Cầu treo thay cáp tử thần

Dân thôn 6 vận chuyển hàng hóa trên cầu mới
Dân thôn 6 vận chuyển hàng hóa trên cầu mới
TP - Những sợi cáp treo chênh vênh nguy hiểm do dân tự chế bắc ngang đoạn sông thuộc hai xã Hòa Lễ (huyện Krông Bông) và xã Ea Huar (huyện Buôn Đôn) của tỉnh Đắk Lắk nay đã được thay thế bằng một chiếc cầu treo vững chãi. Tuy nhiên, trong khi dân thôn 6 vui mừng qua cầu, thì dân các thôn 4, 5 vẫn chưa thôi chèo ghe, đu cáp.

Niềm vui đón cầu

Từ xa nhìn vào đã thấy hình hài chiếc cầu treo cho dân thôn 6 xã Hòa Lễ (huyện Krông Bông) vắt qua dòng sông Krông Ana. Quanh 2 mé cầu, những công nhân lom khom bê đá chất vào những vị trí cuối cùng. Anh Ngô Tấn Lực, phụ trách kỹ thuật cầu thôn 6, cho hay: “Về cơ bản cầu đã hoàn thành tới 95%, có thể cho bà con và xe máy đi qua được rồi. Chỉ còn công đoạn lát mặt đường nữa là xong”.

Cuốc, xẻng, chai lọ lỉnh kỉnh cột chặt trên chiếc xe đạp cũ kỹ, chị Nguyễn Thị Dung (thôn 6, xã Hòa Lễ) gỡ khẩu trang, cười tươi rói: Nhìn cây cầu, lòng chúng tôi vui lắm. Nghĩ lại cảnh đu cáp qua sông trước đây vẫn sợ rợn người. Bây giờ có cầu rồi, muốn đi lúc nào thì đi, tiện lợi và yên tâm quá!

Bà Nguyễn Thị Trái (65 tuổi, thôn 6, xã Hòa Lễ) xúc động chia sẻ: “Ở đây gần cả đời người, không ngờ có lúc được đi trên cây cầu đẹp và chắc chắn thế này. Trong mơ tui còn không dám nghĩ đến. Tại khúc sông này, thằng em Nguyễn Chua của tui đã bỏ mạng khi đu cáp tự chế qua sông hái cà phê. Bây giờ chắc vong linh nó sẽ yên vui khi bà con quanh đây không còn phải đánh đu với tử thần trên sợi cáp qua sông mỗi mùa mưa lũ!”.

Bên kia cầu thôn 7, huyện Buôn Đôn, từng tốp người đang khom lưng cuốc cỏ sắn, rôm rả trò chuyện. Chị Phan Thị Mai (35 tuổi, thôn 7) lau vội mồ hôi trên khuôn mặt đen sạm, cười giòn tan: “Bây giờ cần qua sông ngay trong ngày mưa lũ cũng không sợ nữa. Trước đây, từ tinh mơ gà gáy đã phải í ới gọi nhau lần lượt đu cáp qua, có lúc chờ đến lượt thì trời đã xế trưa”.

Ông Lê Văn Bình, phó thôn 6, xã Hòa Lễ cho biết: Từ khi có cầu, việc đi lại của bà con không còn vất vả như thời đi ghe, đu cáp. Dân các xã lân cận như Ea Yiêng, Hòa Tiến (huyện Krông Pắk) giờ cũng đi ké qua cây cầu này. Hiện có khoảng 100 lượt người qua cầu mỗi ngày, đến vụ mùa sẽ đông không tính xuể.

Vẫn đu cáp nơi cầu chưa “phủ sóng”

Dù đã có cầu, nhưng nhiều hộ dân thôn 5, xã Hòa Lễ vẫn qua lại sông bằng đu cáp và chèo ghe. Ông Trần Đình Lễ (35 tuổi, trú tại thôn 5 xã Hoà Lễ), giải thích: Dân thôn 5 muốn lên cầu thì phải đi vòng qua thôn 2 hoặc thôn 6, xa cả chục cây số, mất cả buổi mới tới rẫy. Tranh thủ lúc nước sông còn cạn, dân thôn 5 tiếp tục xắn quần lội bộ, hoặc đu cáp qua cho gần.

Bà Nguyễn Cửu Kim Quỳnh, phó thôn 5, xã Hòa Lễ xác nhận: Đoạn đường để người dân thôn 5 đến được nơi có cầu quá xa, đường đi lại khó khăn. Đất canh tác của người dân lại san sát nhau, người này thu hoạch mà người kia chưa thu hoạch, muốn vận chuyển nông sản phải kéo qua đất của người khác, rất bất lợi. Vì thế, dân thôn 5 vẫn cứ đu cáp cho đỡ phiền hà. Đã có nhiều cuộc họp, chính quyền động viên người dân nên đi trên cầu để giảm thiểu rủi ro nhưng họ vẫn muốn đu cáp, bảo đến đâu hay đến đó,  chỉ cần đi nhanh là được.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Xuân Thủy, Chủ tịch UBND xã Hòa Lễ cho biết: Nếu người dân không chịu đi cầu mà vẫn tiếp tục đi cáp, chèo ghe thì UBND xã sẽ có biện pháp. Nếu tuyên truyền không được, xã sẽ tổ chức tháo gỡ hết toàn bộ các sợi cáp treo tự chế, buộc người dân phải đi cầu.

Báo Tiền Phong đã có loạt bài phóng sự về thảm cảnh nông dân phải liều mình đu cáp qua sông làm rẫy nguy hiểm rợn người tại khu vực này. Sau đó các nhà chức trách vào cuộc, Bộ Giao thông Vận tải quyết định ưu tiên đầu tư xây cầu tại nơi này, đem lại sự an vui cho người dân.

MỚI - NÓNG