CẬP NHẬT: Bão số 1 tăng cấp độ, chuyển hướng vào Hải Phòng

Bão số 1 đã thay đổi cấp độ, hướng đi. Nguồn: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương.
Bão số 1 đã thay đổi cấp độ, hướng đi. Nguồn: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương.
TPO - Bão số 1 đã thay đổi đường đi lẫn cấp độ so với nhận định. Theo đó, cơn bão dịch chuyển xuống phía Nam và dự kiến đổ bộ Hải Phòng vào trưa nay. Tuy nhiên, đáng lo ngại nhất là gió sau bão sẽ “quật” rất mạnh vào các vùng từ Nam Định đến Quảng Ninh.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai sáng nay (24/6), ông Vũ Anh Tuấn, Trưởng phòng Dự báo khí tượng hạn ngắn (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương) cho biết, bão số 1 đã thay đổi rất nhiều so với nhận định ban đầu.

Trước đó, đài dự báo Việt Nam dự kiến cơn bão này đổ bộ vào Lôi Châu (Trung Quốc). Tuy nhiên, sau đó 2 ngày, bão đi lệch về phía tây, điểm đổ bộ, thậm chí khu vực đổ bộ mở rộng.

Theo ông Tuấn, khi bão vào vịnh Bắc bộ, do đây vùng biển ấm, nông, có nhiều yếu tố tương tác vào cơn bão. Sau khi vượt qua phía bắc đảo Bạch Long Vỹ, bão di chuyển rất chậm, thậm chí có lúc đứng yên

Tuy nhiên, sáng nay bão đã ổn định và dịch chuyển với tốc độ 5-7 km/giờ. Sáng nay, hoàn lưu của bão đã ảnh hưởng đến ven bờ từ Quảng Ninh đến Nam Định, gió mạnh cấp 6-7; các đảo Cô Tô cấp 10, ở Bạch Long Vỹ giật cấp 12.

Đến 9h hôm nay, tâm bão đang trên biển, cách bờ biển Hải Phòng – Thái Bình khoảng 50 km về phía đông nam. “Với tốc độ khoảng 5-7km/giờ, dự kiến nhanh nhất trưa nay bão sẽ đổ bộ vào đất liền, trọng tâm là Hải Phòng”- ông Tuấn nói.

Khi bão đổ bộ, gió có thể đạt cấp 8-9, giật cấp 10-11. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, đáng lo ngại nhất là sau khi bão vào bờ khoảng 1 đến 2 tiếng, gió sau bão chuyển hướng nhanh và giật mạnh. "Người dân không thể chủ quan, nghĩ bão vào bờ là trên biển hết bão, sản xuất bình thường", ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cho biết thêm, gió sau bão có thể đạt cấp 9-10, giật cấp 12-13 trên biển, cấp 11 trên đất liền. Gió mạnh có thể kéo dài đến hết đêm, sẽ quét từ Nam Định kéo dài lên phía Nam.

Ngoài ra, cơn bão số 1 sẽ gây một lượng mưa rất lớn ở miền Bắc và Bắc Trung bộ, kéo dài từ đêm 23 đến hết ngày 25/6.  Nguy cơ cao xuất hiện lũ ống, lũ quét và sạt lở đất ở các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang và khu vực Thanh Hóa đến Hà Tĩnh.

Theo Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Quảng Ninh đã cấm biển từ 10 giờ ngày 23/6; Hải Phòng cấm biển từ 7 giờ ngày 23/6, Thái Bình từ ngày 22 giờ ngày 23/6.

Tỉnh Quảng Ninh đã lập các đoàn công tác đến các địa bàn ven biển đôn đốc đối phó với bão, yêu cầu các lồng bè thủy sản phải lên bờ trước 17 giờ ngày 23/6. Đến 18h hôm qua, một số hộ chậm trễ đã bị cưỡng chế lên bờ, trong đó có 25 người ở xã Bản Sen, huyện Vân Đồn và 6 hộ/24 người ở thị xã Hòn Gai.

Tại Hải Phòng, tính đến chiều qua, bộ đội Biên phòng đã phối hợp, giúp dân đưa 183 thuyền nan lên bờ, bố trí nơi ăn ở. Đồn biên phòng Cát Bà di dời sơ tán gần 1.200 người/gần 270 phương tiện khỏi vịnh Cát Bà, bến Béo để tránh bão.

Thông tin ban đầu cho biết, đêm qua, rạng sáng nay, tại âu tàu Bạch Long Vỹ, gió bão đã làm đứt neo, khiến 2 tàu bị chìm, 1 người bị thương.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó trưởng ban Thường trực về Phòng chống thiên tại Trung ương Hoàng Văn Thắng yêu cầu các địa phương nắm bắt diễn biến của bão, đặc biệt là gió, mưa sau bão để chủ động phòng chống. Ông Thắng lưu ý vùng mở rộng của bão là Thái Bình, Nam Định cần di dân ở các bãi nuôi ngao; cảnh báo nguy cơ sạt lở ở các vùng khô hạn lâu nay ở Bắc Trung bộ khi có mưa lớn.

MỚI - NÓNG