Cây đa thần Rùa ngàn năm tuổi

Cây đa thần Rùa ngàn năm tuổi
TP - Trong chuyến du lịch nông nghiệp vào cuối tuần qua ở Ba Vì, Hà Nội, đoàn tham quan chúng tôi chiêm ngưỡng Cây đa thần Rùa được cho là to nhất Việt Nam ước chừng ngàn năm tuổi, có tên gọi là Cây đa thần Rùa (ảnh), thuộc xóm Rùa, xã miền núi Vân Hòa.
Cây đa thần Rùa ngàn năm tuổi ảnh 1

Theo TS Ngô Kiều Oanh (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam), một người rất tâm huyết với du lịch nông nghiệp ở vùng núi Ba Vì, thì cây đa này có giá trị lịch sử riêng. Để khẳng định giá trị của cây đa bà đã giới thiệu một số đoàn khách trong nước và quốc tế đi du lịch nông nghiệp ở Ba Vì.

Sau khi tham quan cây đa này, Bà Knid Tantaviat - nguyên Giáo sư trường Đại học Chulalongkong (Thái Lan) nhận xét: “Tôi từng thấy 2 cây đại cổ thụ của thế giới được ghi vào sách Guinnes tại Úc và Mỹ, nhưng cây đa này hơn hẳn về độ bề thế và mang vẻ đẹp kỳ vĩ tự nhiên.

Hiện nay, cây đa thần Rùa nằm trong khuôn viên của đình làng Rùa, tạo nên cảnh quan thiên nhiên vừa đẹp, hùng vĩ, vừa cổ kính. Cây đa thần Rùa hiện nay được đánh giá thuộc vào loại khổng lồ và đẹp nhất Việt Nam.

Đình làng Rùa thờ thánh Tản Viên. Sau đó, đình được xây cất lớn tại đây. Đặc biệt, vào thời Hậu Lê, diện tích của đình lên tới vài mẫu. Khi ấy, tất cả các đồ thờ và vật tế tự của Đền Thượng thờ bị sập.

Dưới thời Vua Bảo Đại, đình Rùa đã được vua ban sắc phong, tiếc rằng đình đã bị thiêu rụi toàn bộ.

Đình Rùa từng là cơ sở kháng chiến của các cơ quan tỉnh Sơn Tây và là nơi đào tạo thiếu sinh quân do các tướng Hoàng Thái, Hoàng Sâm, Phùng Thế Tài lãnh đạo.

Qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, bất chấp thời gian, cây đa thần Rùa huyền thoại của xóm Rùa vẫn đứng đó với những bành rễ tạo hình như những bộ chân móng của thần Rùa.

Cây đa thần Rùa và ngôi đình thôn Rùa còn nằm trên con đường chinh phục đồng bằng của người Mường cổ trong quá trình di cư từ Mường Bi (Hòa Bình) qua Lương Sơn xuống lập trại trồng lúa nước, khởi thủy cho nền văn minh lúa nước vùng châu thổ sông Hồng.

Để bảo vệ sự tôn nghiêm và linh thiêng tại chính nơi đây, bà Ngô Kiều Oanh đã làm thông báo tới từng người dân cũng như du khách rằng khi đến đây tham quan chỉ đứng bên ngoài chiêm ngưỡng, không cắm hương, ngồi lên rễ, khắc chữ lên thân cây...

Ông Nguyễn Văn Tỵ (dân tộc Mường, 69 tuổi) làm ông Từ trông đình 10 năm nay, cho biết: “Bao nhiêu năm nay, cây đa luôn xanh tốt quanh năm. Thấy ngôi đình bị xuống cấp, bà Ngô Kiều Oanh đã tự nguyện công đức một phần tiền để dân làng làm sân đình, mở rộng diện tích khuôn viên đình, làm hàng rào xung quanh cây đa để bảo vệ, giữ gìn...

Chúng tôi đã gửi đơn đề nghị đến ngành văn hóa để đình làng và cây đa trở thành di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan, song đến nay vẫn chưa được công nhận”.

Mới đây, đại diện Tổng Cty Du lịch Hà Nội đã về tham gia vào tour du lịch nông nghiệp tại Ba Vì, và sau đó họ đã chọn nơi đây là điểm đến tuyến du lịch tâm linh từ Cây đa thần Rùa đến Tháp rùa Hồ Gươm, du lịch nông nghiệp Ba Vì và Cây đa thần Rùa là 1 trong 5 tuyến du lịch hấp dẫn trong chương trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội...

MỚI - NÓNG