Cấp bách tái cấu trúc tập đoàn nhà nước

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh Ảnh: Hồng Vĩnh
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Hôm qua, thảo luận Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, một số ĐBQH lo lắng trước việc làm ăn thua lỗ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Do vậy, đây là khu vực cần ưu tiên tái cơ cấu và dừng thành lập mới tập đoàn.

> Việt Nam ở đâu trên bản đồ kinh tế thế giới?

Bóng dáng kinh tế bao cấp

ĐB Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hòa) đặt câu hỏi, trong đề án tái cơ cấu (TCC), doanh nghiệp nhà nước (DNNN) còn đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân hay không?

Đề án lần này xác định ra 4 nhóm DN, nhưng ông Tuân cho rằng, “vẫn nhìn thấy bóng dáng của kinh tế bao cấp, yếu tố thị trường chưa được mở ra” , DNNN vẫn được nuông chiều.

“Đọc đề án, chúng tôi rất phân vân, đã là kinh tế thị trường theo định hướng XHCN thì yếu tố thị trường của DNNN phải được bình đẳng như là các loại hình DN khác. Thiếu sót vừa qua do bản thân các DNNN còn ỷ lại. Nếu chúng ta không sử dụng tốt, không phát huy vai trò của chủ DNNN thì vốn nhà nước sẽ mất nhiều”, ông Tuân nói.

ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cho rằng, thực tế đổ vỡ và sai phạm của một số tập đoàn cho thấy, thể chế pháp lý cho tập đoàn kinh tế nhà nước đang có nhiều bất cập.

Thể chế đó có thể tạo ra khả năng sai phạm, thất thoát tài sản nhà nước không chỉ riêng ở các đơn vị đã đổ vỡ, hoặc đã được thanh tra.

Theo bà Nga, tất cả 12 tập đoàn đều đang trong giai đoạn thí điểm, về nguyên tắc thí điểm thì có thể thành công hoặc thất bại, nên phạm vi thí điểm nên hẹp.

Nếu khẳng định thành công mới triển khai trên diện rộng, nhưng ngay từ đầu chúng ta đã thí điểm trên phạm vi rất rộng, tập trung vào lĩnh vực trọng yếu, xương sống của nền kinh tế.

Từ năm 2005 đến 2007 liên tiếp 8 tập đoàn được thành lập. Giai đoạn 2009-2010, khi Vinashin bắt đầu đổ vỡ, chưa có tổng kết thí điểm chúng ta lại tiếp tục lập thêm 4 tập đoàn mới.

Hiện nay, hành lang pháp lý riêng cho tập đoàn khá sơ sài, về cơ bản chưa được điều chỉnh ở tầm luật, chưa đảm bảo cơ sở pháp lý một cách đầy đủ cho hoạt động của tập đoàn.

Ngoài ra, còn có sự chồng chéo chức năng, chưa tách bạch triệt để chức năng chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước.

Điều này dễ dẫn đến tình trạng chồng chéo, thiếu minh bạch, tạo ra sự thiếu công bằng trong hoạch định chính sách giữa các loại hình DN, lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực có vị thế độc quyền, có lợi thế trong khai thác tài nguyên. Đây chính là lỗ hổng pháp lý có thể tạo ra khả năng chi phối chính sách và lợi ích nhóm.

Đề nghị dừng ngay việc thành lập mới tập đoàn

Theo ĐB Lê Thị Nga, đang có sự phân tán và kém hiệu quả trong thực hiện quyền chủ sở hữu giám sát đầu tư và quản lý nhà nước chuyên ngành.

Hiến pháp và Luật Tổ chức Chính phủ quy định rõ về thẩm quyền của Chính phủ, Bộ trong đại diện chủ sở hữu và quản lý nhà nước đối với DN. Tuy nhiên, khi Chính phủ cụ thể hóa đối với tập đoàn thì lại tỏ ra rất phân tán, kém hiệu quả, đặc biệt sự phân công trách nhiệm giữa các chủ thể chưa hợp lý.

