“Cát tặc” đục khoét sông Lam

“Cát tặc” đục khoét sông Lam
Những cánh đồng mênh mông, những bãi bồi, những ngôi nhà dọc theo sông Lam (Nghệ An) đang dần dần chìm theo con sóng. Nước sông Lam cũng không còn trong như xưa nữa...

Ngủ qua một đêm, sáng tỉnh dậy hàng ngàn mét vuông  đất dọc ven sông Lam lại không cánh mà bay. Tình trạng lở đất đã đến mức báo động. Chúng tôi đã đến những công trường, những xuồng máy khai thác cát sỏi để tìm câu trả lời.

Đến công trường khai thác cát ở cầu Bến Thủy, công trường sau chợ Vinh hay ngược lên công trường ở bến Sa Nam (Nam Đàn) ta có thể bắt gặp hàng trăm chiếc xuồng lớn nhỏ, khoang bụng đầy cát sỏi đậu kín cả mặt sông. Tiếng động cơ máy nổ, máy 10 - 15 CV, băng chuyền gầm rú inh tai nhức óc.

Trong dịp hè 2005, trên sông Lam (đoạn sông chảy qua thị trấn Dùng - huyện Thanh Chương) xảy ra vụ tai nạn đau lòng làm 4 học sinh chết đuối. Bờ sông Lam đoạn qua hai xã Bồi Sơn - Tràng Sơn (huyện Đô Lương) bị sạt lở nghiêm trọng, nhiều hộ nông dân mất đất sản xuất. Sông lấn làng đe dọa Quốc lộ 15 và tiềm ẩn một nguy cơ đối với đường điện cao thế 110KV bên cạnh. Nguyên nhân: Do nạn khai thác cát bừa bãi làm sông bị bẻ cong dòng chảy khi nước  lớn đổ về.

Chúng hoạt động 24/24 giờ không ngừng nghỉ. Xe ủi, xe tải, xe công nông lên xuống bến tấp nập. Cứ một chuyến xe tới lại một chuyến xuồng ghé bến chuyển cát lên. Chẳng hiểu cát sỏi ở đâu tuồn về nhiều thế.

Một chủ công trường cho biết: “Cát được thu từ rất nhiều nguồn, ở các huyện thượng nguồn sông Lam như Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn... Khi khan hiếm, thuyền xuồng từ Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) cũng ghé vào đổ cát.

Sông Lam ngày xưa nước chảy hiền hòa, những con lạch, bãi bồi, bãi nổi, ụ cát nhiều vô kể. Nhưng từ lâu, hễ ụ cát nào nổi lên lại có vài chiếc xuồng ghé tới, vòi rồng rúc xuống chẳng mấy chốc ụ cát nổi biến mất để lại rất nhiều hố sâu.

Giờ đây nước sông Lam đục ngầu, cuốn sùng sục sủi bọt. Dọc theo lưu vực sông nhiều đoạn dài chỉ còn trơ lại vách đất dựng đứng, nước thọc sâu vào. Cả dãy bãi dài ở bãi Chín Nam, bãi Rú Hà, bãi Bù, bị nước sông ngoạm vào, hoa màu bị cuốn xuống sông theo đất lở. Thậm chí ở cầu Nam Đàn, những chiếc xuồng bâu cả vào mố cầu để hút cát.

Chính quyền các địa phương cũng đau đầu bởi vấn nạn “cát tặc”. Họ có lý do của mình, ngăn chặn việc khai thác cát trái phép là điều quả thật khó. Chính quyền không đủ lực lượng, phương tiện để ra sông kiểm tra, xử lý những chiếc xuồng vi phạm. Mặt khác lực lượng chức năng cũng không thể kiểm soát nổi. Rượt chỗ này, chúng lại nhổ neo sang chỗ khác vì bọn “cát tặc” được liệt vào nhóm nghề... lưu động.

Theo thống kê chưa đầy đủ, trên toàn địa bàn tỉnh Nghệ An có hàng trăm công trường, bến kinh doanh cát sỏi xây dựng. Chỉ riêng thành phố Vinh có tới 20 bến, Nam Đàn 2 bến, Thanh Chương 2 bến... Một nghịch lý đang diễn ra: diện tích đất hoa màu ngày ngày “đổ xuống sông xuống biển” song song với nó, công trường, thuyền bè khai thác cát sỏi lại đang tăng lên vùn vụt không thể kiểm soát.

Điều đáng lo ngại ở đây là hậu quả mà nó để lại không hề nhỏ. Khu vực hạ lưu Cửa Hội (Nghi Hải, Cửa Lò) sạt lở dài gần 12 km, đoạn thuộc xã Xuân Hội (Hà Tĩnh) bờ Bắc cũng mất đi gần 6 km. Chân cột điện cao thế 500 Kv ở Xuân Nam (Hà Tĩnh) cũng đang bị đe dọa bị xói lở.

Nghiêm trọng hơn, tại cầu đường sắt Yên Xuân, dòng chảy đã bị đổi hướng đang uy hiếp mố cầu và làm sạt lở bãi Chín Nam, Nam Đàn. Quốc lộ 15, đoạn qua Đô Lương, Tân Kỳ chỉ cách vị trí xói lở khoảng 35m. Cách đây vài tháng ở Thanh Giang, Thanh Chương, nước đã cuốn trôi một cây cầu khi mố cầu không trụ vững khi sạt lở, cuốn trôi theo 4 con bò của dân.

Không chỉ thiệt hại nặng  nề về vật chất, hiện tượng khai thác cát sỏi trái phép cũng đã cướp đi hàng chục mạng người. Chỉ trong 3 năm lại đây, trên các huyện Thanh Chương, Đô Lương, Nam Đàn, Anh Sơn, 12 em học sinh sinh viên đã bị nước cuốn trôi. Thuyền qua sông, tắm sông vô tình sa vào vòng xoáy từ những hố cát đã bị hút hay nhiều lúc chỉ ngồi trên bờ bị đất lở rơi xuống sông vùi cả xác.

Đã đến lúc phải rung lên hồi chuông báo động về tình trạng khai thác cát sỏi trái phép ở sông Lam. Các cơ quan chức năng cần tích cực vào cuộc. Đừng để xảy ra hậu quả nặng nề.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.