Cảnh giác với hỏa hoạn dịp Tết

Cảnh giác với hỏa hoạn dịp Tết
TP - “TPHCM có trên 1,4 triệu căn nhà, hơn một triệu phòng trọ, sân bay, bến cảng, cao ốc, khu chế xuất, khu công nghiệp, không gian ngầm phát triển nhanh với đường hầm sông Sài Gòn, tầng hầm nhà hàng, khách sạn,… công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) hết sức phức tạp”.

Thiếu tướng Trần Triều Dương, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TPHCM cho biết như vậy.

Ông Dương nói: Năm 2014, theo cơ quan khí tượng thủy văn, mùa khô, nắng nóng kéo dài hơn 2013. Chủ động ứng phó nguy cơ cháy nổ, Sở CS PCCC đã tham mưu Bộ Công an, Thành ủy, UBND thành phố ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nâng cao năng lực PCCC, tầm nhìn đến năm 2020.

Từ 14 vụ cháy lớn trong năm 2013, chúng tôi xác định nguyên nhân, các sơ hở dẫn đến cháy lan, cháy lớn tham mưu UBND TPHCM ban hành chỉ thị tăng cường phòng chống cháy lan, cháy lớn, tăng cường PCCC, cứu hộ, cứu nạn trong dịp Tết và các ngày diễn ra hoạt động lễ, hội.

Thưa thiếu tướng, công tác PCCC trong dịp Tết Giáp Ngọ được triển khai như thế nào để đảm bảo an toàn cho người dân?

Trong quý 4, nguy cơ cháy nổ cao nhất bởi nhiều nơi chạy đua để hoàn thành kế hoạch, xem nhẹ an toàn PCCC. Cường độ làm việc, số lượng lao động tập trung cao nhất, hàng hóa, nguyên liệu, vật tư ngồn ngộn tại các kho xưởng và thường vi phạm các quy định về an toàn PCCC như không đảm bảo khoảng cách, chiều cao chứa hàng, lối đi... nguy cơ cháy nổ rất cao.

Từ tháng 12/2013, chúng tôi tăng cường trực ban, trực chiến, quản lý, hướng dẫn, kiểm tra nhằm sớm phát hiện, chấn chỉnh các vi phạm, kiên quyết đình chỉ, xử lý nghiêm những cơ sở không đảm bảo an toàn PCCC. Cán bộ chiến sỹ không được rời khỏi địa bàn TPHCM (trừ trường hợp đặc biệt, bất khả kháng).

Vừa qua, chúng tôi trang bị tàu chữa cháy trên sông, tuy sản xuất trong nước song hiệu quả hơn so với tàu ngoại nhập (trị giá hơn 3 triệu USD). Sở đưa vào ứng dụng nhiều công nghệ mới như số hóa. Máy hiển thị địa chỉ báo cháy, đường đi ngắn nhất, số trụ nước cứu hỏa trong khu vực, đơn vị nào ở gần nhất... Chúng tôi cho lắp camera tại nhiều khu vực, nhà cao tầng để sớm phát hiện các đám khói. Có nhiều vụ cháy, lực lượng PCCC phát hiện trước cả chủ nhà nên thiệt hại không đáng kể.

Hàng quán “bao vây” chung cư 18 tầng Rạch Miễu (quận Bình Thạnh), xe máy dựng tràn lan trên lối thoát hiểm cư dân. Ảnh: LT
Hàng quán “bao vây” chung cư 18 tầng Rạch Miễu (quận Bình Thạnh), xe máy dựng tràn lan trên lối thoát hiểm cư dân. Ảnh: LT .

TPHCM còn bao nhiêu khu vực có nguy cơ cháy cao?

Năm 2006, khi mới thành lập Sở CS PCCC, TPHCM có hơn 600 khu vực có nguy cơ cháy cao. Đến cuối năm 2013, chúng tôi đã chuyển hóa gần hết, chỉ còn 4 khu vực báo động đỏ, trong đó khu dân cư thuộc khu phố 4, (phường 17, quận Bình Thạnh) là khu quy hoạch “treo”. Đối với các cao ốc, chung cư, sau nhiều đợt kiểm tra, chấn chỉnh, hiện nay, công tác PCCC tại chỗ đã tốt hơn.

Theo thiếu tướng thì TPHCM có thể yên tâm về công tác PCCC, cứu hộ cứu nạn?

Yên tâm sao được. TPHCM đã diễn tập chữa cháy đường hầm sông Sài Gòn hai lần để hoàn thiện chiến thuật, kỹ thuật. Tuy nhiên, cái khó là chúng ta chỉ có bình xịt cá nhân, chưa có xe cứu hỏa cách ly. Khi xảy ra cháy, ô xy cạn kiệt, khí độc gia tăng, rất nguy hiểm cho các nạn nhân và lực lượng PCCC.

Tiêu chuẩn của nhiều nước trên thế giới là 1.000 dân, 100 cơ sở phải có một nhân viên PCCC. Thành phố của họ nhỏ hơn TPHCM nhưng có đến 129 trạm PCCC, xe chữa cháy có đường dành riêng. Họ có 3 hệ thống nước cứu hỏa còn TPHCM chỉ có một và lúc nào cũng thiếu áp lực, mỗi lần cháy phải gọi công ty cấp nước tăng áp lực nước.

Lực lượng cứu hộ cứu nạn mới chỉ lặn sông, ao, hồ. Vừa qua, chúng tôi cho anh em tập lặn biển, mới thấy gian nan vì trang bị chưa đồng bộ. Thay vì phải có thiết bị giảm áp, anh em lặn “chay”, rất nguy hiểm. Những người lặn biển ở Phan Thiết, Nha Trang liên lạc bằng bộ đàm, còn người nhái thì bằng cách... giật dây.

Bất cập nhất là TPHCM còn bảy quận huyện chưa có Phòng CS PCCC. Nhiều vụ, lực lượng PCCC gần nhất cũng phải chạy hơn 30 km, đến nơi thì đã bùng phát thành đám cháy lớn.

Trong dịp Tết, những nơi tập trung đông người như chợ, siêu thị, trung tâm thương mại… có đảm bảo an toàn?

Trung tâm thương mại, siêu thị chấp hành tương đối tốt các quy định an toàn PCCC nhưng hệ thống chợ đang tiềm ẩn nguy cơ rất cao như chợ vải Soái Kình Lâm, chợ hóa chất Kim Biên, thậm chí cả chợ Bến Thành... Những chợ này được xây lâu đời, trước khi có quy chuẩn về PCCC.

Những chợ được cải tạo, sửa chữa, công trình buộc phải tuân thủ các quy chuẩn PCCC còn đang hoạt động theo hiện trạng thì không thể yêu cầu đập bỏ xây mới do quy định bất hồi tố. Ngoài ra, các chung cư tái định cư ban đầu trang bị đầy đủ các phương tiện, thiết bị PCCC nhưng do công tác bảo trì, bảo dưỡng không tốt nên thiết bị, hệ thống xuống cấp. Có vi phạm cũng khó đình chỉ như cơ sở sản xuất kinh doanh. Ban điều hành chung cư là cư dân trong tòa nhà, đình chỉ hoạt động sẽ ảnh hưởng đến hàng nghìn cư dân trong tòa nhà.

Người dân cần làm gì để ứng phó với nguy cơ cháy nổ trong dịp Tết?

70-80% số vụ cháy là do chập điện. Người dân cần lắp thiết bị điện chất lượng, an toàn. Khi xảy ra cháy, cần hết sức bình tĩnh. Nguy cơ lớn nhất là hoảng loạn giẫm đạp lên nhau. Có những vụ cháy rất nhỏ nhưng gây thiệt hại lớn. Cách đây không lâu xảy ra một vụ cháy thiết bị điện nhỏ trên tầng hai, thay vì theo các lối thoát hiểm, mười mấy người nhảy từ trên cao xuống đất. Người dân cần nắm vững kỹ năng thoát hiểm như áp mặt sát xuống đất, dùng khăn ướt đắp lên mũi để hạn chế khí độc... Còn cháy là còn ô xy, có thể tranh thủ để duy trì sự sống. Nếu đứng lên thì phía trên là khí độc, CO2, nạn nhân sẽ bị chết ngạt.

Cám ơn thiếu tướng.

Theo Sở CS PCCC thành phố, năm 2013, TPHCM xảy ra 598 vụ cháy (trong đó có 10 vụ do mâu thuẫn cá nhân, tự đốt và đốt để tự tử), tăng 4 vụ so với năm 2012 làm 13 người chết, 24 người bị thương, gây thiệt hại hơn 80 tỷ đồng. Đối tượng xảy ra cháy nhiều nhất là nhà dân với 294/598 vụ.

Huy Thịnh

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG