Cầy vằn ở Vườn Quốc gia Cúc Phương chết do virus H5N1

Cầy vằn ở Vườn Quốc gia Cúc Phương chết do virus H5N1
TP - Nguồn tin từ Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương cho biết, các mẫu bệnh phẩm cầy vằn (Owston’s palm civet) tử vong ở Vườn Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình), vừa được xác nhận có virus H5N1.
Cầy vằn ở Vườn Quốc gia Cúc Phương chết do virus H5N1 ảnh 1
Cầy Vằn. Ảnh: sinhhocvietnam.com.

Kết quả xét nghiệm dương tính với H5N1 có từ tuần trước, sau khi mẫu bệnh phẩm được gửi đến Trung tâm ngày 28/2/2008.

Trước đó, mẫu bệnh phẩm được đưa vào xét nghiệm ở Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh để xét nghiệm cả các chỉ tiêu khác. Kết quả phản ứng với H5N1 cũng tương tự xét nghiệm tại Hà Nội.

Theo ông Trần Quang Phương, cán bộ VQG Cúc Phương, bốn con cầy vằn dương tính với virus H5N1 bị chết hôm 8/2 vừa qua. Ngày mùng 2/3, lại có thêm một con chết nhưng kết quả xét nghiệm cho thấy âm tính với H5N1.

Số cầy vằn còn sống trong trung tâm cứu hộ cầy vằn ở VQG Cúc Phương đến thời điểm này, vẫn theo ông Phương, còn tám con sau khi năm con tử vong.

Được biết, không chỉ cầy vằn, một số động vật hoang dã trong khác trong khu cứu hộ cũng chết rải rác sau Tết Nguyên đán như culi (một con), vooc ngũ sắc (hai con), chim chào mào (năm con). Một nguồn tin khác cho biết tổng số cầy chết là tám con trong đó hai con là cầy vòi mốc và sáu con là cầy vằn.

Trước đó, hồi tháng 6/2005, lúc cao điểm dịch cúm gà ở Việt Nam, tại Cúc Phương, ba con cầy vằn chết cũng được xác nhận tại một phòng thí nghiệm của Hongkong, Trung Quốc, là nhiễm virus chết người H5N1.

Cũng giống lần trước, lần này người ta chưa tìm được nguyên nhân dẫn đến sự lây nhiễm này. Nghe nói, cầy vằn cứu hộ ở Cúc Phương được cho ăn thịt lợn, sâu bọ và hoa quả chứ không cho ăn thịt gà.

Các chuyên gia y tế Trung Quốc từng kết luận cầy, đặc sản ở Trung Quốc và Việt Nam, là nguồn lây nhiễm dịch SARS năm 2003. Đây không phải lần đầu tiên cúm gà lây sang động hoang dã.

Để bảo tồn cầy vằn, Việt Nam và Anh từng xây dựng chương trình bảo tồn và nhân giống bảo tồn cầy vằn quốc tế, theo đó, ba cặp cầy vằn đã được xuất từ Việt Nam qua Anh năm 2005.

Cầy vằn có phạm vi phân bố hẹp. Chúng sinh sống trong các khu rừng thuộc miền Trung, miền Bắc Việt Nam, phía Đông của Lào và phía Nam Trung Quốc.

Nhóm chuyên gia về thú ăn thịt nhỏ của Hiệp hội Bảo tồn thế giới (IUCN/SSC Small Carnivore Specialist Group) liệt cầy vằn là loài đang bị đe dọa trên toàn cầu và là một trong những loài được ưu tiên cao nhất trong các hoạt động bảo tồn. Chúng được liệt vào loài sẽ bị tuyệt chủng trong Danh sách Đỏ của Hiệp hội Bảo tồn Thế giới (IUCN).

Trong Sách Đỏ của Việt Nam, cầy vằn được liệt vào loài sẽ có nguy cơ bị tuyệt chủng và là loài bị nghiêm cấm buôn bán trong các văn bản luật bảo vệ động vật hoang dã Việt Nam.

Tại Lào chúng được xếp vào loài “ít biết đến” và là loài đang có nguy cơ bị tuyệt chủng trong Sách Đỏ của Trung Quốc. 

MỚI - NÓNG