Cắt vô tư

Cắt điện vô tội vạ vì… độc quyền!

Cắt điện vô tội vạ vì… độc quyền!
TPO - Tiến sĩ Võ Trí Thành, Trưởng ban Nghiên cứu chính sách hội nhập kinh tế, Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư thẳng thắn khẳng định việc cắt điện tự do không thông báo trước là hành động coi thường người tiêu dùng và thể hiện rõ sự độc quyền.

Triền miên cắt điện, điện cứ thiếu là cắt, khi cần là cắt thẳng thừng và quy định thông báo trước cho khách hàng bị nhẹ nhàng bỏ qua. Điệp khúc đến hẹn lại lên “thiếu điện là cắt” đã được ngành điện áp dụng triệt để hết tháng này qua tháng khác từ đầu năm 2008 với đủ lý do.

Trước tình trạng này, Cục điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) đã đề nghị có “biện pháp khiển trách và kỷ luật thích đáng” đối với các trường hợp vi phạm.

Cắt vô tư

Thực trạng điều hành cung ứng điện không có quy củ, việc sa thải phụ tải, cắt điện không báo trước dường như đã trở thành căn bệnh cố hữu của ngành điện và điều này được chỉ rõ trong báo cáo mới nhất của tổ công tác liên ngành do Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương tiến hành giám sát tình hình cung cấp điện và điều độ hệ thống điện quốc gia trong 7 tháng đầu năm của ngành điện.

Trong báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương, ông Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng Cục điều tiết điện lực cho biết, có 4/11 Cty điện lực bị cắt giảm trên 20% công suất yêu cầu trong đó Cty điện lực 3 bị cắt giảm tới gần 25% nhu cầu công suất thực tế. Công tác kiểm tra cho thấy việc cắt giảm điện khẩn cấp đã thực hiện đối với điện sinh hoạt dân dụng và cả sản xuất.

Tại nhiều Cty, việc cắt giảm điện đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là đối với đời sống sinh hoạt của nhân dân. Việc cắt giảm điện sinh hoạt dân dụng trên diện rộng với thời gian lên đến 12 tiếng và liên tục trong nhiều ngày đã xảy ra tại nhiều địa phương, đặc biệt tại khu vực nông thôn (như khu vực các huyện Định Quán, Tân Phú, Xuân Lộc của Đồng Nai, Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu).

Đáng chú ý, một số khu công nghiệp như Hố Nai, Song Mây (Đồng Nai) hoặc các khách hàng quan trọng như Nhà máy nước Sân Bay (Đà Nẵng) cũng bị cắt điện khoảng 11 giờ gây mất nước trên phạm vi rộng tại thành phố vào ngày 17/7/2008. Cũng do cắt điện, nhiều doanh nghiệp không đảm bảo được đơn hàng theo hợp đồng đã ký, hoặc bị hỏng sản phẩm do cắt điện khi dây chuyền sản xuất đang hoạt động.

Nói về việc bị cắt điện không được báo trước, ông Lê Mạnh Hoàn, Phó Tổng giám đốc kinh doanh của Cty Thép Đình Vũ cũng phải “kêu trời” tại cuộc họp mới đây của Hiệp hội Thép Việt Nam. Theo đó Cty đã phải chịu thiệt hại không nhỏ do mỗi lần cắt điện đột ngột là toàn bộ nhà máy phải rất lâu mới khởi động và chạy lại được. Đó là chưa tính đến những thiệt hại về việc sản xuất, các chi phí xăng dầu và cả nguyên liệu khác.

Cắt vô tội vạ do kế hoạch điều độ không chuẩn

Điều đáng nói, cùng với việc cắt điện không báo trước, còn một điều khó có thể chấp nhận là có nhiều Cty điện lực thực hiện cắt giảm theo kế hoạch chưa nghiêm túc dẫn tới tình trạng mất cân bằng cung-cầu điện và ảnh hưởng tới an ninh hệ thống điện. Cùng với đó EVN cũng không kiểm tra giám sát chặt chẽ việc thực hiện công suất phân bổ và công suất giảm phụ tải điện của các Cty điện lực.

