thể nói báo chí hàng ngày hàng giờ giám sát và phản biện, tạo dư luận đối với các trường hợp, các hành vi vi phạm hay những bộ ngành cơ quan, các tổ chức, cá nhân trì trệ, không thực hiện hoặc chưa thực hiện các yêu cầu của Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Từ những vụ việc rất nhỏ như cán bộ ở phường Văn Miếu chậm trễ cấp giấy chứng tử cho người dân hay gần đây nhất là một phụ huynh là Đảng viên ép cô giáo phải quỳ gối vì đã phạt con mình”, ông Đạo ví dụ.

Ông Đạo cũng nêu các ví dụ từ vụ quán cà phê Xin chào đến các vụ đại án tham nhũng để thấy được bức tranh rộng lớn về sự lắng nghe của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với các vấn đề báo chí phản ánh.

“Nhiều văn bản chỉ đạo của Thủ tướng, Chính phủ căn cứ vào phản ánh của báo chí, thậm chí nhiều chủ trương, chính sách được thông qua, khi qua các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh lại ý kiến của các chuyên gia và nguyện vọng của nhân dân thì Chính phủ đã xem lại, biểu quyết lại”, ông Đạo nói.

Ông Đạo đánh giá cao việc báo chí thẳng thắn đề cập, không ngại va chạm các vấn đề, vụ việc dù gai góc nhất, thậm chí nêu cao tinh thần đấu tranh trước những sai phạm, trước những biểu hiện lợi ích nhóm. “Có thể nói trên tất cả các mặt trận nóng bỏng nhất như phòng chống tham nhũng, tiêu cực, đẩy mạnh cải cách, đổi mới thể chế, chống sự trì trệ, bảo thủ đều ghi dấu ấn vai trò quan trọng của báo chí”, ông Đạo nói.

Ông Đạo cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần đánh giá cao vai trò của báo chí. Trong kết quả Chính phủ đạt được, theo Thủ tướng, báo chí là một kênh thông tin quan trọng để Chính phủ tham khảo. “Thủ tướng nói nếu chỉ căn cứ vào công văn hành chính chưa chắc thông tin đã đầy đủ. Lãnh đạo cần có báo chí để có thông tin chính xác, trung thực và kịp thời. Thủ tướng cho rằng, niềm tin có được của nhân dân có sự đóng góp của báo chí và niềm tin của nhân dân quyết định rất lớn đến vận mệnh đất nước...”, ông Đạo nói.

Theo ông Đạo, Thủ tướng tin tưởng báo chí luôn tạo niềm tin cho nhân dân,  nhất là trong bối cảnh cạnh tranh thông tin rất lớn từ mạng xã hội. Thủ tướng cũng khẳng định đất nước càng dân chủ bao nhiêu thì tính công khai minh bạch và tiếng nói của báo chí quan trọng bấy nhiêu. Thủ tướng đã nhiều lần yêu cầu các thành viên Chính phủ phải tiếp nhận thông tin, lắng nghe tiếng nói phản biện từ báo chí.

Trong những vấn đề cần làm trong thời gian tới, theo ông Đạo, cần phải chống lại lợi ích nhóm trong truyền thông. “Chính phủ yêu cầu chống lợi ích nhóm trong hoạt động của các cơ quan. Thủ tướng nhấn mạnh không chấp nhận văn bản ban hành không vì lợi ích của toàn xã hội mà chỉ vì lợi ích của ngành nào đó. Không được cài cắm vào luật những nội dung phục vụ lợi ích riêng của đơn vị mình, ngành mình. Tinh thần này cũng được quán triệt trong truyền thông chính sách. Việc xây dựng chính sách luôn tác động mạnh mẽ và rất khác nhau tới từng nhóm trong xã hội và thực tế có những nhóm đối tượng tìm cách tác động tới truyền thông để vận động, lo lót cho lợi ích riêng của họ. Nếu không tỉnh táo và bản lĩnh, nhà báo có thể tiếp tay, tác động tới chính sách”, ông Đạo nói.

MỚI - NÓNG