Cập nhật COVID-19: Hai ca mắc đầu tiên ở Quảng Ngãi sẽ được xuất viện vào ngày mai

Cập nhật COVID-19: Hai ca mắc đầu tiên ở Quảng Ngãi sẽ được xuất viện vào ngày mai
TPO - Trưa 11/8, ông Phạm Minh Đức - Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi xác nhận, ngày mai (12/8). Hai bệnh nhân mắc COVID-19 đầu tiên ở Quảng Ngãi gồm bệnh nhân 370, 419 sẽ được xuất viện sau 3 lần liên tiếp có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

Theo ông Đức, bệnh nhân 370 là nam, 29 tuổi, quốc tịch Serbia, chuyên gia của Tập đoàn Hòa Phát. Người này nhập cảnh từ Oman về sân bay Đà Nẵng vào ngày 9/7 và được cách ly tập trung tại khách sạn Harmonia (huyện Bình Sơn). Ngày 10/7, kết quả xét nghiệm bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. 

Bệnh nhân 419 (nam, 17 tuổi, trú tại phường Quảng Phú, TP. Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi), là bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng đầu tiên được phát hiện tại Quảng Ngãi (vào ngày 26/7).

Cập nhật COVID-19: Hai ca mắc đầu tiên ở Quảng Ngãi sẽ được xuất viện vào ngày mai ảnh 1
Bệnh nhân 370, 419 sẽ được xuất viện vào ngày mai (12/8), sau 3 lần liên tiếp có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2- ảnh PTQ

"Cả hai bệnh nhân này đã có 3 lần liên tiếp xét nghiệm cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Do đó, ngành Y tế địa phương quyết định cho 2 bệnh nhân xuất viện vào ngày mai và tiếp tục thực hiện nghiêm việc cách ly tại nhà thêm 14 ngày theo quy định", ông Đức cho biết.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi, ngoài bệnh nhân 370, 419, thời gian qua, ngành Y tế địa phương còn điều trị cho 4 ca mắc COVID-19 khác gồm bệnh nhân 590, 621, 786, 787.  Đặc biệt, kết quả xét nghiệm mới nhất cho thấy, cả 4 trường hợp đều âm tính lần 1 với SARS-CoV-2. 

Hiện sức khỏe của 4 bệnh nhân này đều rất ổn định và sẽ tiếp tục điều trị, tiến hành các xét nghiệm nếu có kết quả 3 lần âm tính liên tiếp thì sẽ hoàn thành thời gian điều trị và được công bố xuất viện.

Liên quan đến tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Toàn tỉnh có hơn 1.200 trường hợp cách ly tập trung. Trong đó có 1.057 người có sức khỏe bình thường, 168 người có triệu chứng sốt, ho, khó thở… Số người cách ly tại nhà là 9.833 người. Từ ngày 1/7 đến nay toàn tỉnh đã có hơn 17.607 người đi từ vùng dịch về và có khai báo y tế. (Nguyễn Ngọc)

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn: Quảng Trị có “cơ hội vàng” để dập dịch COVID-19 

Ngày 11/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cùng đoàn công tác đã đến tỉnh Quảng Trị kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Tại buổi làm việc, tỉnh Quảng Trị đã thông tin về 4 ca nhiễm SARS-CoV-2 gồm: bệnh nhân 749 là nữ, tên Hồ Thị H trú tại xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh; bệnh nhân số 750 là nam, tên Đinh Hữu L trú tại phường Đông Lễ, TP Đông Hà; bệnh nhân số 832 là nam, tên Hồ Văn H, trú tại thôn Ruộng, xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa; bệnh nhân số 833 là nữ, tên Hoàng Ái N, trú tại khu phố 2, phường Đông Giang, TP Đông Hà. Hiện đã thực hiện truy vết tổng cộng 135 trường hợp F1, 1212 trường hợp F2. Khi phát hiện 4 ca bệnh này, tỉnh Quảng Trị đã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch. Hiện toàn tỉnh có 14.451 người trở về từ TP Đà Nẵng. Quá trình sàng lọc, đã cách ly tập trung tổng cộng 483, cách ly tại nhà 1.663 người.

Giám đốc Sở Y tế Quảng Trị Đỗ Văn Hùng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh thông tin, hiện đơn vị đang nỗ lực, nhưng gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, địa phương đang sử dụng máy chiết tách thủ công, nên công suất nhỏ, chưa đáp ứng được tình hình giám sát và nhu cầu xét nghiệm; Chưa có phương tiện đảm bảo 2 buồng vận chuyển người cách ly, ca nghi ngờ và bệnh nhân COVID-19; Thiếu trang thiết bị phòng chống dịch nếu thời gian tới dịch bệnh diễn tiếp cấp độ cao hơn; Thiếu trang thiết bị phục vụ cho công tác điều trị COVID-19... “Chúng tôi cần nhận được sự hỗ trợ để có thể làm tốt nhiệm vụ phòng dịch”, ông Hùng đề xuất.

PGS.TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương nói, Quảng Trị có 4 người nhiễm bệnh song may mắn vì tìm được nguồn lây bệnh, có thể khoanh vùng và có cơ hội vàng để xử lý triệt để. Khác với Đà Nẵng, Quảng Trị còn cơ hội, vì vậy phải tận dụng cơ hội này và không được mất. Đặc biệt, Quảng Trị cần phải truy lại F1, để đảm bảo không bị sót. Bên cạnh đó, cần lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ những người có triệu chứng đau họng, sốt...

Ngoài 2 nhiệm vụ cần nhanh chóng triển khai ở trên, PGS.TS Trần Như Dương nói rằng qua kiểm tra, chợ và các hàng quán ở TP Đông Hà vẫn còn đông người, nên cần tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức, chấp hành đúng chỉ thị giãn cách xã hội và địa phương mới ban hành.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng, số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại tỉnh Quảng Trị chưa lớn, có thể truy vết được, và địa phương đã làm tốt việc này. Thứ trưởng Sơn nhận định, hiện khả năng đáp ứng của hệ thống giám sát điều tra dịch tễ, xét nghiệm, điều trị tại Quảng Trị có những khó khăn nhất định.

“Trước mắt, cần thực hiện theo chỉ thị giãn cách xã hội đã ban hành, bên cạnh đó công tác điều tra dịch tễ trong cộng đồng cần chú trọng. Thứ trưởng đưa ra khuyến cáo, cần phải xét nghiệm ngay các trường hợp có dấu hiệu nhiễm COVID-19, khoét sâu hơn để phát hiện các trường hợp này. Còn những kiến nghị của địa phương, Bộ Y tế sẽ hỗ trợ tập huấn nâng cao năng lực, hỗ trợ một số trang thiết bị mà địa phương đề xuất...”, Thứ trưởng Sơn nói. (Hữu Thành)

Lâm Đồng quy định mỗi bệnh nhân chỉ 1 người thăm nuôi

Để bảo đảm an toàn cho cán bộ y tế và các bệnh nhân, nhất là bệnh nhân nặng; tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện, ngành y tế Lâm Đồng quy định hạn chế người thăm nuôi bệnh, quy định mỗi bệnh nhân chỉ có 1 người thăm nuôi.   

Sáng 11/8, Sở Y tế Lâm Đồng cho biết đã yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, cơ sở vật chất, vật tư, trang thiết bị đảm bảo cho việc thu dung, điều trị các trường hợp mắc bệnh. Rà soát, siết chặt việc phòng chống dịch, không để xảy ra ổ dịch tại các cơ sở y tế.

Tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống lây nhiễm cho cán bộ y tế, người bệnh và người nhà người bệnh tại các cơ sở điều trị; có biện pháp bảo đảm an toàn cho các bệnh nhân, nhất là bệnh nhân nặng tại các bệnh viện; hạn chế người thăm nuôi bệnh, quy định mỗi bệnh nhân chỉ có 1 người thăm nuôi.  

Lâm Đồng đã khởi động, kích hoạt hệ thống phòng chống dịch tại các địa phương, chuẩn bị sẵn sàng mọi phương án đáp ứng các tình huống dịch bệnh, không để bị động; trang bị phòng hộ đầy đủ cho nhân viên y tế trực tiếp phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn tốt nhất cho đội ngũ nhân viên y tế.

Tỉnh cũng tập trung thông tin về việc hạn chế tập trung đông người, khuyến khích và hướng dẫn khai báo y tế tự nguyện, sử dụng ứng dụng Bluezone, phát hiện sớm và thông báo cho chính quyền về các trường hợp nghi mắc bệnh hoặc đi về từ vùng có dịch; khuyến cáo người dân giữ vệ sinh, đeo khẩu trang nơi công cộng và trên các phương tiện giao thông công cộng… (Kim Anh)

280 người hết thời gian cách ly ở Đắk Lắk

Sáng 11/8, ông Trịnh Quang Trí, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đắk Lắk cho biết, từ chiều hôm qua (10/8) và ngày hôm nay ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk trao 280 giấy chứng nhận hết thời gian cách ly đang cách ly tập trung tại Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Nguyên (phường Tân Hòa, TP Buôn Ma Thuột).

Theo ông Trí, các trường hợp trên đã hết thời gian cách ly tập trung và đã cho kết quả xét nghiệm âm tính lần 2 với SARS-CoV-2. Trong số 280 trường hợp nêu trên, có 13 trường hợp đã hết thời gian cách ly, đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận hết thời gian cách ly nhưng chưa thể trở về nhà vì khu vực họ ở đang nằm trong diện bị phong tỏa.

Dự kiến, đến ngày 16/8, sau khi hết lệnh phong tỏa, những trường hợp này mới được trở về nhà. Đối với những trường hợp còn lại được cấp giấy chứng nhận sẽ được về và tự cách ly tại nhà.

Hiện nay Đắk Lắk có 3 ca nhiễm COVID-19, gồm các ca bệnh: BN448, BN601 và BN602, hơn 12.000 người được ly, theo dõi tại nhà và ở các trung tâm.

MỚI - NÓNG