Cảnh sát lo… 'loạn'

Cảnh sát lo… 'loạn'
TP - Trước việc Bộ GTVT bỏ quy định phạt xe không chính chủ và xe không nộp phí bảo trì đường bộ khỏi dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm giao thông, lãnh đạo Cục CSGT đường bộ, đường sắt (C67), Bộ Công an cho rằng, đây là một quyết định gây khó khăn cho lực lượng làm nhiệm vụ.

> Bộ GTVT nói gì về bỏ phạt xe không chính chủ?
> Bộ GTVT bất ngờ bỏ xử phạt xe không chính chủ, MBH rởm

Trao đổi với PV Tiền Phong chiều qua, Thiếu tướng, Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt (C67) cho rằng, trong các nội dung Ban soạn thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ không đưa vào trong lần điều chỉnh lần thứ 6, ông nhất trí với việc bỏ xử phạt người đội mũ bảo hiểm rởm.

“CSGT không có chức năng nhận biết mũ bảo hiểm thật, giả; do vậy ban soạn thảo bỏ quy định này là hoàn toàn đúng đắn”, ông Tuyên ủng hộ.

Tuy nhiên, nội dung xử phạt xe không chính chủ và xe không đóng phí bảo trì đường bộ được Ban soạn thảo loại khỏi dự thảo Nghị định thì Cục trưởng C67 không tán thành. Ông Tuyên cho rằng, Nhà nước ban hành chủ trương, chính sách và đầu tư trang bị, máy móc để lực lượng chức năng thi hành nhiệm vụ, bao nhiêu tiền của, công sức đã bỏ ra, giờ không xử lý thì để làm gì.

Trong khi đó, tình hình mua bán xe không sang tên đổi chủ đang diễn biến ngày một phức tạp, một xe thực tế có đến 4, 5 đời chủ. Khi chủ nhân gây tai nạn, hay truy tìm nguồn gốc xe gian làm sao mà xác minh được. Do vậy xe không sang tên đổi chủ theo quy định là phải phạt, không phạt sẽ loạn ngay.

Còn việc thu phí bảo trì đường bộ nếu đưa vào thông tư để lực lượng làm nhiệm vụ xử lý những xe chưa nộp thì sẽ nâng cao ý thức chấp hành của người dân, quỹ bảo trì đường bộ sẽ sớm phát huy được vai trò của mình.

Trung tá Nguyễn Đức Thịnh, Phòng CSGT, CATP Hà Nội cũng cho rằng, để công bằng cho những người chấp hành chủ trương Nhà nước với các trường hợp xe không sang tên đổi chủ và không đóng phí đường bộ phải xử phạt.

Tuy quy định về sang tên đổi chủ cho phương tiện đã được pháp luật quy định từ lâu, song thời gian qua số lượng chủ phương tiện, đặc biệt là xe máy chấp hành rất ít. Nếu không có chế tài cho nội dung này cũng như thu phí đường bộ thì chủ trương của Nhà nước rất khó đi vào cuộc sống.

Đại diện Chi cục QLTT Hà Nội cũng bày tỏ quan điểm đồng tình với đề xuất bỏ quy định xử phạt hành vi đội MBH không đạt chất lượng. Theo QLTT Hà Nội, việc tiến hành xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh MBH thời gian qua đã có sự tác động tích cực.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG