Cảnh tỉnh của số đông

Cảnh tỉnh của số đông
TP - Đứa cháu đích tôn tạt xăng thiêu một lúc 11 người thân thích trong dòng họ, trong đó có cả mẹ mình. Hai người đã chết, 3 người đang khó qua khỏi. Vợ mới sinh được hơn chục ngày không cho “quan hệ”, chồng liền vung gậy đánh ngất xỉu, rồi ném chết đứa con mới hơn chục ngày tuổi…

> Dùng xăng thiêu đốt 11 người trong họ

Kể không hết, và cũng không bao giờ muốn nhắc lại những thảm án đau lòng đang xảy ra từng ngày, từng giờ, mỗi khi giở trang báo hay lướt trên mạng.

Để ý thấy dạo này, ngay cả những tờ báo, trang mạng vốn “máu mê” chạy theo những vụ như thế này, có cảm giác đã bắt đầu thấy “ngán”, ít sùng sục khai thác hơn trước.

Cái gì cũng có ngưỡng của nó. Nhưng tội ác dường như không có điểm dừng, mà còn bạo liệt thêm bội phần. Không chỉ giữa người dưng với nhau, tội ác ngày càng cận huyết giữa người trong gia đình, cha mẹ, vợ chồng con cái.

Các chuyên gia xã hội học, các nhà tâm lý học dường như đã cạn chữ khi phân tích những gì đang diễn ra với tâm thế con người trong thời buổi hiện nay. Hết chữ, vì tất cả mọi nguyên nhân, mọi đề xuất, bài học, khuyên nhủ đều đã nói, và đã nói quá nhiều.

Xã hội cũng đã biết, biết quá đủ, thậm chí đã khá nhàm. Giáo dục luôn hô hào triết lý dạy làm người hơn dạy chữ. Gia đình, tổ dân phố khắp nơi treo bằng văn hóa. Các dòng họ lập hội hè, sưu tầm chức vị, công đức tổ tiên, in sách làm phim xiển dương dòng họ...

Nhưng cái ác vẫn đang đẩy đến tột cùng. Không chỉ với các nhà nghiên cứu đạo đức xã hội, mà cả báo chí cũng bắt đầu cạn chữ. Thật khó lý giải, cũng không thể lý giải những nguồn cơn của tội ác.

Quy về kinh tế sa sút, quản lý điều hành nhà nước, địa phương ban ngành kém cỏi, luật pháp lỏng lẻo … thì quá đơn giản, và cũng đã “nhàm”.

Kẻ ác trong xã hội luôn là số ít, so với đông đảo những người tốt, và nhiều hơn cả là những người bình thường, vô danh.

Mỗi người đều muốn tìm chút gió mát để thở, một niềm vui nhỏ nhoi cho đời sống chính mình một cách bình an, thậm chí an phận.

Đã đến lúc số đông ấy cần lên tiếng để bảo vệ chính mình. Bằng nhiều cách, trong đó thiết thực nhất là thông điệp đến xã hội bằng hành động. Một ý tưởng, một việc làm tốt đẹp cho chính mình và người khác dù nhỏ, mỗi ngày, từng ngày.

Như việc trên 5 ngàn nhân viên của một ngân hàng ở TP HCM góp mỗi người một ngày lương mua căn nhà che mưa che nắng cho chàng hiệp sĩ nghèo Minh Tiến không quản hiểm nghèo chuyên truy bắt cướp đường phố.

Năm ngàn nhân viên ấy xã hội không biết tên, biết mặt, nhưng họ đứng chung dưới một thông điệp lớn vì sự tốt đẹp cho con người. Rất cần những sự đông đảo ấy để trợ sức cho cái tốt, cảnh tỉnh tội ác, đẩy lùi dần bóng tối.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG