Câu chuyện Việt Nam tại Mỹ

Câu chuyện Việt Nam tại Mỹ
Chuyến đi của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đến Mỹ sẽ tạo ra một bước ngoặt mới trong quan hệ Việt - Mỹ. Ông sẽ là vị chủ tịch đầu tiên của nước VN thống nhất tới thăm chính thức Hoa Kỳ.

(THOMAS JANDL - nhà báo người Mỹ gốc Áo, đang làm luận án tiến sĩ tại American University ở Washington)

Câu chuyện Việt Nam tại Mỹ ảnh 1
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tiếp Tổng thống Hoa Kỳ George Bush tại Phủ chủ tịch trong dịp Hội nghị APEC tháng 11-2006 - Ảnh: Hồng Vĩnh.

Chủ tịch nước mang theo một đoàn doanh nghiệp đông đảo và tất nhiên thương mại sẽ là động lực chính của chuyến thăm này. Có một thực tế đầy tính biểu tượng là ông sẽ được chào đón ở Phố Wall trước, tiếp đó mới tới đại lộ Pennsylvania (nơi Nhà Trắng tọa lạc). Biểu tượng này, tất nhiên, sâu sắc hơn nhiều lần việc phản ánh ít ỏi về nền kinh tế đang nở rộ của VN mà người Mỹ muốn tham dự phần nào vào đó.

VN, theo chiều dài lịch sử, luôn dành ưu tiên cao nhất cho độc lập và quyền tự quyết. Nước Mỹ, vì quá khứ của mình, luôn muốn phần còn lại của thế giới phải nhìn nhận mọi việc như cách người Mỹ nhìn nhận. Điều này có thể gây ra đôi chút khó chịu.

Có thể người Mỹ sẽ nói với các bạn, và với tất cả mọi người khác rằng chúng tôi không thích những luật lệ của các bạn, không thích hệ thống chính trị và cách mà các bạn điều tiết các mối quan hệ xã hội. Một vài người trong chúng tôi sẽ đi rất xa trong việc thể hiện điều này, nhưng đừng quên rằng sau tất cả mọi tranh luận và những bất đồng, nước Mỹ cuối cùng vẫn dành cho VN những điều chỉ có các bạn bè xưa cũ và các đồng minh thân cận được hưởng.

Chủ tịch Nguyễn Minh Triết sẽ được cộng đồng các nhà kinh doanh chào đón. Ông cũng sẽ nghe các chính trị gia và các nhà hoạt động ở Mỹ nói về những khác biệt giữa Mỹ với VN. Có một điều xin các bạn hiểu rằng những lời nói này hoàn toàn chân thành. Và chúng không chỉ nhằm vào mỗi VN. Người Mỹ vẫn thích rao giảng này nọ với tất cả mọi người.

Tôi nghĩ rằng vấn đề trong các cuộc tranh luận gần đây giữa VN và Mỹ là cả hai bên đã nghe, đã nói và hiểu theo xu hướng văn hóa của riêng mình. Nước Mỹ thì được biết rất rõ ở VN. Nhưng ngược lại, phần đông dân số Mỹ - trong đó có cả các nghị sĩ quốc hội - chỉ biết ít ỏi về đất nước VN. Và khi bất đồng về một vấn đề nào đó, chúng ta thường nhìn nhận sự việc theo con mắt của mình mà chưa thể nhìn nhận dựa trên sự khác biệt về văn hóa và lịch sử giữa chúng ta.

VN nay là một đối tác đáng tôn trọng trên trường chính trị, ngoại giao và thương mại. Giờ thì các bạn phải kể câu chuyện của mình theo cách mà người Mỹ chúng tôi có thể hiểu. Chủ tịch Nguyễn Minh Triết có cơ hội, bên cạnh các cuộc gặp gỡ xúc tiến thương mại vốn chiếm đầy lịch trình của ông, để kể câu chuyện về VN cho những người dân Mỹ bình thường.

Không nhiều người ở đất nước chúng tôi biết rằng VN từ một trong những nước nghèo nhất thế giới trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất chỉ trong vòng hai thập niên qua. VN đã giảm tỉ lệ đói nghèo từ 50% xuống còn 20% chỉ trong vài năm. Hoặc những người nông dân ở sông Mekong đã bán đất đai của họ để nuôi cá, nuôi tôm vì nước Mỹ hứa rằng người Mỹ sẽ mua chúng. Cũng ít người Mỹ biết rằng các sản phẩm Mỹ được biết tới ở VN như là những sản phẩm chất lượng cao. Hay là người VN, theo như các cuộc điều tra, là những con người hạnh phúc nhất ở châu Á. Trong khi người Mỹ cho rằng đất nước của họ đang đi sai đường, người VN lại luôn hướng tới tương lai tràn trề hi vọng.

Một trong những câu chuyện thú vị nhất là việc Bill Gates được đón tiếp rất nồng hậu khi ông tới thăm VN. Điều đó cho thấy giấc mơ của người Mỹ cũng chẳng khác nhiều với giấc mơ của người Việt. Một số chính trị gia và các nhà hoạt động của chúng tôi đã không thể hiểu rằng những ưu tiên của các bạn khác với chúng tôi, và rằng người Mỹ có thể giúp đỡ được nhiều bằng cách thông hiểu hơn là bằng việc đi giáo huấn.

Theo Cẩm Hà
Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG