Câu chuyện của người cứu hộ trở về từ cõi chết

Câu chuyện của người cứu hộ trở về từ cõi chết
Tìm gặp Thiếu tá Trần Bá Thường, người thoát chết trong gang tấc khi tàu cứu hộ bị lật ở xã Mai Hoá (Tuyên Hoá, Quảng Bình) để ghi lại những giây phút kinh hoàng mà anh đã trải qua.
Câu chuyện của người cứu hộ trở về từ cõi chết ảnh 1

Thiếu tá Trần Bá Thường trên giường cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Trạch (Quảng Bình). Ảnh: Vũ Hoàng

Lúc 2 giờ 30 phút ngày 08/8/2007 chiếc xuồng cứu hộ chở 12 chiến sĩ công an và bộ đội trên đường đi cứu người mắc lũ đã bị lật tại xã Châu Hóa. Thiếu tá Trần Bá Thường, một trong hai người bị mắc kẹt trong chiếc xuồng lật úp được cứu thoát sau hơn 6 giờ ngụp lặn với cái chết.

Mệnh lệnh cứu sự sống

20 giờ ngày 07/8/2007, tại trụ sở UBND xã Cảnh Hóa (Quảng Trạch) thiếu tá Hà Văn Công thuộc Đội Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - Công an huyện Quảng Trạch trực tiếp nhận lệnh của ông Từ Hồng Sơn (Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình): Thành lập một đội cứu hộ cấp tốc phối hợp với lực lượng bộ đội đi cứu người bị kẹt lũ ở xã Mai Hóa (Tuyên Hóa).

Thiếu tá Công đã trực tiếp chọn những chiến sĩ thông thuộc địa hình sông nước ở đây vào nhóm cứu hộ. Ngay lập tức, thiếu tá Trần Bá Thường cùng với ba đồng đội khác được điều động lên đường.

21h ngày 7/8, nhóm cứu hộ của thiếu tá Thường gồm 5 người do thiếu tá Hà Văn Công chỉ huy cùng với 7 chiến sĩ bộ đội xuất phát trên một chiếc xuồng cao tốc nhằm thẳng hướng xã Mai Hóa. Nhiệm vụ của 12 người là đưa người dân đang mắc lũ tại bưu điện Minh Cầm (xã Mai Hóa) đến nơi an toàn.

Anh Thường kể: "Lộ trình của chiếc xuống là thẳng tiến về xã Mai Hóa, nhưng khi ngang đến thôn Canh Châu (xã Cảnh Hóa) thì nghe người dân ở đây kêu cứu, anh em quyết định dừng lại để cứu bà con".

Sau nhiều giờ vật lộn với mưa, gió, màn đêm và cả sự nguy hiểm, anh cùng đồng đội đã sơ tán được hơn 45 người.

2h sáng ngày 8/8, nhận điện của chỉ huy, anh cùng đồng đội vượt sóng, gió lên với bà con ở Phong Hóa (Tuyên Hóa). Hơn 70 con người đang bị cơn lũ đe dọa tính mạng. Bưu điện xã Phong Hóa là đích đến. May mắn, khi các anh lên đến nơi, bà con đã được các đơn vị khác sơ tán đến nơi an toàn.

Tới 2h10’, các anh lại ngược ca nô trở về Mai Hóa và Tiến Hóa, nơi rất nhiều bà con trong vùng lũ đang mong ngóng các anh. Tính mạng của hàng trăm con người đang bị đe dọa, các anh lại lên đường.

Khi xuống đến Châu Hóa, chiếc ca nô chở đội ứng cứu bất ngờ gặp sự cố. “Chân vịt của ca nô vướng phải một sợi dây. Chiếc ca nô quay ngang lại, lắc lư dữ dội và bất ngờ lật úp. Sự việc diễn ra chỉ trong chớp mắt”.

9 chiến sĩ trên tàu bị hất tung lên không trung, rồi rơi xuống dòng nước lũ đang cuộn chảy phía dưới. Các anh may mắn vớ được chiếc tàu lật úp và được cứu sống sau đó.

Lúc 2h30’, chiếc ca nô bị lật úp nổi bồng bềnh trên sóng nước. Vẫn còn ba con người nữa chưa xuất hiện. Đó là lái tàu, thiếu tá Trần Bá Thường và trung úy quân y Phạm Hữu Huyên. Lái tàu nhanh chóng thoát ra ngoài. Bên trong tàu chỉ còn lại thiếu tá Trần Bá Thường và trung úy Phạm Hữu Huyên.

Câu chuyện của người cứu hộ trở về từ cõi chết ảnh 2 Câu chuyện của người cứu hộ trở về từ cõi chết ảnh 3

Nỗ lực của lực lượng cứu hộ trục vớt chiếc ca nô bị lật để tìm kiếm tung tích trung uý quân y Phạm Hữu Huyên, sáng 8/8/2007.

Những người may mắn sống sót trên chiếc ca nô bị lật lúc 2h sáng ngày 8/8 tại địa phận xã Mai Hoá (Tuyên Hoá, Quảng Bình). Ảnh: Hoàng Sang

Chết vì sự sống

Đến 3h sáng 8/8, ca nô vẫn tiếp tục bị dòng nước cuốn trôi. Màn đêm, sự sợ hãi, và dòng nước chảy xiết bao lấy hai anh. Anh Huyên la lớn: “Cứu! Cứu chúng tôi với!”.

Tiếng kêu cứu lọt thỏm giữa sóng nước và màn đêm đen đặc. “Khoảng hở giữa tôi và sàn tàu chỉ vừa đủ chóp mũi”. Sàn tàu của khoang lái ngăn cản các anh lặn xuống để tự cứu mình.

Trán anh Thường rách ngang rách dọc vì nỗ lực tìm đường thoát trong “hộp” nước đen đặc. Dòng nước càng chảy mạnh, anh liên tục ngụp lên lặn xuống tìm kiếm sự sống.

Sau gần hai giờ vật lộn với sóng gió trong vô vọng, trung úy Phạm Hữu Huyên ngất lịm đi. “Tôi quờ quạng trúng chân anh Huyên, lay chân anh nhưng không thấy phản ứng gì. Từ đó, tôi không biết thêm gì nữa về anh Huyên”.

Chân bám vào thành tàu, tay vẫy vùng trong nước, dầu máy tràn vào mắt, vào bụng anh. Như sự trêu ngươi của ông trời, cứ mỗi lần gặp xoáy nước, chiếc ca nô lại bị dập xuống, rồi lại nổi lên.

Trên thân tàu, các đồng đội của anh tích cực tìm phương cách để cứu sống hai anh. Thợ lặn đã sờ trúng chân anh, nhưng vô vọng. Con đường để thoát ra vẫn chưa mở.

“Đã có lúc tôi nghĩ đến việc dùng thắt lưng buộc mình vào thân tàu để khi chết đồng đội còn thấy xác tôi” - Anh Thường tâm sự. Anh trôi cùng chiếc xuồng về đến xã Văn Hóa (Tuyên Hóa). May mắn, ca nô mắc vào một bụi tre.

Từng tiếng đồng hồ trôi qua, từng tia hy vọng của đồng đội anh càng trở nên mong manh. Anh đã buông xuôi tất cả, cái chết đã xuất hiện trong đầu anh.

Anh nghĩ đến người vợ và hai đứa con thơ từ nay sẽ không còn chồng, không còn cha. Người mẹ già sẽ khóc hết nước mắt. Nhưng đó là “sự hy sinh cho nhân dân. Hy sinh cho đồng bào”.

Anh cố gắng một lần cuối cùng, một lần khi không còn hy vọng và sức lực để chiến đấu. 1 giây, 2 giây, rồi 10 giây trôi qua. Anh nổi lên mặt nước, nhìn thấy đồng đội đang đợi mình và ngất đi.

Chỉ chút nữa là Đội điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ mất đi một đồng đội, một người anh.

“Anh là một đội phó có trách nhiệm với ông việc, nhiệt tình, đối xử với anh em tình cảm, quan tâm. Anh rất được mọi người yêu mến”, trung úy Trương Việt Quảng, đồng đội của anh nói.

Giờ đây, anh đang ở trong vòng tay của gia đình, đồng đội. Còn Trung uý quân y Phạm Hữu Huyên bị tàu đè chìm giữa biển nước cùng anh, đến nay đang được liệt kê vào danh sách những người mất tích.

Theo VietNamNet

MỚI - NÓNG