Cay mắt vì chục cân hành tím không đổi được bát phở

Đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng). Ảnh Như Ý.
Đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng). Ảnh Như Ý.
TPO - “Ông Tâm ơi ông vừa là đại biểu Quốc hội, vừa là doanh nhân, ông chỉ cho tôi biết chỗ bán hàng được không, chứ làm ra chục ký hành tím không đổi được bát phở thì cay mắt lắm”, ĐB Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) kể trong phiên thảo luận tại Quốc hội về tình hình kinh tế, xã hội chiều ngày 8/6.

Theo ông Tâm, nổi bật nhất trong những khó khăn của những tháng đầu năm nay là tình hình sản xuất nông nghiệp. “Quê tôi ở Sóc Trăng, nơi có cây hành tím nổi tiếng cả nước. Một tháng trước kỳ họp Quốc hội, có bác nông dân gọi điện cho tôi nói rằng: “ông Tâm ơi ông vừa là đại biểu Quốc hội, vừa là doanh nhân, ông chỉ cho tôi biết chỗ bán hàng được không, chứ làm ra chục ký hành tím không đổi được bát phở thì cay mắt lắm”.

Trước ý kiến trên, ông Tâm đáp: “Tôi xin chia sẻ với khó khăn của bác, cũng như của các cô bác nông dân khác, ngay lúc này thì tôi chưa giúp bác được gì nhưng tôi hứa là sẽ đem câu hỏi của bác nêu lên trước Quốc hội”, ông Tâm nói.

Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương) cho rằng, Lê Đình Khanh (Hải Dương) cho rằng do chính sách hiện nay còn nhiều bất cập. Chẳng hạn bây giờ vải thiều đang rộ mùa, chúng ta có hàng trăm ngàn tấn, bây giờ xuất sang Mỹ, sang Úc hay sang một số nước nữa thì phải chở từ đây vào thành phố Hồ Chí Minh để chiếu xạ.

“Tại sao không làm luôn một cơ sở đặt tại khu vực phía Bắc vì vải thiều hoàn toàn ở phía Bắc, sao không đầu tư vào đó ngay để xử lý. Tôi cho rằng những việc cấp bách như thế thì chúng ta chưa làm, những việc dài hơi quá cho 6 tháng cuối năm sẽ không phù hợp. Vải thiều đang thu hoạch chở vào thành phố Hồ Chí Minh để chiếu xạ rồi mới đưa đi xuất khẩu, việc đó là bất cập”, ông Khanh dẫn chứng.

Ông Khanh đề nghị cần đẩy mạnh liên kết 4 nhà như Quyết định 80. Vì thực tế hiện nay dân chưa thật đúng khi sản xuất. Doanh nghiệp đầu tư cho phân bón, cho giống, nhưng đến khi thu hoạch mà đắt thì đem ra ngoài bán. Ngược lại, doanh nghiệp khi giá rẻ, xuất khẩu  không có lãi hoặc lỗ thì "bỏ của chạy lấy người".

“Nên chăng bây giờ chính quyền cần đứng ra để làm trọng tài trong việc này có được không? Tôi cho rằng những việc đó thừa sức làm. Cái chính là chúng ta cần phải quyết tâm để làm”, ông Khanh nói.

Ông Tâm đề nghị Quốc hội và các cơ quan chức năng của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng của Chính phủ, tới đây cần tổ chức các cuộc hội thảo, thảo luận chuyên đề về tình hình sản xuất nông nghiệp để có giải pháp căn cơ, chấm dứt câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” này. “Đã đến lúc Quốc hội cần phải trả “món nợ” lâu ngày đối với nông nghiệp”, ông Tâm kiến nghị.

MỚI - NÓNG