Cầu siêu thoát, thức tỉnh người sống

Cầu siêu thoát, thức tỉnh người sống
TPO–Ngày 10-11, hàng ngàn người từ khắp nơi trên cả nước đã hội tụ về Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội tham dự đại lễ cầu siêu cho các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông.

> Hoa hậu Đặng Thu Thảo làm Đại sứ an toàn giao thông

Đông đảo đại biểu Ủy ban ANGT Quốc gia và các Tăng ni, Phật tử về dự lễ cầu siêu. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Đông đảo đại biểu Ủy ban ANGT Quốc gia và các Tăng ni, Phật tử về dự lễ cầu siêu. Ảnh: Tuấn Nguyễn.

Đại lễ cầu siêu các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông do Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp, Học viện phật giáo Việt Nam tại Hà Nội trực tiếp thực hiện.

Đây là một hoạt động cụ thể, có ý nghĩa lớn nằm trong khuôn khổ các hoạt động hưởng ứng “Ngày tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông” trên phạm vi toàn quốc.

Đồng thời cũng là một sự kiện đặc biệt, là dịp để mọi người bày tỏ niềm thương xót với những người xấu số khi tham gia giao thông; bày tỏ sự chia sẻ mất mát, chia sẻ gánh nặng với người thân của họ.

Đại lễ cũng là một cơ hội nhắc nhở chính mình, người thân, bạn bè, các thành viên trong cộng đồng,…về tầm quan trọng của việc phải chủ động góp phần tạo ra một môi trường giao thông an toàn cho mình và cho cộng đồng.

Các Tăng ni, Phật tử tiến vào hội trường chuẩn bị cho lễ cầu siêu. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Các Tăng ni, Phật tử tiến vào hội trường chuẩn bị cho lễ cầu siêu.
Ảnh: Tuấn Nguyễn.

Ngay từ sáng sớm, hàng ngàn người thân của các nạn nhân thiệt mạng trong TNGT từ khắp mọi miền đất nước đã đổ về Học viện Phật giáo Việt Nam để dự lễ cấu siêu.

Tới dự Lễ cầu siêu có Bộ trưởng Bộ GTVT - Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban ATGT Quốc gia Đinh La Thăng; Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu – Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Chư vị tôn đức lãnh đạo Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Chư vị chức sắc, cư sỹ Hội đồng Điều hành Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội; Chư vị tăng ni cùng đồng bào Phật tử; Gia đình thân quyến các nạn nhân tai nạn giao thông,…

ộ trưởng Bộ GTVT - Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban ATGT Quốc gia Đinh La Thăng phát biểu tại Lễ cầu siêu. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Bộ trưởng Bộ GTVT - Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban ATGT Quốc gia Đinh La Thăng phát biểu tại Lễ cầu siêu. Ảnh: Tuấn Nguyễn.

Theo số liệu thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia cho thấy, 10 năm qua có hơn 120.000 người chết vì TNGT, bình quân mỗi năm có 11.000 nghìn người chết. Cụ thể, mỗi ngày có 30 gia đình mất người thân, 200 gia đình chịu những tổn thất về vật chất và tinh thần do TNGT để lại, đồng thời những người gây tai nạn và người gánh hậu quả tai nạn sẽ phải chịu những dằn vặt tinh thần suốt cuộc đời.

TNGT cũng gây tổn thất về vật chất kinh tế. Bình quân mỗi năm, nước ta mất 2 tỷ USD (tương đương 40.000 tỷ đồng) để khắc phục hậu quả TNGT. Số tiền trên có thể xây dựng được 10 bệnh viện đạt cấp tỉnh, 1.123 trường học, 6.400 căn nhà tình nghĩa trên cả nước.

Lễ cầu siêu bắt đầu. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Lễ cầu siêu bắt đầu. Ảnh: Tuấn Nguyễn.
 

Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, những di chứng sau mỗi vụ TNGT để lại luôn kéo dài và không lường hết được, khiến xã hội cũng bị tổn thương nghiêm trọng. Thêm vào đó, gia đình nạn nhân và ngân sách quốc gia phải chịu thêm gánh nặng hàng nghìn tỷ đồng để khắc phục hậu quả của TNGT hàng năm. Điều đó đe dọa đến những thành quả của tăng trưởng kinh tế, đồng thời làm ảnh hưởng đến hình ảnh một đất nước an toàn trong mắt bạn bè, đối tác.

Bằng nhiều hành động mạnh mẽ, thông qua các chính sách quốc gia và những cam kết xã hội, Việt Nam đang làm mọi cách để giảm số vụ TNGT – kèm theo đó là giảm thiểu số người chết và số người bị thương. Nhưng chúng ta vẫn có thể và cần làm nhiều hơn nữa. Nhà nước, các tổ chức xã hội, các đoàn thể cho đến từng cá nhân, đều phải chung tay hành động và hành động một cách quyết liệt.

Đông đảo người thân các nạn nhân bị tử vong vì tai nạn giao thông dự lễ bên ngoài hội trường
Đông đảo người thân các nạn nhân bị tử vong vì tai nạn giao thông dự lễ bên ngoài hội trường.

Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh, với sự gia hộ của mười phương chư Phật, cùng công đức trì niệm của hàng trăm tăng ni, tín đồ Phật tử và gia đình thân quyến tại trai đàn cầu siêu sẽ giúp cho hương linh những người không may bị tử nạn do TNGT siêu đăng Phật quốc. Cũng nhờ oai lực và đạo hạnh, chư tăng ni gia trì cho gia đình các nạn nhân đủ niềm tin, nghị lực nén những đau thương mất mát, sớm vượt qua những khó khăn trước mắt để tiếp tục xây dựng cuộc sống và xã hội thêm an lành, tốt đẹp.

Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban ATGT Quốc gia Đinh La Thăng cũng kêu gọi các cơ quan hữu quan, các đơn vị, tổ chức, cá nhân và toàn thể nhân dân hãy nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật về đảm bảo ATGT; chung tay chia sẻ những tổn thất, mất mát của các nạn nhân, gia đình nạn nhân bị TNGT để cho niềm vui về hạnh phúc, an toàn và bình yên trọn vẹn đến với mọi người, mọi nhà.

Tai nạn giao thông khiến mẹ mất con, vợ mất chồng...nhiều gia đình tan vỡ hạnh phúc
Tai nạn giao thông khiến mẹ mất con, vợ mất chồng...nhiều gia đình tan vỡ hạnh phúc. Ảnh: Tuấn Nguyễn.

Theo Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu – Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Kinh phật có nói đến những người bị chết oan, chết uổng, chết bất đắc kỳ tử; trong cái chết đó, thì chết vì TNGT trên đường đi được coi là chết oan, chết uổng. Chính vì vậy, các tăng ni, Phật tử vô cùng xúc động trước sự quan tâm đặc biệt của Đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc chỉ đạo tổ chức Đại lễ cầu siêu tưởng niệm đối với các nạn nhân tử vong vì TNGT.

Với một mong muốn cầu nguyện đến các gia đình có người thân bị lâm nạn, đồng thời thông qua đó để giúp mỗi chúng ta tự nhìn lại mình để có những nhận thức sâu sắc và chung tay làm việc tốt trong việc tôn vinh giá trị văn hóa trong giao thông, hạn chế tối đa những tai nạn không may đối với cộng đồng xã hội chúng ta.

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu – Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu – Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát biểu tại Lễ cầu siêu. Ảnh: Tuấn Nguyễn.
 

Cũng theo Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, việc tôn vinh giá trị văn hóa ATGT là việc làm cần thiết, tuyên truyền ATGT là trách nhiệm chung của mỗi người, trong đó có chức sắc nhà tu và mỗi tín đồ. Trên tinh thần đó, tôi kêu gọi mỗi vị hãy ra sức chung tay cùng với hệ thống chính trị để tuyên truyền sâu sắc đến mỗi cộng đồng, xã hội về ATGT.

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu đề nghị quý vị tăng ni Phật tử trụ trì các trụ sở tu viện trong mỗi buổi giảng đạo, hay mỗi buổi hành lễ có nội dung lồng ghép công tác tuyên truyền về ATGT đến các Phật tử. Các Phật tử chúng ta luôn tâm niệm Phật sự này được tuyên truyền sâu rộng đến các thành viên trong mỗi gia đình, trong cộng đồng làng, xã, phố, phường - nơi mình cư trú và nơi mình làm việc. Làm được Phật sự này, chính là chúng ta đã thành tâm cúng dàng Chư Phật.

Theo Viết
MỚI - NÓNG