Căng dây thừng lập chốt kiểm soát, kẻ vạch trên phà để phòng COVID-19

TPO - Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 huyện Diễn Châu (Nghệ An) đã yêu cầu địa phương lập các chốt để kiểm soát chặt chẽ và tiến hành đo thân nhiệt tất cả những người và phương tiện ra vào cảng cá Lạch Vạn.

Sáng 9/4, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 huyện Diễn Châu cũng đã tiến hành kiểm tra công tác phòng chống dịch tại cảng cá Lạch Vạn (thuộc xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, Nghệ An).

Ông Tăng Văn Luyện, Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu cho biết: “Sau khi nắm bắt được thông tin, Ban chỉ đạo phòng chống dịch của huyện đã họp để khắc phục những tồn tại đang còn diễn ra tại cảng cá. Chúng tôi đã yêu cầu địa phương phối hợp với các đơn vị liên quan lập ngay các chốt để kiểm soát tất cả những người và phương tiện ra vào tại cảng. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền cho bà con ngư dân phải tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch bệnh để đảm bảo an toàn”.

Căng dây thừng lập chốt kiểm soát, kẻ vạch trên phà để phòng COVID-19 ảnh 1 Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 huyện Diễn Châu (Nghệ An) đã yêu cầu địa phương lập các chốt để kiểm soát chặt chẽ và tiến hành đo thân nhiệt tất cả những người và phương tiện ra vào tại đây.
Căng dây thừng lập chốt kiểm soát, kẻ vạch trên phà để phòng COVID-19 ảnh 2 UBND xã Diễn Ngọc đã tiến hành lập 2 chốt để kiểm soát tất cả những người và phương tiện ra vào cảng.

Theo đó, UBND xã Diễn Ngọc (huyện Diễn Châu) đã lập 2 chốt ở ngay 2 đầu ra vào cảng cá Lạch Vạn để tiến hành phun thuốc khử khuẩn các phương tiện, kiểm tra thân nhiệt tất cả người dân khi vào cảng.

“UBND xã đã phối hợp với Đồn biên phòng Diễn Thành, Trạm Y tế xã và BQL Cảng cá Lạch Vạn tiến hành lập 2 chốt để kiểm soát tất cả những người và phương tiện ra vào cảng. Người dân khi vào cảng sẽ phải rửa tay diệt khuẩn, được kiểm tra thân nhiệt, ai chưa có khẩu trang sẽ được phát ngay tại chỗ, ngoài ra các phương tiện khi vào cảng sẽ được phun thuốc khử trùng”, ông Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc thông tin.

Căng dây thừng lập chốt kiểm soát, kẻ vạch trên phà để phòng COVID-19 ảnh 3 Cảng cá Lạch Vạn, nơi có hàng trăm người tập trung về đây trao đổi, mua bán hải sản mỗi ngày.

Cảng cá Lạch Vạn, nơi có hàng trăm người tập trung về đây trao đổi, mua bán hải sản mỗi ngày. Để đảm bảo an toàn trong tình hình dịch bệnh đang có những diễn biến phức tạp, BQL cảng cá Nghệ An đã đề nghị UBND xã Diễn Ngọc và Đồn biên phòng Diễn Thành (Bộ đội Biên phòng Nghệ An) cử thêm cán bộ, chiến sỹ phối hợp với BQL để kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ đúng quy định phòng dịch COVID-19 của Chính phủ và Bộ Y tế.

Cần Thơ yêu cầu phải phân ô, kẻ vạch trên đò, phà

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Cần Thơ vừa có công văn hướng dẫn đối với một số bến khách ngang sông nếu hoạt động phải chở đúng đối tượng, đồng thời yêu cầu kẻ vạch, phân ô trên bến, dưới đò, phà để phòng chống dịch COVID -19.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Tiến Dũng – Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ cho biết đã ban hành công văn số 771, hướng dẫn đối với hoạt động bến khách ngang sông trên địa bàn thành phố theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, theo thông báo số 720 và công văn số 743 của Sở GTVT có nội dung: tạm dừng hoạt động tất cả bến khách ngang sông trên địa bàn thành phố trong 15 ngày, kể từ 1/4. Riêng các trường hợp công vụ, cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết và chở bệnh nhân đi cấp cứu thì vẫn được phép hoạt động.

