Cầu treo lắt lẻo gập ghềnh…

Cầu thôn 8, xã Ea Wer.
Cầu thôn 8, xã Ea Wer.
TP - Hàng chục sợi cáp treo tự chế và cầu gỗ tạm bợ vắt qua các đoạn sông suối lắm thác ghềnh trên Tây Nguyên đã được thay thế bằng những chiếc cầu treo kiên cố, vững chắc. Tuy nhiên có cầu treo vừa thi công xong đã bị kẻ trộm cắt cáp. Không ít nơi vẫn thiếu cầu, người dân mỗi ngày chòng chành thuyền gỗ liều mình vượt sóng dữ qua sông ...

Cáp vừa căng xong đã bị cắt

Chúng tôi về lại huyện Buôn Đôn, nơi trước đây báo Tiền Phong đã phản ánh cảnh người dân đu cáp qua sông hay chòng chành trên chiếc cầu gỗ tạm để vượt suối đi làm vào mùa mưa lũ. Con đường thẳng tắp chạy thẳng vào cầu thôn 8, xã Ea Wer, mới khánh thành chưa lâu đã bị kẻ trộm cắt mất dây cáp néo lan can cầu.

Chiếc cầu khá đẹp, nối liền đôi bờ sông Sêrêpốk. Lan can cầu mỗi bên được căng đều 4 sợi dây cáp loại D10 để giữ độ thăng bằng và vững chắc cho cầu, nhưng kẻ giấu mặt nào đó đã cắt mất mỗi bên một sợi. Hiện đơn vị thi công vẫn chưa khắc phục được. Chị Hứa Thị Duyên (36 tuổi, trú tại thôn 8, xã Ea Wer) cho biết: “Xót thật, để có được một cây cầu qua sông như thế này đâu phải dễ. Tốn kém, khó khăn lắm. Kẻ thất đức nào vì lợi riêng mà triệt đường sống của mọi người”.

Cán bộ Công ty CP Đầu tư và Xây dựng công trình 3 (thuộc Tổng công ty Đường Sắt Việt Nam) cho biết: Công trình cầu treo dân sinh thôn 8, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk đã thi công xong, chưa tổ chức nghiệm thu, bàn giao. Lợi dụng thời tiết mưa gió, đêm 11/10 kẻ gian đã cắt trộm dây cáp loại D10, dài 80 mét trên lan can cầu. Giá đoạn cáp chỉ khoảng 8 triệu đồng, nhưng hậu quả gây ra rất nghiêm trọng. Vừa phát hiện Cty lập tức trình báo công an xã, đồng thời gửi văn bản ra Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk và các đơn vị liên quan, mong các cấp ngành chức năng có biện pháp ngăn chặn hiện tượng trên. Đây là một trong 9 cây cầu treo dân sinh được Bộ GTVT hỗ trợ, xây dựng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nhằm phục vụ nhu cầu đi lại an toàn cho người dân.

Cầu treo lắt lẻo gập ghềnh… ảnh 1

Vị trí cầu bị cắt cáp.

Ông Lục Văn Toại, giám đốc Ban Quản lý dự án Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk cho biết: Sau sự việc trộm cắt cáp xảy ra ở cầu thôn 8 xã Ea Wer, đơn vị thi công đã báo cáo Sở GTVT. Sở đã cử người xuống kiểm tra mức độ hư hại và ảnh hưởng đến độ an toàn của chiếc cầu. Hiện Công ty CP Đầu tư và Xây dựng công trình 3 đang đặt hàng mua cáp mới, cố gắng khắc phục sự cố, bảo đảm cầu an toàn. Dự kiến cuối năm 2015 hoàn tất các thủ tục mới chính thức bàn giao cầu.

Tuy cầu chưa được bàn giao nhưng mật độ lưu thông khá tấp nập. Không ít xe máy chở nông sản quá tải ngang nhiên qua cầu, dù hai bên đầu cầu đã gắn biển cảnh báo tải trọng xe được phép qua cầu tối đa chỉ nửa tấn. Ông Lê Văn Bình phó thôn 6 (xã Hòa Lễ) lo ngại: Ban tự quản thôn nhiều lần dùng loa đài nhắc nhở bà con nhưng tại cầu thôn 6, xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông tình trạng xe công nông chở nông sản quá tải gấp 4-5 lần vẫn thường xuyên xảy ra. Ẩn họa luôn cận kề, rình rập.

Cầu ở buôn Tliêr, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông, (Đắk Lắk) xây dựng từ năm 2005 đến nay đã xuống cấp trầm trọng. Mặt cầu chi chít lỗ hổng. Thế nhưng hằng ngày người dân, phương tiện và trâu bò vẫn thản nhiên qua lại. Ông Y Bân, người dân buôn Tliêr buồn rầu: “Chúng tôi đã dùng những thanh gỗ che bớt lỗ thủng trên mặt cầu. Dựng thanh chắn các phương tiện quá khổ, quá tải ở hai đầu cầu, nhưng không có tác dụng”.

Nơi ngóng những cây cầu

Nhiều năm nay cuộc sống của hơn 400 hộ dân thuộc các thôn 8, 11 và 14 xã Ea Uy, huyện Krông Pắk bị cô lập bởi con suối Nước Đục, gây khó khăn trong việc đi lại.

