Cắt giảm đầu tư để tăng lương

Cắt giảm đầu tư để tăng lương
TP - Hôm qua, báo cáo tại QH, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ dự kiến dành 20.700 tỷ đồng để tăng lương ở mức 100 nghìn đồng/người/tháng cho 8 triệu người, áp dụng từ 1-7-2013. Để có nguồn tăng lương thì phải cắt giảm 10.000 tỷ đồng đầu tư công.

> Chính phủ 'thắt lưng buộc bụng' để tăng lương

Từ 1-7-2013 tăng lương tối thiểu

Bộ trưởng Vương Đình Huệ bày tỏ, vấn đề tăng lương theo lộ trình không chỉ là mong muốn của người hưởng lương, trong đó có cá nhân ông mà còn là mối quan tâm hàng đầu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu Quốc hội (QH).

Tuy nhiên, để có thể đảm bảo tăng lương theo lộ trình từ 1-5-2013 theo mức dự kiến ban đầu (lương tối thiểu tăng từ 1,05 triệu lên 1,3 triệu đồng- PV) thì cần tới 60- 65 nghìn tỷ đồng. Điều này vượt quá khả năng cân đối ngân sách năm 2013.

Trước tình hình đó, Chính phủ đã báo cáo QH căn cứ tình hình thu ngân sách thực tế các tháng cuối năm 2012 và đầu năm 2013, tháng 5- 2013 mới báo cáo QH để thực hiện một phần mức tiền lương tối thiểu chung hoặc bố trí tăng lương cho cán bộ nghỉ hưu, người có công, trợ cấp khó khăn cho cán bộ công chức có hệ số tiền lương thấp.

Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến đại biểu QH, đáp ứng với nguyện vọng của người hưởng lương, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo trình QH xem xét quyết định phương án tăng lương ngay khi xem xét quyết định dự toán ngân sách năm 2013 tại kỳ họp này.

Cụ thể, tăng mức tiền lương tối thiểu chung cho cán bộ công chức, viên chức, cán bộ nghỉ hưu, người có công (khoảng 8 triệu người) ở mức 100.000đồng/người/tháng, áp dụng từ ngày 1-7-2013.

Đồng nghĩa, mức lương tối thiểu chung sẽ tăng từ 1,05 triệu hiện nay lên 1,15 triệu đồng. Tổng số kinh phí để tăng lương khoảng 20.700 tỷ đồng (khoảng 1 tỷ USD).

Trong đó, ngân sách trung ương phải lo 18.400 tỷ và ngân sách địa phương lo 3.300 tỷ đồng.

Ông Huệ cho biết, do tất cả các khoản dự toán thu nội địa, xuất nhập khẩu, sử dụng đất, dầu thô năm 2013 đã ở mức rất cao và có độ rủi ro lớn, nên không thể tăng thêm các khoản dự toán thu.

Như vậy, để có nguồn tăng lương bắt buộc phải cơ cấu lại các khoản chi ngân sách nhà nước và triệt để tiết kiệm các khoản chi. Do đó, trình QH xem xét quyết định giảm tổng mức đầu tư công khoảng 10.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đề nghị QH cho phép phát hành thêm trái phiếu Chính phủ năm 2013. Chính phủ sẽ tiết kiệm chi ngân sách Trung ương 10% được khoảng 1.600 tỷ đồng; giảm bớt chi hoàn thuế giá trị gia tăng.

“Đấy là phương án tích cực và khả thi nhất có thể tính đến. Chính phủ cố gắng kiểm soát lạm phát ở mức 7 - 8%/năm để đảm bảo tăng thu nhập thực tế cho cán bộ công chức và người lao động, người hưởng lương”-
Bộ trưởng Vương Đình Huệ nói.

Nhiều ĐBQH đồng tình với việc cần thực hiện lộ trình tăng lương cho người hưởng lương. Đối tượng này đang gặp nhiều khó khăn do lạm phát cao trong thời gian qua.

Tuy nhiên, một số ĐB cho rằng cần cân nhắc, bởi ngân sách năm 2013 không thể cân đối do sụt giảm thu. “Vì vậy, đề nghị tăng lương đối với người nghỉ hưu, người có công và hỗ trợ đối với người hưởng lương thấp” - ĐB Bùi Đức Thụ (Lai Châu) kiến nghị.

Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) cho rằng, nếu quyết tâm tăng lương thì khó giải trình với xã hội. Vì trong lúc xã hội khó khăn chung, việc tăng lương mới chỉ tập trung cho một bộ phận mà thôi.

“Việc tăng lương trước mắt nên hướng đến đối tượng hưởng trợ cấp, người có công, người có thu nhập thấp” – ĐB Tâm phát biểu.

Để có nguồn tăng lương, các ĐB hiến kế nên cắt giảm chi thường xuyên chứ không nên cắt giảm chi đầu tư, phát triển. “Nên cắt những khoản chi chưa cần thiết như lễ hội, mua sắm ô tô…” – ĐB Thụ đề xuất.

Còn theo ĐB Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh), cần giữ lộ trình tăng lương tối thiểu hoặc tăng một phần theo lộ trình, vì sẽ góp phần kích thích sản xuất, tiêu dùng.

Siết kỷ luật ngân sách

Một số ĐB phê kỷ luật ngân sách chưa nghiêm, còn thất thoát, lãng phí lớn. ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) kiến nghị siết chặt kỷ luật tài chính nghiêm khắc hơn nữa, nhất là chi vượt dự toán trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ bản.

Tiết kiệm chi tiêu, chống tham nhũng, thất thu cần đề cập rõ hơn trong năm 2013.

Nhắc đến cảng Vân Phong, ĐB Hùng cho rằng đây là ví dụ về lãng phí chiến lược: Vốn đầu tư đã tăng từ 3 nghìn tỷ ban đầu lên 6 nghìn tỷ lúc khởi công, nay dự kiến sẽ tăng trên 10 nghìn tỷ đồng.

ĐB Trần Quang Chiểu (Nam Định) đề nghị thu ngân sách cần tập trung ngay một số vấn đề là chống nợ đọng thuế, chống chuyển giá, gửi giá, đặc biệt là chống thất thoát, tham nhũng trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, gian lận thương mại, buôn lậu xăng dầu.

Một số ĐB cho rằng, cần tăng chi cho đầu tư, giảm tối đa chi cho hành chính-sự nghiệp không cần thiết. ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) lưu ý việc phát hành trái phiếu, vì có thể ảnh hưởng nợ công, tăng bội chi.

“Chi đầu tư phát triển phải rà soát, nên tập trung đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất như giao thông, thủy lợi; khắc phục bệnh hoành tráng trong đầu tư” – ĐB Tâm nói.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đề cập việc có hàng triệu tỷ đồng đang nằm ứ trong bất động sản. Chính phủ nên có biện pháp tháo gỡ, kêu gọi sáng kiến, để khơi thông thị trường và tạo ra nguồn thu từ đây cho ngân sách. Nhưng cần tránh việc tăng thu từ thuế, phí gây sốc cho người dân, khiến DN thêm khó khăn.

Phát biểu tại Hội trường, Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho rằng, tình hình thực hiện các dự án đầu tư có bất cập.

Thậm chí các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) cũng có nhiều bất cập “Chương trình MTQG tôi thấy chưa hiệu quả. Đề nghị các bộ xem xét toàn bộ cách làm, phải có sự chuẩn bị tốt, nếu không hiệu quả sẽ không cao” –
ông Vinh nói.

Một trong những bất cập được Bộ trưởng chỉ rõ, trong đầu tư cho Chương trình MTQG việc bố trí vốn chưa hợp lý - đó là chi đầu tư cho sự nghiệp còn quá lớn, trong khi đầu tư cho phát triển chưa tương xứng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG