Cầu, đường 14 năm xây dựng vẫn dang dở

Người dân phải bắc thang lên cây cầu đã gỉ sét vì không có đường dẫn.
Người dân phải bắc thang lên cây cầu đã gỉ sét vì không có đường dẫn.
TP - Người dân xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang đang hết sức khổ sở vì cầu, đường tại đây được xây dựng 14 năm vẫn chưa hoàn thành.

Chặt cây, hiến đất để… bỏ hoang

Tuyến đường nối liền lộ Ngã tư Đông Sơn - Bưng Cây Sắn đi qua địa bàn 2 xã Đông Phước và Phú Hữu dài 8 km, được khởi công xây dựng từ năm 2002. Đến năm 2004, dự án được phê duyệt triển khai đường giao thông trải nhựa, rộng 3,5m từ nguồn vốn ngân sách địa phương. Tuy nhiên, cho đến nay, dự án vẫn còn dang dở.

Nhiều hộ dân sống dọc tuyến đường cho biết, khi có chủ trương mở đường với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhiều hộ dân tự nguyện hiến đất mong sau có con lộ mới để đi lại. Riêng gia đình ông Nguyễn Thanh Sơn (ấp Phú Trí B1) hiến trên  2.000m2 đất trồng cây ăn trái, hoa màu để làm đường. 

Ông Sơn cho biết, trong phần đất gia đình ông hiến có 40 gốc xoài, 12 gốc mận và lúa đang trong giai đoạn cho thu hoạch. “Mặc dù vậy, khi hay tin mở đường tôi tình nguyện đốn hết cây nhưng từ năm 2002 đến nay đường vẫn chưa làm xong”- ông Sơn nói.

“Khi hay tin mở đường tôi tình nguyện đốn hết cây nhưng từ năm 2002 đến nay đường vẫn chưa làm xong”. 

Ông Nguyễn Thanh Sơn (ấp Phú Trí B1)

Ông cũng cho biết, ông và nhiều người dân địa phương có đến hỏi cán bộ giải phóng mặt bằng của huyện Châu Thành thì được trả lời do nguồn vốn chưa có nên chưa thể thi công. Ông Sơn bày tỏ nỗi xót xa bởi ông cũng như nhiều người dân đã đốn hạ hoa màu, vườn cây với trị giá hàng trăm triệu đồng để hiến đất làm đường nay đất bỏ trống không trồng được cây gì, trong khi người dân lại không có đường đi. 

14 năm qua hàng trăm hộ dân nơi đây phải chịu cảnh đi trên con đường không thành đường với rất nhiều “ổ voi” và nhiều đoạn sụp lún, hai bên cỏ mọc um tùm. Vì lầy lội, nhiều người dân phải sử dụng đá, gạch vụn  lấp vá để đi tạm.

 Lên cầu phải… bắc thang

Năm 2002, cây cầu số 3 bắc qua sông Nàng Mao trên tuyến đường này được xây dựng. Cầu xây xong nhưng cả hai bên đều không có đường dẫn lên cầu. Người dân muốn qua lại phải… bắc thang để lên cầu. Hiện cầu đã han gỉ, xuống cấp nghiêm trọng. Bà Nguyễn Thị Hồng, nhà ở gần cầu nói: “Gia đình tôi có trẻ nhỏ, muốn qua bên kia cầu không có cách nào khác là phải trèo lên, rất nguy hiểm nhưng không còn cách nào khác”.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Thành Giáo- Phó Giám đốc Ban quản lý dự án huyện Châu Thành cho biết, tuyến đường này trước được thực hiện theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhưng một số đoạn dân không chịu bàn giao mặt bằng.

 Người dân nào bị mất nhiều đất huyện mới bồi hoàn, nhưng nhiều người bị mất ít đất cũng đòi bồi hoàn, vì  không có đủ tiền để làm nên ngưng từ đó cho đến nay.

 “Chúng tôi cũng đang lập lại dự án, tuy nhiên chưa có nguồn vốn nên chưa triển khai được, đang đợi kinh phí từ trên đưa xuống mới đấu thầu xây dựng”- ông Giáo nói.

Về cây cầu số 3 bị bỏ hoang từ nhiều năm nay, ông Giáo cho biết đây là gói thầu của Cty cổ phần Cầu đường Hậu Giang, nhưng do chưa thỏa thuận với người dân việc giải phóng mặt bằng nên không thể xây móng cầu.  Ông Giáo cũng cho biết, sắp tới sẽ lập lại dự án, khi nào có kinh phí sẽ làm song song tuyến đường trên và sửa chữa nâng cấp cầu.

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.