“Do vậy, bến khách ngang sông vẫn được phép hoạt động để phục vụ các đối tượng như hai công văn trên đã nêu”, ông Dũng thông tin.

Theo tìm hiểu của phóng viên, sau khi Sở GTVT Cần Thơ chỉ đạo tạm ngừng các hoạt động các bến đò, bến phà sang sông trên địa bàn, UBND các quận, huyện có công văn gửi đến sở này để nghị cho hoạt động trở lại đối với một số bến vì ảnh hưởng lớn đến việc đi làm của người lao động.

Căng dây thừng lập chốt kiểm soát, kẻ vạch trên phà để phòng COVID-19 ảnh 4 Tại bến đò Vàm Xáng (huyên Phong Điền, Cần Thơ) đã được phân ô kẻ vạch trên bến.

Cụ thể, UBND huyện Phong Điền đề nghị hoạt động trở lại bến Vàm Xáng trên tổng số 5 bến khách ngang sông trên địa bàn; UBND huyện Thới Lai đề nghị cho hoạt động 4 bến (Vàm Nhon, bến trường cấp 3, bến Công Điền, bến cầu Đông Tháp) trên tổng số 36 bến khách ngang sông trên địa bàn; UBND huyện Vĩnh Thạnh đề nghị cho hoạt động 3 bến trên tổng số 13 bến và đề nghị mở lại các bến khách ngang sông qua sông Hậu đi từ Đồng Tháp, Vĩnh Long qua TP. Cần Thơ để công nhân qua làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp được thuận lợi.

Căng dây thừng lập chốt kiểm soát, kẻ vạch trên phà để phòng COVID-19 ảnh 5 Khoảng cách tối thiểu giữa các hành khách là 2m.
Căng dây thừng lập chốt kiểm soát, kẻ vạch trên phà để phòng COVID-19 ảnh 6
Căng dây thừng lập chốt kiểm soát, kẻ vạch trên phà để phòng COVID-19 ảnh 7

Hành khách qua đò, phà phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn.

Giám đốc Sở GTVT Cần Thơ cho biết, trong công văn 771, cơ bản thống nhất theo đề nghị của các địa phương. Theo đó, các bến hoạt động phải đáp ứng các yêu cầu trên (phân ô, kẻ vạch trên phương tiện và đường dẫn xuống bến, đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa các hành khách là 2m, có pano tuyên truyền, hành khách và nhân viên phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn,...) và chở đúng đối tượng. Tuy nhiên, đối với việc mở lại các bến khách liên tỉnh, vấn đề này phải có sự thống nhất của hai Sở GTVT.

“Hiện nay, Sở GTVT Vĩnh Long và Đồng Tháp đã ban hành thông báo tạm dừng hoạt động các bến khách ngang sông trên địa bàn tỉnh. Từ đó, Sở GTVT Cần Thơ đề đề nghị Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ làm việc với các doanh nghiệp thống kê các trường hợp công nhân có nhu cầu đi phà từ phía bờ tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp sang Cẩn Thơ và ngược lại để đi làm, gửi về cho Sở để làm căn cứ trao đổi với Sở GTVT Vĩnh Long và Đồng Tháp xem xét giải quyết”, ông Dũng cho hay.

Lập 8 chốt kiểm soát người ra vào tỉnh Lâm Đồng

Ngày 9/4, tỉnh Lâm Đồng triển khai thành lập 8 tổ công tác liên ngành, mỗi tổ đặt một chốt kiểm soát người ra - vào tỉnh tại địa điểm giáp ranh giữa Lâm Đồng với các tỉnh, thành khác.

Chốt 1 đặt trên Quốc lộ 20 (thuộc địa bàn huyện Đạ Huoai), nơi giáp ranh giữa Lâm Đồng với tỉnh Đồng Nai.

Chốt 2 trên Quốc lộ 27C (huyện Lạc Dương) nối Lâm Dồng - Khánh Hòa.

Chốt 3 trên Quốc lộ 27 (huyện Đơn Dương) nối Lâm Đồng - Ninh Thuận.

Chốt 4 trên Quốc lộ 28B (huyện Đức Trọng) nối Lâm Đồng - Bình Thuận.

Chốt 5 trên Quốc lộ 28 (huyện Di Linh) nối Lâm Đồng - Bình Thuận.

Chốt 6 trên Quốc lộ 55 (huyện Báo Lâm) nối Lâm Đồng - Bình Thuận.

Chốt 7 trên Tinh lộ 721 (huyện Đạ Huoai) nối Lâm Đồng - Binh Thuận.

Chốt 8 trên Tinh lộ 721 (huyện Cát Tiên) nối Lâm Đồng - Bình Phước.  

Chủ tịch UBND các huyện nói trên phải tổ chức lực lượng duy trì triển khai phương án hoạt động tại các chốt, bố trí trực 24/24 giờ.

Căng dây thừng lập chốt kiểm soát, kẻ vạch trên phà để phòng COVID-19 ảnh 8 Lãnh đạo tỉnh kiểm tra tình hình phòng chống COVID-19 tại các địa phương, đơn vị

Tại mỗi chốt kiểm soát, các lực lượng y tế, công an, quân sự, thanh tra giao thông cùng phối hợp trong việc dừng, kiểm tra các phương tiện giao thông vận tải đường bộ; đồng thời yêu cầu người tham gia giao thông khai báo y tế ban đầu, đo thân nhiệt để theo dõi, quản lý.

Đối với các trường hợp có yếu tố dịch tễ, lực lượng chức năng sẽ tiến hành các biện pháp cách ly y tế để ngăn chặn dịcóa

Quảng Nam xử lý nhiều trường hợp vi phạm về phòng, chống dịch COVID – 19

Tối 9/4, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID–19 tỉnh Quảng Nam thông tin, địa phương đã xử lý nhiều trường hợp không chấp hành quy định về phòng, chống dịch COVID – 19. Cụ thể, từ ngày 6 đến ngày 9/4, Công an các đơn vị, địa phương đã lập biên bản xử lý 22 trường hợp không đeo khẩu trang theo quy định với số tiền 4.700.000 đồng; lập hồ sơ xử lý 1 trường hợp không chấp hành hiệu lệnh dừng xe; khởi tố 2 vụ án, bắt tạm giam 1 đối tượng về hành vi chống người thi hành công vụ (tại Phú Ninh và Nông Sơn), hiện vụ việc đang được tiếp tục điều tra.

Quảng Nam hiện đang cách ly tập trung cho 651 người tại 20 khu cách ly tập trung của 16 huyện trong đó có 545 người về từ TP Hồ Chí Minh, 65 người về từ Hà Nội.

Đặc biệt, nhiều tập thể, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ phòng, chống dịch COVID – 19 số tiền hơn 3,4 tỷ đồng; hơn 5 tấn gạo, nhu yếu phẩm, 20.000 khẩu trang vải kháng khuẩn

Toàn bộ số tiền và hàng hóa, nhu yếu phẩm sẽ được phân bổ kịp thời, đúng mục đích cho công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, đặc biệt là tập trung nguồn lực chăm lo cho người dân tại các khu cách ly tập trung…

Hội đồng hương Quảng Nam tại TP. Hồ Chí Minh đã vận động và tiếp nhận được 450 triệu đồng, 2 tấn gạo, 200 thùng mì tôm và nhiều nhu yếu phẩm khác để hỗ trợ bà con Quảng Nam đang sinh sống, lao động, học tập tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh gặp khó khăn, ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

MỚI - NÓNG