Cần thực sự cầu thị, tiếp thu

Cần thực sự cầu thị, tiếp thu
TPO - Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thắn góp ý về phần trả lời chất vấn sáng nay của Chánh án TAND tối cao Nguyễn Văn Hiện như vậy. Thậm chí, có ĐB bức xúc : "tôi đề nghị Quốc hội ra nghị quyết về vấn đề chất vấn Chánh án tòa án tối cao".
Cần thực sự cầu thị, tiếp thu ảnh 1
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Văn Hiện

Sáng nay (27/11), Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao (TAND TC) Nguyễn Văn Hiện đã đăng đàn trả lời những vấn đề liên quan đến công tác thi hành án, xét xử cũng như vấn đề yếu kém trong công tác chuẩn bị nhân sự của ngành tòa án.

Theo báo cáo của Chánh án Nguyễn Văn Hiện, năm 2006, ngành tòa án đã nhận và thụ lý tổng cộng 232.000 vụ án các loại, tăng 22.000 vụ so với năm 2005 và tăng 160.000 vụ so với năm 2002. Ngành tòa án đã giải quyết được 193.000 vụ án các loại.

Ông Hiện cũng thừa nhận hiện vẫn còn một số lượng  lớn vụ án có kết luận khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Số vụ án phải hủy, sửa hoặc số vụ án quá hạn tố tụng vẫn còn nhiều.

Theo Chánh án TAND tối cao Nguyễn Văn Hiện, do thiếu thẩm phán nên trong 4 năm qua, ngành tòa án đã phải "tạm vơ vét", tận dụng lực lượng đã có để bổ nhiệm cho đủ.

Cũng theo ông Hiện, hầu hết các nước trên thế giới cũng như Việt Nam đã đi đến kết luận, để đảm bảo chất lượng công tác xét xử, cần phải có 5 điều kiện sau: Người tiến hành tố tụng tốt; Hệ thống pháp luật tốt; Người tham gia tố tụng tốt; Hệ thống các cơ quan bổ trợ tư pháp tốt; và thực hiện tốt nguyên tắc độc lập tư pháp, đặc biệt trong công tác xét xử là phải độc lập xét xử.

“Thà thiếu còn hơn là vơ vét thẩm phán"

6 tỷ đồng cho ngành tòa án hội nhập ?

ĐB Nguyễn Ngọc Trân (An Giang) chất vấn : "Ngành tòa án đã chuẩn bị để hội nhập thế nào? Khi VN gia nhập WTO, xử lý thế nào những vụ án có yếu tố nước ngoài, những lĩnh vực nào được xác định ưu tiên khi hội nhập để không bị thiệt thòi?"

Ông Nguyễn Văn Hiện giải trình, hầu hết các cơ quan của ngành tư pháp đều đã chuẩn bị cho hội nhập từ nhiều năm nay, đặc biệt, ngành tòa án đã được nhà nước rót xuống 6 tỷ(ông Hiện nhấn mạnh đề nghị thì nhiều nhưng chỉ được giải quyết 6 tỉ).

ĐB Nguyễn Ngọc Trân cho rằng, ông muốn nói đến mức độ sẵn sàng cho hội nhập của ngành Tòa án đến đâu và đây là vấn đề nhân lực chứ không phải chuyện kinh phí. Ông khẳng định: "nếu Chánh án làm tốt thì chúng tôi sẵn sàng đề nghị QH cho được kinh phí đến 60 tỉ chứ không phải 6 tỷ".

Trước ý kiến của đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) rằng, không thống nhất biện pháp “vơ vét, tận dụng” lực lượng đã có để bổ nhiệm làm thẩm phán, điều này dễ dẫn đến những hiện tượng oan sai, Chánh án Nguyễn Văn Hiện đã phải đính chính:

“Đáng nhẽ phải nói là với tinh thần trách nhiệm của mình, với cố gắng của mình thì chúng tôi đã "tận dụng, động viên các anh em tìm các nguồn trong ngành tòa án nhân dân, kể cả những đồng chí dù có yếu kém một chút nhưng tình hình hiện đang thiếu nên vẫn động viên các đồng chí học hỏi, tu luyện thêm để rồi bổ nhiệm”.