Theo Cục Điều tiết điện lực, tình trạng của hệ thống điện quốc gia hiện nay là cung cấp điện không đáp ứng đủ nhu cầu điện. Tổng công suất khả dụng của hệ thống vào tháng 5, 6 ở mức 12.500 MW. Đến đầu tháng 7 chỉ còn ở mức 10.000 – 11.000 MW trong khi nhu cầu phụ tải có thể đạt 13.500 MW vào những ngày nắng nóng và mức bình quân là 12.500 MW. Vì vậy việc cắt giảm phụ tải điện thực hiện ở cả 11 Cty điện lực từ tháng 3/2008 nhưng đặc biệt nghiêm trọng từ nửa cuối tháng 6 trở lại đây khi mức điện năng thiếu hụt toàn hệ thống bình quân 20 – 30 triệu kwh/ngày.

Số liệu cho thấy từ tháng 5 trở lại đây, trừ Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh, 10 công ty điện lực còn lại đều có những ngày sử dụng điện vượt công suất phân bổ từ 5% trở lên. Đặc biệt, Cty Điện lực Ninh Bình hầu như ngày nào cũng sử dụng công suất vượt quá 12-25% mức công suất được phân bổ, thậm chí có ngày vượt tới 37%.

Cty Điện lực Hải Dương, từ 1/5 đến 22/7, có tới 51/83 ngày sử dụng công suất vượt quá 5% mức được phân bổ. Cá biệt có 2 ngày sử dụng điện vượt trên 50% công suất phân bổ. Các Cty khác như điện lực Đà Nẵng, Cty điện lực 2, Cty điện lực 3 cũng đều không sử dụng đúng công suất của hệ thống đã phân bổ.

“Trong nhiều ngày các Cty Điện lực 1, 2 và Cty Điện lực Khánh Hòa có mức công suất sử dụng thấp hơn so với mức được phân bổ. Tình trạng này dẫn đến có những nơi không đủ điện dùng. Số lần cắt điện ở từng nơi vì thế cũng mỗi nơi một nẻo. Từ tháng 1 đến 25/7/2008, ở Cty Điện lực 1 có số lần cắt điện do điều độ là 136 lần, cắt do sa thải tự động là 94 lần.

Nhưng ở Cty Điện lực 2, số lần cắt do điều độ lại lên tới 288 lần và số lần cắt điện do sa thải tự động là 106. Trong khi số lần cắt điện do lệnh điều độ ở Cty Điện lực Hải Dương chỉ là 92 lần, cắt do sa thải tự động là 141 lần, thì ở Cty Điện lực Đồng Nai, số lệnh cắt điện lên tới 420 lần và số lần cắt điện tự động lên tới 627 lần…”- Cục Điều tiết điện lực cho biết.

Trước những vấn đề được nêu trong việc cung ứng và điều tiết nguồn điện được phát hiện, tổ kiểm tra liên ngành đã đề nghị với lãnh đạo Bộ Công Thương, có “biện pháp khiển trách và kỷ luật thích đáng” đối với các trường hợp vi phạm phương thức vận hành hệ thống điện như thực hiện vượt quá công suất phân bổ, cắt điện không báo trước cho khách hàng gây thiệt hại cho sản xuất.

TS Võ Trí Thành: Coi thường người tiêu dùng

Tiến sĩ Võ Trí Thành, Trưởng ban Nghiên cứu chính sách hội nhập kinh tế, Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư thẳng thắn khẳng định việc cắt điện tự do không thông báo trước trong khi đó lãnh đạo ngành điện thiếu sự giải thích rõ ràng là hành động coi thường người tiêu dùng, sử dụng điện và thể hiện rõ sự độc quyền của mình. Liên hệ sự tùy tiện trong việc cắt điện không cần báo trước với việc EVN là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc phát triển điện năng của đất nước nhưng khi gặp khó thì lại xin trả lại, dự án xây nhà máy phát điện theo ông Thành cần có sự cải cách triệt để trong việc chống độc quyền của ngành điện cũng như cần mở rộng sự tham gia của các thành phần khác trong việc phát triển điện năng cho đất nước.

TS Lê Đăng Doanh: Cần có luật kiểm soát độc quyền

Chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh cũng khẳng định chính vì độc quyền nên cần có điều tra độc lập, đối thoại công khai giữa ngành điện và người dân. Hiện ngành điện có cơ quan điều tiết điện nhưng cả nước chưa có cơ quan quản lý độc quyền vì vậy hiệu lực của cơ quan điều tiết điện, hiện cũng nằm trong Bộ Công Thương, chưa được như mong muốn. Nếu làm theo các nước thì phải có luật kiểm soát độc quyền. Với luật đó thì Ủy ban giám sát về vấn đề này sẽ có quyền giám sát những việc tương tự như thế này và như vậy người dân mới bớt khổ.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG