Cảnh báo nguy cơ vùng đất chết

Khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Ảnh: P.V.
Khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Ảnh: P.V.
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam Vũ Trọng Hồng, (nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT), cho rằng, còn nhiều vấn đề về môi trường, sau khi mỏ sắt Thạch Khê chính thức hoạt động trở lại, hơn là vấn đề tài chính mà chủ đầu tư và Bộ Công Thương nêu ra.

Người ta cũng đang đặt vấn đề, phải chăng trong Bộ Công Thương có phần nào, nhóm nào muốn ủng hộ dự án?

+ Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến câu chuyện Bộ Công Thương ủng hộ chủ đầu tư khởi động lại dự án mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh trong khi Bộ KH&ĐT cùng nhiều chuyên gia cho rằng cần rất cẩn trọng do những vấn đề về môi trường. Là chuyên gia về thủy lợi và khai thác dự án, ông đánh giá thế nào về việc này?

Tôi đã từng có cuộc trao đổi với Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh về việc này. Điều Hà Tĩnh lo ngại không phải là về vấn đề đầu tư, số lao động không có công ăn việc làm, vấn đề di dân nếu như dự án không triển khai. Điều lo ngại nhất chính là sau khi dự án, mỏ mở ra rồi thì 6 xã của huyện Thạch Hà (Thạch Khê, Thạch Đỉnh, Thạch Hải, Thạch Bàn, Thạch Trị và Thạch Lạc), kể cả thành phố Hà Tĩnh liệu có chịu nổi những cơn bão cát, bụi bay về không. Đây là vấn đề Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh nhắc đến nhiều nhất. Hiện 6 xã này không còn đất ở đâu nữa mà di dời đi trong khi hố móng dự án rộng nhiều km2 và sâu tới 500m.

Tôi cũng từng cảnh báo, rủi ro của dự án này rất lớn. Thi công dự án đã là rủi ro vì triển khai ở vùng cát. Mà vùng cát, theo Luật Xây dựng, các dự án đều phải có biện pháp che chắn. Dự án rộng mấy trăm ha, làm sao che chắn được. Mà ở Hà Tĩnh, khi mùa cát thì dân ở đấy biết rõ nhất. Nhiều khi cơm không ăn được do cát bay hết vào nhà. Chỉ riêng việc cát bay và dân 6 xã kiến nghị cũng đủ khiến dự án phải dừng. Đây là rủi ro lớn khi thi công dự án.

Vấn đề thứ hai của dự án chính là đổ chất thải ra biển. Hiện Thủ tướng Chính phủ đang yêu cầu xem xét lại việc đổ chất nạo vét của dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 1 ở Bình Thuận mà nay lại cho đổ đất đá, chất khai mỏ xuống biển thì không được. Chưa kể khi đổ xuống biển sẽ lấp hết các luồng lạch, các đường nước. Khi đó cả vùng sẽ chết do tạo thành vùng nước lợ sau khi ngăn mặn, như trong Bến Tre từng gặp, khiến toàn bộ cây cối chết hết. Chưa kể khi kết thúc, dự án sẽ để lại hố móng sâu tới 500m, rộng hàng trăm ha với nhiều loại chất độc như đá axit, chất nổ mìn....Đây sẽ là tai họa cho người dân ở xung quanh.

Điều đáng quan tâm nhất chính là việc dự án thi công kéo dài tới 50 năm mà theo kinh nghiệm của tôi, không thể thi công liên tục được. Với đặc thù của Việt Nam có nhiều bão lũ, tốc độ thi công dự án không thể đảm bảo liên tục suốt 365 ngày. Như với ngành thủy lợi, công trình thi công giỏi thì cũng phải kéo dài thời gian tới 30%. Duy nhất có công trình thủy điện Trị An là nhờ có Liên Xô giúp mới đảm bảo tiến độ đề ra.