Đai biểu Nguyễn Đình Lộc (TP.HCM), nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp, lên tiếng góp ý thêm về cách dùng từ của Chánh án TAND tối cao Nguyễn Văn Hiện:

“Lần đầu tôi được nghe phải có 5 yếu tố mới có một nền tư pháp tốt, nhất là yếu tố phải có bị cáo, bị can tốt! Qua giải trình của Chánh án, tôi nghĩ Chánh án chưa thấy rõ vai trò của giám đốc thẩm! Trước thực trạng dư luận báo chí nói được xét giám đốc thẩm như "mò kim đáy bể", tôi muốn hỏi rằng chánh án có xem xét giải quyết không? TAND tối cao đã phân loại và có giải pháp cụ thể như thế nào?

Ông Lộc cũng cho lo ngại về chất lượng thẩm phán các cấp hiện nay, ông cho rằng, “thà thiếu còn hơn là vơ vét thẩm phán". 

Trước những ý kiến đóng góp trên, ông Nguyễn Văn Hiện đã rút kinh nghiệm: “Lúc nãy tôi cũng đã giải trình rồi về chữ "vơ vét", nhưng vẫn xin tiếp thu thêm. Còn về vai trò giám đốc thẩm thì TAND tối cao trong tiến trình cải cách tư pháp sẽ không xét phúc thẩm nữa mà chỉ giải quyết giám đốc thẩm. Một năm có tới 232.000 vụ án và như vậy cũng có nghĩa là có gần 200.000 bản án được thi hành. Trong công tác xét xử có sai sót thì mới có giám đốc thẩm. Chính vì vậy tình trạng "mò kim đáy bể" thì cũng bình thường thôi”- Ông Nguyễn Văn Hiện giải thích.

Trả lời chưa đúng vấn đề câu hỏi đặt ra

Vào phút cuối phiên chất vấn, ĐB Nguyễn Văn Khá (Nam Định) đứng lên đề nghị :

"Phần trả lời chất vấn của Chánh án khiến đại biểu chúng tôi thấy khá bức xúc, và chắc nhân dân đang theo dõi truyền hình cũng vậy. Theo luật hoạt động giám sát thì việc trả lời chất vấn là một hoạt động giám sát, và Quốc hội có quyền ra nghị quyết về chất vấn.

Đây là vấn đề liên quan đến sinh mệnh chính trị của người dân. Do vậy, tôi đề nghị Quốc hội ra nghị quyết về vấn đề chất vấn Chánh án tòa án tối cao".

Đại biểu Nguyễn Văn Nhượng (Quảng Bình) truy vấn : Năm 2006 ngành tòa án đã thụ lý và giải quyết 193.974 vụ án, trong đó số án phải sửa tổng cộng khoảng 9.700 vụ. Vậy có bao nhiêu vụ án phải hủy và sửa có nguyên nhân từ thẩm phán. Các trường hợp này sẽ bị xử lý như thế nào? Trường hợp các bản án có sai lầm nghiêm trọng không được phát hiện kịp thời mà hết thời hạn giám đốc thẩm xử lý thì giải quyết thế nào?

Chánh án Nguyễn Văn Hiện cũng thừa nhận tình trạng số án phải hủy, sửa vẫn còn nhiều. Nguyên nhân các vụ án phải sửa, hủy nói trên chủ yếu là do chủ quan. “Tùy theo mức độ chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý. Các trường hợp sai này sẽ bị tính vào tiêu chuẩn thi đua và chúng tôi cũng xem xét có bổ nhiệm lại thẩm phán hay không ”- Ông Hiện giải trình.

Trước câu hỏi liệu có hay không việc mức án của các bản án thường được duyệt án, ấn định trước và đối với những vụ án đã hết thời gian giám đốc thẩm, nhưng người dân vẫn kêu oan và không được giải quyết thì trách nhiệm của Chánh án đến đâu?

Ông Hiện khẳng định Chánh án TAND Tối cao, kể cả Hội đồng thẩm phán nhân dân tối cao, chưa bao giờ có công văn, chỉ thị các lãnh đạo các tòa án nhân dân địa phương phải duyệt án! “Nếu các đồng chí tìm được văn bản nào do tôi ký, cấp phó của tôi ký hay do Hội đồng thẩm phán ký thì đưa tôi, tôi sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm. Ở đâu cho mức án, tội danh trước là làm sai”- Ông Hiện tuyên bố.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Xinh (Bà Rịa –Vũng Tàu) tiếp tục nêu câu hỏi về việc số lượng án phải sửa là hơn 9000 vụ như báo cáo có đúng bản chất hiện nay và có thống kê nào cho thấy đâu là vụ án phải sửa, hủy do năng lực thẩm phán yếu hoặc đâu là án oan do chạy án ?

