Cảnh báo nguy cơ xảy ra sự cố gây mất điện diện rộng

Cảnh báo nguy cơ xảy ra sự cố gây mất điện diện rộng
TP - Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các sự cố làm mất điện diện rộng tại Hải Phòng và các tỉnh lân cận liên quan đến đường dây 220kV từ Phả Lại-Hải Phòng-Quảng Ninh với tổng chiều dài gần 200km.

> Nghiêm trọng và khó gỡ
> Đảm bảo truyền tải điện trong mùa mưa bão

Thiệt hại tiền tỷ

Thời gian gần đây, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN-NPT) phải gánh chịu nhiều hậu quả từ những sự cố gây phóng điện, đứt dây điện tuyến 220kV Phả Lại-Hải Phòng-Quảng Ninh gây thiệt hại nghiêm trọng đến kinh tế, xã hội.

Dẫn PV Tiền Phong đi khảo sát thực tế các điểm nóng thường xuyên đối mặt với nguy cơ dẫn đến sự cố, ông Đỗ Hồng Thành, cán bộ kỹ thuật an toàn của Truyền tải điện Hải Phòng (thuộc Công ty Truyền tải điện 1-PTC1) cho biết, gần đây liên tiếp xảy ra các sự cố gây mất điện diện rộng.

Điển hình như ngày 20/8/2013, khi đang lưu thông trên sông Kinh Môn, đoạn km 14+500, thuộc xã Kim Lương (Kim Thành, Hải Dương), tàu Vinashine Inco 09 đã vi phạm khoảng cách an toàn, chạm vào đường dây 220kV Phả Lại - Hải Phòng 2, gây phóng điện khiến phải ngừng truyền tải khoảng 12 giờ để khắc phục sự cố.

Theo quan sát của PV Tiền Phong, mặc dù đoạn km 14+500 trên sông Kinh Môn đã được ngành truyền tải đặt biển báo an toàn cả hai phía thượng và hạ lưu nhưng các tàu đi qua khu vực này vẫn vi phạm.

Theo ông Thành, riêng với sự cố này, ngành truyền tải đã mất gần 200 triệu đồng để khắc phục. Đó là chưa kể thiệt hại hàng tỷ đồng do giảm công suất truyền tải hàng triệu kWh đối với Hải Phòng và các tỉnh lân cận.

Trước đó, ngày 20/12/2012, tàu Phương Nam đi vào khu vực cấm, đã vi phạm khoảng cách an toàn và chạm vào dây dẫn gây sự cố đường dây 220kV Phả Lại - Hải Phòng 2. Thời gian mất điện kéo dài tới gần 2 ngày. Thiệt hại để khắc phục đường dây gần 420 triệu đồng, chưa tính thiệt hại do mất điện cũng lên tới hàng tỷ đồng.

Mới đây, ngày 16/1/2012, tàu chở khí của Công ty TNHH Bạch Đằng (thuộc Vinasin) bị chết máy phải thả neo khẩn cấp tại vị trí có đường cáp ngầm 220kV Đình Vũ, làm hư hỏng sợi cáp, gây sự cố 2 đường dây A2.1 và A2.2 Nhiệt điện Hải Phòng - Đình Vũ. Sau hơn 18 tháng ngành truyền tải mới khôi phục được 1 đường dây. Theo tính toán, sự cố này đã gây thiệt hại khôi phục đường cáp hơn 15 tỷ đồng. Ngoài ra chưa tính thiệt hại lớn về kinh tế và nguy cơ gây mất an ninh năng lượng do ngừng cung cấp điện kéo dài.

Rình rập nguy cơ xảy ra sự cố

Ngoài các sự cố đã xảy ra, trên tuyến 220kV Phả Lại-Hải Phòng-Quảng Ninh hiện đang rình rập nguy cơ xảy ra sự cố gây mất điện. Tại địa bàn xã Cao Nhân (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng), người dân đua nhau trồng cây trong phạm vi hành lan an toàn lưới điện cao thế để mong được nhà nước đền bù. Tình trạng này đã xảy ra từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Những cây cau, tràm, keo đang giai đoạn lớn, chọc thẳng lên đường dây 220kV. “Nếu lơ là, không thường xuyên đi chặt ngọn, sự cố gây phóng điện, chập điện có thể xảy ra bất kỳ lúc nào với tuyến đường dây 220kV này”, ông Thành cho biết.

Cũng theo ông Thành, nhức nhối nhất hiện nay là tình trạng người dân tại một số thôn của hai xã Chính Mỹ và Quảng Thanh (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) đua nhau thả diều vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao thế. Tại thời điểm ngày 29/10, khi PV Tiền Phong có mặt tại địa bàn hai xã này, hàng chục con diều sáo to từ 2,5-3,5m được người dân thả rợp trời.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Chớ, Trưởng thôn 9 xã Chính Mỹ (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) cho biết, việc thả diều là do truyền thống văn hóa địa phương. Trước đây, người dân chỉ thả diều theo mùa, thường khi có gió Đông (khoảng tháng 4, tháng 5) nhưng nay thả quanh năm. “Đã có nhiều trường hợp dây diều đứt gây phóng điện đường dây 220kV đi qua địa bàn. Khi bị phát hiện, chủ diều thường bỏ, không ra nhận nên rất khó quy trách nhiệm”, ông Chớ cho biết.

Lãnh đạo EVN-NPT cho biết, đã chỉ đạo PCT1 và Truyền tải điện Hải Phòng tăng cường tuần tra, kiểm soát đường dây. Đặc biệt, các dịp lễ, Tết, tung quân túc trực 24/24h để đảm bảo an toàn cho đường dây 220kV.

Về điểm nóng xã Cao Nhân, huyện Thủy Nguyên, ngành điện đang phối hợp với chính quyền thành phố Hải Phòng và UBND huyện Thủy Nguyên nghiên cứu phương án để xử lý việc người dân trồng cây lấn chiếm hành lang an toàn đường dây cao thế.

“Với việc thả diều, ngành điện cùng với chính quyền địa phương đã có thông báo đề nghị người dân thả diều tránh xa phạm vi hành lang lưới điện cao thế, còn việc cấm thả diều rất khó vì đó là văn hóa của người dân địa phương”, một lãnh đạo EVN-NPT nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG