Cây cầu “kỳ quái”: Xây 7 tỷ, bỏ hoang 6 năm

Cây cầu “kỳ quái”: Xây 7 tỷ, bỏ hoang 6 năm
Cầu trị giá 7 tỷ xây xong đã 6 năm nhưng xe cộ không thể chạy qua, người đi bộ muốn qua cầu cũng phải dùng thang để leo lên vì cầu treo lơ lửng do, không có đường dẫn.
Cây cầu “kỳ quái”: Xây 7 tỷ, bỏ hoang 6 năm ảnh 1
Cầu xây xong đã 6 năm nhưng chưa có đường dẫn vào cầu.

“Từ mấy chục năm qua, việc đi lại ở khu vực này rất khó khăn vì cảnh ngăn rạch, cách sông…Tưởng đâu, cầu xây xong thì việc đi lại cũng dễ dàng nhưng có đâu ngờ…”- ông già Sáu năm nay đã 78 tuổi than thở về dự án đường An Lộc.

Dự án này được UBND thành phố duyệt đầu tư từ năm 1998, thời gian thi công là 10 tháng với tổng kinh phí 7 tỷ đồng. Toàn bộ dự án nằm trọn trên địa bàn phường Thạnh Lộc và chỉ dài khoảng 600 m đi qua ba con rạch.

Nếu được hình thành, đây sẽ là con đường nối liên phường An Phú Đông qua phường Thạnh Lộc đến phường Thạnh Xuân (quận 12) và có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội khu đô thị mới ở ba phường nói trên.

Không những thế, nếu có cầu vượt rạch, việc đi lại của người dân sẽ rất thuận lợi. Sẽ không còn cảnh đi ven theo lối đường mòn, vòng ra QL1 để vào trung tâm thành phố nữa, khoảng cách đi lại rút ngắn đến 2 km. Và cầu Tám Du (trùng tên với con rạch Tám Du) mọc lên để làm nhiệm vụ nối liền khoảng cách ấy.

Ông già Sáu nhớ lại: “Tháng 12/1999, nhà thầu làm lễ động thổ khởi công làm cầu qua rạch Tám Du. Và cuối năm 2000, một cây cầu bê tông vĩnh cửu dài khoảng 38,6 m bắc qua con rạch thành hình.

Sau khi hoàn thành cầu và cống hộp, UBND quận 12 có quyết định giải tỏa đền bù đất cho một số hộ dân để tiếp tục làm phần đường. Các hộ dân ở khu phố 3A- phường Thạnh Lộc đã thực hiện quyết định của quận rất nghiêm túc và nhanh chóng, 100% hộ dân đã nhận tiền đền bù và giao đất cho nhà nước để làm đường”.

Anh Vũ Văn Bình (hộ số 69A, Tổ 8, Khu phố 3A) nói: “Lúc đó, bà con ở đây rất phấn khởi vì cái xóm nghèo không có đường xá, thường xuyên chìm trong cảnh nước ngập, bẩn thỉu này sắp có đường nhựa khang trang chạy qua. Ai cũng mừng, phấn khởi”.

Nhưng bốn năm sau, tháng 8/2004 mới thấy nhà thầu be bờ đổ đất làm đường. Rồi một năm sau đó, mới chỉ 300 m đường được đổ đất đá, còn 300 m nối từ cây cầu bê tông đến cống hộp trên rạch Mốp chưa thấy động tĩnh gì. Công trình bị bỏ hoang, cây cỏ mọc um tùm, mỗi khi triều cường lên, nước tràn vào ngập cả nhà dân hai bên đường.

Bắc thang lên hỏi... cây cầu!

Cây cầu “kỳ quái”: Xây 7 tỷ, bỏ hoang 6 năm ảnh 2

Muốn đi qua cầu phải... leo thang.

Một cây cầu bỏ ra cả 7 tỷ đồng để xây dựng nhưng khi hoàn thành, đã 6 năm nay vẫn nằm “trơ gan cùng tuế nguyệt”, không được đưa vào sử dụng.

Trong khi đó, người dân ở đây hằng ngày phải sống trong cảnh không có đường xá, đi lại trên những con hẻm nhỏ tự phát, lầy lội bẩn thỉu.

