Cầu vượt và hầm bộ hành: Ai đi?

Cầu vượt và hầm bộ hành: Ai đi?
TP - Trong khi Hà Nội đang ráo riết thực hiện nhiều dự án về giao thông dành cho người đi bộ, nhiều người đã đặt câu hỏi về tính hiệu quả của việc xây dựng cầu vượt dành cho người đi bộ hay xây hầm bộ hành?
Cầu vượt và hầm bộ hành: Ai đi? ảnh 1
Đường hầm bộ hành ở Ngã Tư Sở đẹp nhưng vẫn ít người qua lại  Ảnh: Phạm Yên

Trước nhu cầu bức xúc về an toàn cho người đi bộ qua đường của người dân, cùng với các dự án về hầm bộ hành, chiếc cầu vượt dành cho người đi bộ đầu tiên của Hà Nội tại nút giao thông ngã ba đường Giải Phóng - Lê Thanh Nghị, đã chính thức được đưa vào sử dụng vào sáng qua (9/10).

Cầu vượt đầu tiên dành cho người đi bộ

Theo Sở GTCC Hà Nội việc hoàn thành và chính thức đưa vào sử dụng cầu vượt dành cho người đi bộ tại nút giao thông ngã ba đường Giải Phóng- Lê Thanh Nghị (trước cổng Bệnh viện Bạch Mai), không chỉ thiết thực kỷ niệm 53 năm Ngày giải phóng Thủ đô, mà còn góp phần làm giảm ùn tắc và tai nạn giao thông cho người đi bộ.

Chiếc cầu vượt nằm trên một nút giao thông trọng điểm, trên tuyến đường cửa ngõ ra vào thành phố, mật độ người, xe tham gia giao thông rất lớn với tốc độ cao.

Hằng ngày, có hàng nghìn người là bệnh nhân, người nhà bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, cùng với sinh viên các trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Xây dựng, Bách khoa… thường xuyên phải đối mặt những nguy hiểm khi băng qua trục đường này.

Một vị cán bộ của Sở GTCC trong buổi thông cầu, cũng đã nhắc lại câu chuyện vào cuối năm ngoái, một giáo sư người Mỹ đã bị xe máy đâm phải gây chấn thương sọ não khi ông đang đi bộ qua trục đường này (nút giao thông Kim Liên, cách địa điểm cây cầu vài trăm mét - PV).

Chiếc cầu vượt dành cho người đi bộ đầu tiên được đưa vào sử dụng có bốn nhịp, dài 93,2m (trong đó đoạn bắc qua đường Giải Phóng dài 48m, đoạn bắc qua phố Lê Thanh Nghị dài 45,2m) cao 4,75m so với mặt đường.

Cầu được thiết kế với kiểu dáng đẹp tạo thành góc vuông, có mái che, kính chắn hai bên, đèn chiếu sáng phía trong. Kết cấu sử dụng giàn thép ống, sàn cầu lát gỗ và tấm nhựa chống trơn giúp khách bộ hành đi lại thuận tiện.

Ngay sau khi thông cầu, nhiều người dân đã sử dụng cầu vượt để qua ngã ba đông nghịt người và xe. Khi được hỏi nhiều người dân đều bày tỏ sự phấn khởi vì tính tiện dụng, an toàn của cây cầu này.

Theo ông Nguyễn Hữu Sùng, Giám đốc Ban quản lý dự án duy tu giao thông đô thị (chủ đầu tư dự án), vào cuối tháng 10, chiếc cầu vượt thứ hai dành cho người đi bộ xây dựng tại nút giao thông Cầu Giấy (trước cổng trường ĐH Giao thông Vận tải) cũng sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng.

“Dự kiến, từ nay đến cuối năm, Ban sẽ mở thầu thi công thêm chiếc cầu vượt trên đường Nguyễn Chí Thanh (trước cổng trường ĐH Luật) và một số điểm giao thông khác nữa” - Ông Sùng nói.

Nhiều người vẫn “e dè” với hầm đường bộ!

Cầu vượt và hầm bộ hành: Ai đi? ảnh 2
Người dân đi qua cầu vượt tại ngã ba Giải Phóng - Lê Thanh Nghị .   Ảnh: Phạm Yên - Nguyễn Tú

Trong khi Hà Nội đang ráo riết thực hiện nhiều dự án về giao thông dành cho người đi bộ, nhiều người đã đặt câu hỏi về tính hiệu quả của việc xây dựng cầu vượt dành cho người đi bộ hay xây hầm bộ hành?

Nhiều ý kiến cho rằng, với thực trạng giao thông như ở Hà Nội, việc làm cầu vượt có mái che là giải pháp khả thi hơn, vì khi đi trên cầu vượt có cảm giác thoải mái và an toàn.

“Khi đi bộ dưới hầm đường bộ, tôi cảm thấy không an toàn vì có thể: bị trấn lột, cướp hay gặp phải tệ nạn xã hội”- Ông Nguyễn Công Thành, một người dân ở phường Khương Trung nói.

Cái cảm giác của ông Thành cũng không phải là không có cơ sở. PV Tiền phong đã có buổi thực tế tại các hầm bộ hành của Hà Nội. Tại hầm bộ hành nằm trên đường Phạm Hùng, dù đã được đưa vào sử dụng 7 tháng rồi, nhưng theo ghi nhận đường hầm vẫn rất vắng người qua lại.

Nhiều người đi bộ qua đường vẫn e dè khi xuống hầm. Tại cửa hầm bộ hành trước bến xe Mỹ Đình treo băng rôn ghi dòng chữ “Hãy đi bộ sang đường bằng hầm kỹ thuật”, song nhiều người qua lại khu vực này vẫn không quan tâm. Từ điểm đỗ xe buýt, nhiều người vẫn băng qua đường thay vì đi vào hầm kỹ thuật.

Theo lý giải của các nhân viên bảo vệ ở hầm đường bộ này, nguyên nhân chính khiến hầm đường bộ vắng vì người dân chưa quen sử dụng loại hình giao thông công cộng hiện đại này!?

Tại hầm bộ hành Ngã Tư Sở, nhiều người vẫn còn bỡ ngỡ với những cửa lên xuống và các biển chỉ dẫn. Theo các nhân viên bảo vệ tại đây, ngoài việc bảo vệ hàng ngày họ còn phải kiêm nhiệm vụ chỉ dẫn lối đi cho người dân.

“Phần lớn người hỏi thăm đường là người già, trẻ nhỏ. Họ không biết định hướng lối đi nên có người loay hoay trong hầm hàng giờ mới đi ra khỏi cửa hầm”- một bảo vệ cho biết.

Theo lãnh đạo Sở GTCC, mô hình hầm bộ hành dù hiện đại, an toàn nhưng lại quá mới mẻ, nên cả người quản lý và sử dụng đều rất bỡ ngỡ. Vì vậy trước mắt cần phải có sự tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân quen dần.

MỚI - NÓNG