Điều này lý giải vì sao những vụ việc sai phạm kéo dài vừa qua được phát hiện rất muộn, khi phát hiện thì hậu quả đã rất nặng nề và rất khó quy trách nhiệm. “Nghiên cứu kỹ phát biểu của các Bộ trưởng GTVT, KH&ĐT, Tài chính, khi chất vấn về Vinashin thì thấy rất rõ điều này.

Không thể nói thể chế pháp lý về tập đoàn kinh tế nhà nước là thành công khi có thất thoát lớn xảy ra mà Bộ quản lý chuyên ngành viện dẫn văn bản để không phải chịu trách nhiệm.

Việc để thua lỗ hàng ngàn tỷ ở EVN cho đến nay câu trả lời về trách nhiệm cũng đang bỏ lửng. TCC thể chế phải đặc biệt lưu ý đến vấn đề này”, bà Nga nói.

Bà Nga đề nghị Chính phủ tạm dừng ngay việc thành lập mới tập đoàn kinh tế nhà nước, kiểm kê lại vốn, tài sản nhà nước tại tất cả tập đoàn xem còn bao nhiêu, lỗ và thất thoát bao nhiêu, phương án xử lý, làm rõ trách nhiệm cá nhân và báo cáo QH.

QH cần đặt các tập đoàn kinh tế nhà nước dưới sự giám sát đặc biệt, đôn đốc Chính phủ thực hiện nghiêm các yêu cầu sau giám sát, tăng cường sử dụng công cụ kiểm toán để nâng cao hiệu quả giám sát và đưa dự án Luật Kinh doanh vốn nhà nước vào chương trình xây dựng luật, pháp luật năm 2013.

ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) đề nghị tổng kết thí điểm thành lập các tập đoàn kinh tế nhà nước. Qua đó, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tổ chức, mô hình hoạt động, đặc biệt là tái cấu trúc quản trị DN.

Ông Vở cũng đề nghị Chính phủ giao bộ, ngành liên quan tại kỳ họp này giải trình, làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước liên quan sai phạm về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước của Tập đoàn Dầu khí, Tổng Cty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Cần chọn ngành nghề, công nghệ ưu tiên

ĐB Nguyễn Đắc Vinh (Đắk Nông) cho rằng, để thực thi thành công Đề án TCC, bên cạnh xác định mục tiêu, cần làm rõ nếu không khai thác tài nguyên, không sử dụng lao động rẻ thì kinh tế Việt Nam sẽ phát triển những ngành nào với công nghệ, nguồn nhân lực nào để có sự hiện diện mới trong bản đồ kinh tế, công nghiệp thế giới.

ĐB Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, trong lựa chọn công nghệ, nếu nóng vội đặt các mục tiêu quá xa vời hay lựa chọn những ngành công nghệ quá hiện đại, trong bối cảnh này rất có thể chặn đường TCC nền kinh tế và sẽ vấp phải những rào chắn khó vượt.

Do vậy, cần định dạng nền kinh tế Việt Nam dựa trên lộ trình lựa chọn ngành nghề ưu tiên, phù hợp năng lực và khả năng hiện tại cũng như xu hướng phát triển để tránh bất ổn và rủi ro trong quá trình thực hiện.

Đề xuất cổ phần hóa hết các DNNN trong 5 năm tới

Trao đổi với PV Tiền Phong bên lề QH, ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) cho rằng, trong tái cơ cấu DNNN, cần lấy cổ phần hóa (CPH) là khâu đột phá.

Mạnh dạn tiến hành CPH, thậm chí CPH hết các DNNN trong 5 năm tới. Với các DN cần nhà nước giữ vai trò chủ đạo thì nhà nước giữ tỷ lệ trên 65%, thậm chí trên 75%.

Với kinh tế vùng cần đột phá, lựa chọn cho thí điểm xây dựng một số trung tâm đặc khu kinh tế với các ưu tiên, ưu đãi đầu tư, thuế để có thể cạnh tranh với khu vực và thế giới.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG