Cầu không thép sập, không còn tiền để khắc phục

Cầu bắc qua sông Nước Oa bị gãy sập sau đợt mưa lũ.
Cầu bắc qua sông Nước Oa bị gãy sập sau đợt mưa lũ.
TP - Đợt mưa lũ đầu tháng 11/2016 khiến cây cầu bắc qua sông Nước Oa nối hai xã Trà Tân và Trà Sơn (huyện Bắc Trà My, Quảng Nam) bị gãy sập, hư hỏng nặng. Sau sự cố, nhiều người hoài nghi về chất lượng công trình khi phần cầu bị gãy đổ chỉ toàn bê tông, không nhìn thấy sắt thép. Phần trụ cầu bị gãy một nửa cũng chỉ có 2 đoạn sắt nằm cách xa nhau.

Theo ghi nhận, sự cố khiến nhịp cầu bê-tông có chiều dài hơn 7 mét, rộng 5 mét bị gẫy nằm dưới sông. Ngoài ra, trụ, đường dẫn đầu mố cầu phía xã Trà Tân cũng bị hư hỏng nghiêm trọng. Phần gẫy lòi ra không nhìn thấy sắt, phần trụ cầu bị gẫy một nửa nhìn vào cũng chỉ có 2 đoạn sắt nằm cách xa nhau, mỗi đoạn dài chưa đến nửa mét.

Chính quyền địa phương cho biết, cây cầu được xây dựng năm 2008, do Tổng đội Thanh niên xung phong Quảng Nam là chủ đầu tư. Sau sự cố cầu bị gẫy, địa phương tiến hành làm rào chắn không cho người dân qua lại tránh gây nguy hiểm.

Ngày 21/11, trao đổi với báo chí, ông Bùi Thành Vinh, Tổng đội trưởng Tổng đội Thanh niên xung phong tỉnh Quảng Nam (đơn vị chủ đầu tư), cho biết ông và kỹ sư đã trực tiếp lên hiện trường, ghi nhận phần mố và đường dẫn cầu bị hư hỏng, cánh gà kè bị rớt xuống sông. Ngoài ra, mặt cầu ở nhịp gần mố bị lún.

Theo ông Vinh, nguyên nhân dẫn tới sự cố trên là mưa lũ, nước lớn vượt mặt cầu, gây ra sự cố sạt đường dẫn. Theo hồ sơ thiết kế, cầu gồm 3 trụ, 2 mố 2 đầu, trụ và mố cầu thiết kế bê tông sỏi, không cốt thép. Phần bản mặt cầu 4m, khẩu độ 9m, kết cấu bản mặt cầu bê tông cốt thép M300; hai đầu cầu gia cố taluy bằng bê tông sỏi. Như vậy theo thiết kế, chỉ có phần bản mặt cầu có bê tông cốt thép, còn đường dẫn cầu bị gãy sập và đầu cầu bằng bê tông sỏi, không có sắt. Cũng theo ông Vinh, có thể đơn vị thiết kế căn cứ vào lưu lượng dòng chảy và quy mô của cây cầu nên thiết kế phần mố, đường dẫn, taluy và cả phần trụ không cốt thép.

“Công trình được xây dựng cách đây gần 10 năm rồi, tôi mới nhận công tác được 2 năm nên diễn biến quá trình thi công cũng không nắm hết. Về hướng khắc phục, công trình được xây dựng từ năm 2007, đã hết hạn bảo hành và Tổng đội cũng không có nguồn để khắc phục (kinh phí trước kia xây dựng cũng đi xin). Chúng tôi đã làm việc với địa phương và thống nhất đây là thiệt hại chung trong đợt bão lũ nên đề xuất lãnh đạo huyện quan tâm khắc phục” - ông Vinh nói.     

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.