 “Với tồn tại của án sửa, hủy, nguyên nhân chủ quan thiếu sót thuộc về các cán bộ tòa án. Chúng tôi cũng đã nhận trách nhiệm về mình. Hiện chúng tôi chưa có biện pháp gì mới, nếu đại biểu có biện pháp gì tốt hơn thì đề nghị đại biểu góp ý để chúng tôi tiếp thu”- Ông Hiện nói.

Ông Hiện cũng cho biết, cần căn cứ vào báo cáo tổng hợp về các vụ án oan sai thì mới biết đâu là sai do năng lực, đâu là chạy án. “Năm qua chúng tôi đã không bổ nhiệm lại hơn 10 thẩm phán do để xảy ra nhiều án sửa, án hủy. Một số trường hợp khác còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Không đồng ý với cách trả lời của Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Hiện, đại biểu Lê Văn Cuông  đề nghị cần phải nói rõ có bao nhiêu vụ do nguyên nhân chủ quan, xử lý thế nào cũng như số lượng người bị xử lý? Ông cũng đặt vấn đề: Với hơn 9.000 vụ án oan sai phải sửa mà chỉ có hơn 10 thẩm phán bị xử lý thì có ít không và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan xét xử cao nhất đến đâu?

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Xinh cũng nhận xét, Chánh án Nguyễn Văn Hiện đã né tránh trả lời trực tiếp về vấn đề chạy án. “Tôi cần Chánh án giải thích rõ hơn về ranh giới của oan sai do năng lực của thẩm phán hay là do chạy án? Có phải việc đổ thừa do năng lực của thẩm phán yếu là nhẹ tội nhất có phải hay không?”- Đại biểu Xinh nhấn mạnh.

Tiếp tục truy vấn về năng lực của các thẩm phán trong những vụ án oan sai, đại biểu Trần Văn Kiệt (Vĩnh Long) đặt câu hỏi: Trong số khoảng 12.000 vụ án sửa cần phân loại ra: Án sửa và hủy do năng lực thẩm phán thì bao nhiêu. Những trường hợp án sửa và hủy do quyền lực vô hình làm thay đổi cán cân là bao nhiêu?

Ông Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Hiện chỉ trả lời chung chung rằng, hiện chưa có báo cáo chính thức về án sửa và hủy do năng lực thẩm phán và do tiêu cực là bao nhiêu. Lý do thì nhiều nhưng chủ yếu là do năng lực của thấm phán yếu kém.

“Chúng tôi sẽ tiến hành xử lý tiêu cực khi thấy dấu hiệu sai phạm. Án sửa và hủy do tiêu cực là điều không ai muốn. Là thủ lĩnh của một lĩnh vực thì cũng mong muốn người dưới quyền của mình giỏi nhưng với thực tế về số lượng, chất lượng của điều tra viên, kiểm soát viên và thẩm phán như đã nêu thì không phải lúc nào cũng đã ở mức tốt nhất. Nếu chúng ta không có sự chuẩn bị tốt thì sản phẩm chắc chắn không thể nào tốt được”- Chánh án Nguyễn Văn Hiện phân trần.

Trước thái độ không đồng tình của nhiều đại biểu trong phần trả lời chất vấn của mình, ông Nguyễn Văn Hiện thanh minh trước nghị trường rằng: “Cái tốt trên đời không ai không tiếp thu. Về cơ bản ý kiến của các đại biểu chúng tôi đã trả lời, còn các ý kiến thêm thì có gì hay chúng tôi sẽ nghiên cứu, tiếp thu”.

Trong phần tổng kết phiên chất vấn người đứng đầu ngành Tòa án, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng với quyền chủ tọa của mình đã phải nhấn mạnh và lưu ý với ông Hiện rằng : Cần cố gắng bình tĩnh, thực sự cầu thị tiếp thu. Qua cách trả lời của Chánh án còn nhiều đại biểu Quốc hội chưa hài lòng, trả lời chưa đúng vấn đề câu hỏi đặt ra.

“Trong quá trình xét xử cần cố gắng hạn chế tối đa án oan sai ở cả hai cấp, tránh để lọt tội phạm. Khi phát hiện án oan sai thì cần có biện pháp tối đa hạn chế tránh để dân bị thiệt, bị lọt tội phạm. Phải tổng kết thực tiễn xem mình đã làm được những gì, những gì chưa làm được. Phải chú ý bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tòa án các cấp, nhất là năng lực và phẩm chất của cán bộ tòa án các cấp. Khi cán bộ có sai phạm thì phải nghiêm khắc xử lý. Tiêu cực trong ngành tòa án là không thể chấp nhận được”- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Phạm Tuyên ghi

MỚI - NÓNG