“Mang tiếng là khu phố mà cơ sở hạ tầng không bằng nông thôn vùng sâu, vùng xa”- chủ hộ số 69B- Tổ 8, Khu phố 3A bức xúc.

Hôm chúng tôi có mặt tại khu phố 3A, công trình thi công đường An Lộc vắng bóng công nhân. Trong lán trại, một hai người ra vào hút thuốc uống cà phê rất nhàn nhã. Cạnh đó, chiếc xe lu nằm im lìm bất động. Ấn tượng nhất là hình ảnh từng người, từng người nối đuôi nhau leo lên chiếc thang tự chế cao khoảng 2m để bước lên cầu qua bên kia bờ.

Ông Trương Thánh Tú, Phó chủ tịch phường Thạnh Lộc cho biết, đã nhiều lần khi có đoàn đại biểu của HĐND thành phố xuống tiếp xúc cử tri, địa phương đã phản ánh về tình trạng thi công trì trệ, kéo dài của nhà thầu.

Đồng thời, địa phương cũng kiến nghị lên cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ công trình, đặc biệt là làm nhanh đường dẫn vào cầu để phương tiện giao thông và người dân có thể qua lại. “Nhưng kêu hoài mà không ai thấu cả?!”.

Nhiều người dân tỏ ra rất bất bình nói: “Nhà nước không có tiền hay chủ đầu tư, nhà thầu đã tiêu xài hết số tiền ngân sách đã cấp cho dự án? Đoạn đường trên có tiếp tục thi công nữa hay không. Nếu tiếp tục thi công thì bao giờ hoàn thành?

Chất lượng công trình và quy mô có đúng với thiết kế không? Nếu đoạn đường này không tiếp tục thi công, đề nghị trả lại đất cho chúng tôi tiếp tục canh tác phục vụ cuộc sống hàng ngày, không thể để đất hoang mãi như thế này”.

Đem những câu hỏi dồn dập của người dân đặt lên bàn ông Nguyễn Minh Hoàng, Giám đốc Ban quản lý dự án quận 12, chúng tôi được biết, công trình gặp nhiều vướng mắc nhiều năm nay do thiếu vốn và phải điều chỉnh thiết kế.

Cầu sai... thiết kế!

Theo ông Hoàng, sau khi kiểm tra lại toàn tuyến đường An Lộc mà đội 1 công ty 568 thi công từ tháng 9/2000 đến tháng 12/2001 và căn cứ hồ sơ thiết kế của công ty TNHH Tư vấn xây dựng EC lập và được duyệt vào tháng 3/1999, cầu bê tông cốt thép qua rạch Tám Du và cống hộp qua rạch Mốp “có vấn đề”.

Theo đó, hướng tuyến từ tim cống qua rạch Mốp đến tim cầu Tám Du có một đoạn đường cong chuyển tiếp, góc chuyển hướng theo thiết kế là 70 nhưng sau khi kiểm tra hiện trạng góc chuyển hường này là 120, lệch so với thiết kế 50. Đường vào cầu lẽ ra phải vuông góc với mặt cắt ngang cầu thì phạm vi tuyến đã dịch chuyển ra khỏi phạm vi giải tỏa trước đây khiến đường xuống cầu uốn cong như lưỡi liềm.

Mặt khác, cao độ mặt cầu cao hơn so với thiết kế là 30 cm. Đến ngày 18/11/2005, thiết kế điều chỉnh công trình xây dựng đường An Lộc - quận 12 (phần điều chỉnh đoạn tuyến từ rạch Tám Du đến rạch Mốp) được Sở GTCC phê duyệt.

Sở GTCC cũng đã yêu cầu chủ đầu tư và các đơn vị liên quan tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể sai phạm. Và yêu cầu tiếp tục đưa công trình vào triển khai thi công hoàn thành phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, giải tỏa các bất bình của những hộ dân dọc tuyến do quá trình thi công kéo dài.

Ông Hoàng cho biết thêm, mới đây, Công ty xây dựng công trình Hồng Quang, nhà thầu hiện đang đảm nhận việc thi công đường An Lộc cam kết sẽ hoàn thành công trình để có thể sử dụng được trong tháng 11/2006 với điều kiện “thời tiết thuận lợi”.

Theo Trần Duy
Vietnamnet

MỚI - NÓNG