Sau cơn mưa rào, theo chân ông Hà Xuân Cỏn, trưởng thôn 8, xã Ea Uy trên con đường đất đỏ ngập ngụa bùn đất, lổm ngổm ổ voi, ổ gà ra bến đò, mới thấu hiểu nỗi khó khăn của người dân. “Để qua được suối người dân thôn 8, 11 chỉ có cách duy nhất là theo thuyền của ông Nguyễn Văn Nhàn (43 tuổi) với giá 5 nghìn đồng đối với người trong làng và 10 nghìn với người từ nơi khác đến. Khi nước chảy xiết, bà con có việc cấp bách phải đi đường vòng qua thị trấn Phước An, mất 30 cây số mới đến được xã. Những đợt tiêm phòng cho trẻ em, hay khám chữa bệnh theo diện bảo hiểm y tế, dân phải nhường nhau xuống thuyền qua sông. Nhiều trường hợp gia đình chính sách, khó khăn được hưởng chế độ bảo hiểm y tế, do giao thông cách trở đành sang khám bên xã bạn, chạy ra bệnh viện huyện thậm chí vào phòng khám tư cho xong”, ông Cỏn tâm sự.

Vì thiếu cầu mà việc học hành của con trẻ cũng gặp nhiều khó khăn. UBND xã phải sơn sửa lại nhà kho, hội trường làm lớp học cho phân hiệu trường mầm non Hoa Hướng Dương. Thầy cô phải luân phiên sang dạy.

Cầu treo lắt lẻo gập ghềnh… ảnh 2

Vợ, chồng ông Nhàn thay phiên chở hành khách qua suối.

Chiếc thuyền gỗ neo đậu bên bờ, ông Nguyễn Văn Nhàn chỉ vào chiếc dây thừng 50 mét được cột chắc chắn vào hai bụi tre hai bên bờ: “Dây này tôi mới thay, để đảm bảo an toàn cho hành khách, cứ một tháng thay dây một lần. Mỗi lần hết khoảng 600 ngàn đồng, vợ chồng tôi đã 7 năm lái đò đưa khách qua suối. Mỗi chuyến, thuyền chở được 4 chiếc xe máy và khoảng chục người”.

Tay thoăn thoắt kéo dây ông vừa hướng dẫn: “Tôi không dùng mái chèo mà dùng dây điều khiển thuyền cho an toàn. Đến mùa lũ nước suối dâng cao, chảy xiết thuyền cũng không lật hay trôi vì đã cố định an toàn vào sợi dây này. Vợ chồng tôi thay phiên nhau trực cả ngày ở bến đò bất kể trời mưa hay nắng, bà con có việc là tôi có mặt”.

Con đường đất đỏ bằng phẳng dẫn đến chiếc cầu gỗ thôn 14, trong căn chòi cũ kỹ người thương binh già Phạm Thanh Long (67 tuổi) mái tóc muối tiêu, nụ cười hiền hậu: “Thấy cảnh người dân qua sông bằng thúng, ghe nhiều lần bị lật, năm 2002, tôi gom góp được 22 triệu đồng làm cây cầu dài 27m bắc qua suối Nước Đục để bà con đi lại đỡ nguy hiểm. Khi cầu xuống cấp tôi tự bỏ tiền ra để gia cố”. Anh Hoàng Văn Hòa (38 tuổi) cho biết: Cầu rất vững chắc, thuận lợi vận chuyển nông sản. Những gia đình có rẫy phải đi qua cầu mỗi năm đóng cho ông Long 100 nghìn đồng. Số tiền này quá nhỏ đối với công sức ông bỏ ra làm cầu.

Ông Ngô Giáo, Chủ tịch UBND xã Ea Uy cho biết: Xã có 50% đồng bào dân tộc thiểu số, trên 37% là tỷ lệ hộ nghèo, kết cấu hạ tầng còn yếu kém nên khó phát triển kinh tế, giao thông. Bà con mong có cầu, xã nhiều lần gửi văn bản lên Phòng kinh tế hạ tầng của huyện. Phòng cũng đã về tận nơi khảo sát nhưng đoạn sông này quá rộng, chưa biết tới bao giờ mới xin được kinh phí xây cầu.

Cầu gỗ thôn 16, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn được xây dựng từ năm 1988 do người dân tự đóng góp. Đợt mưa kéo dài trong tháng 8 vừa qua, mặt cầu bị đẩy trôi, trụ gỗ bị gãy, người dân đã khắc phục, nhưng không bảo đảm an toàn, nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao. Mới đây, Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk vừa đề xuất với UBND tỉnh về việc xem xét, bố trí vốn từ nguồn vốn phòng chống thiên tai của tỉnh năm 2015 để sửa chữa cây cầu này, dự kiến khoảng 1,1 tỷ đồng.

Ban quản lý dự án Đắk Lắk đã có văn bản yêu cầu các nhà thầu thi công 9 dự án cầu treo dân sinh trên địa bàn tỉnh tăng cường kiểm tra, bảo vệ các cấu kiện lắp đặt trên các cầu đã hoàn thành; rà soát toàn bộ các hạng mục của kết cấu phần trên để căn chỉnh hoặc bổ sung đầy đủ nếu mất mát, hư hỏng; chỉ cho phép người đi bộ và xe thô sơ được qua cầu, tải trọng cho phép 0,5 tấn. Đối với các công trình chưa hoàn thành đẩy nhanh tiến độ thi công toàn bộ các hạng mục còn lại để cuối năm 2015 nghiệm thu, bàn giao theo đúng kế hoạch.

MỚI - NÓNG