Tôi cũng từng kiến nghị Công ty Cổ phần sắt Thạch Khê, nếu muốn thi công dự án thì nên dùng phương pháp đào ngầm nhưng chủ đầu tư không đồng ý do muốn đào, khai thác lộ thiên để ô tô, xe máy có thể huy động vận chuyển dễ dàng hơn. Phương án này cũng cho phép mở nhiều ô cùng lúc để cùng khai thác thay vì đào từng đoạn. Nhiều đô thị trên thế giới đã dùng phương pháp này. Ngay ở TPHCM hiện cũng áp dụng cho dự án metro. Tuy nhiên, phương án đào ngầm sẽ khiến tốn tấm bê tông chắn vách đào.

Theo tính toán của tôi, với phương pháp đào ngầm, có thể giảm tới hơn 600 triệu m3 đất đá phải đổ ra biển so với phương pháp khai thác lộ thiên. Cùng đó sẽ không có nguy cơ gây bão cát, không để lại những hố móng sâu do có thể lấp luôn. Còn với phương án lộ thiên, đã bóc móng thì không thể lấp lại được nữa.

Cảnh báo nguy cơ vùng đất chết ảnh 1 Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam Vũ Trọng Hồng, (nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT).

Đầu ra của dự án: Nhiều băn khoăn

+ Nhưng ở khía cạnh tài chính và vấn đề hiệu quả, Bộ Công Thương và chủ đầu tư cho rằng dự án theo tính toán hoàn toàn khả khi và có thể mang lại lợi nhuận?

Dự án này do Công ty Cổ phần sắt Thạch Khê thực hiện và nhiều người đánh giá, trong đó có cả tôi, là không đủ năng lực thực hiện.

Chưa kể, sợ nhất là sau khi mỏ được cho triển khai, sau khi mở móng một thời gian, công ty lại đành phải bỏ vì không đủ nguồn lực để thực hiện tiếp trong khi người dân kêu, kiện nhiều, không đủ nguồn lực để đền bù. Hãy tưởng tượng, một công trường rộng hàng trăm ha, bạt nào che phủ được. Hiện mỏ sắt Thạch Khê chưa trình Bộ Xây dựng phương án che phủ, đảm bảo môi trường theo Luật Xây dựng. Công ty sắt Thạch Khê thì cho rằng không cần trình phương án nhưng theo Hội mỏ nhận định, đã mở hố móng là phải theo Luật Xây dựng. Đây là những vấn đề rủi ro cần nhìn nhận kỹ lưỡng hơn là nhìn ở khía cạnh lợi nhuận.

Điều chưa ai hỏi tới nữa là liệu Công ty Cổ phần sắt Thạch Khê có đủ vốn để duy trì trong 50 năm theo đuổi suốt đời dự án này khi đã có rất nhiều cảnh báo đã được đưa ra? Sợ nhất là khi cả tỷ đô la ném vào mà sau đó lại không thấy hiệu quả đâu. Chưa kể những lớp lãnh đạo sau này, khi thấy dự án không hiệu quả, ai sẽ chịu trách nhiệm. Vốn cho dự án không phải của Nhà nước mà của một tập đoàn. Vậy ai sẽ nhận dự án sau khi các lớp lãnh đạo hiện nay của công ty, tập đoàn này đã nghỉ hưu, thậm chí chết rồi? Theo tôi cần có một văn bản cam kết chịu trách nhiệm và vốn bảo lãnh cho dự án về lâu dài. Đây là việc cần phải làm.

+ Nhưng khi báo chí nêu vấn đề thì Bộ Công Thương mới đây vẫn nói là dự án hoàn toàn khả thi đấy thôi?

Bộ Công Thương nói như vậy thì hãy để cho công ty nước ngoài đánh giá. Người ta đã đánh giá rồi. Bộ Công Thương không phải là doanh nghiệp. Anh nói như vậy không được. Bây giờ phải là doanh nghiệp đứng ra nói thẩm định của họ có khả thi không. Ngay tại cuộc tọa đàm do Liên hiệp các tổ chức khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức mới đây với đủ thành phần các bên, không một ai nói dự án khả thi cả. Họ toàn nói là cần phải lưu ý do ai sống được thêm 50 năm nữa mà đảm bảo công trình này an toàn?

Việt Nam chưa có công trình nào xây dựng khai thác lâu đến thế. Tất cả các công trình khai thác vàng, sắt sau khi khai thác một thời gian sẽ đóng lại, khi có điều kiện, kỹ thuật phát triển hơn thì mới mở thêm. Mỏ vàng Bồng Miêu, các mỏ apatit người ta làm từng bước trong khi sắt Thạch Khê làm luôn một mạch 52 năm. Một nguyên thứ trưởng Bộ Công Thương cũng từng có cảnh báo rủi ro với dự án sắt Thạch Khê khi khai thác quy mô lớn ngay sát biển. Chưa kể chất thải khai thác mỏ đổ ra biển sẽ gây vấn đề về môi trường.

+ Chủ đầu tư và TKV (Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam) đang lo ngại dừng dự án sẽ ảnh hưởng đến quy hoạch của tỉnh, mất việc làm cũng như mất vốn lên tới gần 2.000 tỷ đồng đã ném vào dự án. Ông đánh giá thế nào?

Tôi đã vào thực tế dự án và nhận thấy, dường như họ mới chú ý nhiều đến việc tạo công ăn việc làm cũng như những vấn đề liên quan đến sức ép từ cổ đông khi triển khai dự án. Nhưng cần phải phân biệt trong trường hợp này. Cổ đông là lợi ích nhóm chứ không phải là cổ đông nhà nước hay chủ trương của nhà nước.

Ở đây cũng cần làm rõ, với dự án này, vốn TKV góp vào là tiền vay ngân hàng hay vốn tự có của doanh nghiệp? Đây là thời điểm các tập đoàn, tổng công ty đang phải thực hiện rút vốn đầu tư ngoài ngành, tập trung vào lĩnh vực chính vậy rót tiếp có hợp lý? Chưa kể về vấn đề công ăn việc làm cho người lao động, tỉnh Hà Tĩnh nói sẽ giải quyết được.

Giải quyết đầu ra của dự án cũng là vấn đề cần cân nhắc. Formosa ở ngay Vũng Áng gần như vậy sao họ không đặt mua quặng của dự án cho gần. Các khu luyện thép lớn của Việt Nam có ai đặt mua quặng của Thạch Khê? Hòa Phát mới chỉ cam kết mua với số lượng nhỏ chứ chưa quyết định ký hợp đồng. Họ chưa thử nghiệm sao dám ký hợp đồng mua? Chẳng qua quặng có vấn đề về chất lượng. Vậy quặng khai thác xong, bán cho ai? Sau lại bán sang Trung Quốc?

Tại nhiều cuộc họp về dự án này, các ngân hàng đều chưa lên tiếng, mới chỉ có Bộ KH&ĐT cảnh báo. Còn Bộ Công Thương ủng hộ dự án cũng dễ hiểu vì TKV là thuộc bộ này quản lý. Người ta cũng đang đặt vấn đề, phải chăng trong Bộ Công Thương có phần nào, nhóm nào muốn ủng hộ dự án và đặt câu hỏi sân sau của Bộ Công Thương tại dự án là ai.

Cảm ơn ông

“Hội Khoa học Công nghệ mỏ và Công ty tư vấn CBM đều không nói công trình có tính khả thi hay không. Một quy hoạch công trình mà không có cảnh báo tính khả thi, theo tôi, thì còn làm ăn gì nữa. Nếu gửi cho Thủ tướng Chính phủ chắc chắn dự án sẽ dừng. Tôi đã đọc rất kỹ mấy trăm trang của họ, không có một dòng nào nói dự án này khả thi cả”,

Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam Vũ Trọng Hồng

MỚI - NÓNG